04/09/2020 17:45 GMT+7

Mỹ sắp có vắc xin, một số chuyên gia vẫn hoài nghi

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Các nhân viên y tế Mỹ và Hãng dược Pfizer cho biết vắc xin ngừa COVID-19 có thể sẵn sàng vào cuối tháng sau. Tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn cho rằng điều này khó xảy ra.

Mỹ sắp có vắc xin, một số chuyên gia vẫn hoài nghi - Ảnh 1.

Một tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin COVID-19 tại Đức vào tháng 6-2020 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters ngày 4-9, các quan chức y tế liên bang Mỹ đã yêu cầu các bang chuẩn bị sẵn sàng cho việc phân phối vắc xin đến những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 ngay từ cuối tháng 10-2020.

Các tài liệu cho thấy Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã yêu cầu 50 bang chuẩn bị sẵn kế hoạch tiếp nhận và phân phối vắc xin "một lượng hạn chế" một hoặc 2 loại vào tháng sau. Theo đó, Mỹ dự kiến ưu tiên cung cấp vắc xin miễn phí cho các nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, an ninh, nhân viên và người ở các nhà dưỡng lão.

Trước đó, Hãng dược Pfizer ngày 3-9 nói rằng trước cuối tháng 10-2020 sẽ biết kết quả liệu loại vắc xin mà họ đang phát triển cùng đối tác Đức BioNTech SE có an toàn và hiệu quả hay không.

Hãng dược Mỹ cho biết sẽ xin phép thông qua loại vắc xin này ngay lập tức nếu kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 khả quan. Hãng đã tuyển hơn 30.000 người trên toàn cầu tham gia thử nghiệm giai đoạn cuối, hiện đã sản xuất được vài trăm ngàn liều vắc xin. Nếu thuận lợi, hãng sẽ sản xuất 100 triệu liều trong cuối năm nay và thêm 1,3 tỉ liều vào năm sau.

Thời điểm cung cấp vắc xin mang ý nghĩa chính trị lớn tại Mỹ khi nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng 11-2020. Washington đã chi 1,95 tỉ USD để đặt mua sớm 100 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 và tuyên bố sẽ mua đến 500 triệu liều nếu vắc xin hiệu quả.

Nói về thông tin trên, người phát ngôn Kayleigh McEnany của Nhà Trắng nói CDC không chịu sức ép chính trị phải nhanh chóng thông qua vắc xin. "Không ai gây áp lực cho CDC phải làm gì", bà McEnany nói.

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, nói rằng việc có vắc xin ngay trong tháng sau không phải bất khả thi nhưng rất khó.

"Tất cả đều là ước đoán. Chuyện có vắc xin vào tháng 10 là có khả năng dù tôi không nghĩ là có thể. Tôi cho rằng và tôi khá chắc chắn vắc xin sẽ không được thông qua để sử dụng cho công chúng Mỹ, trừ khi nó đảm bảo an toàn lẫn hiệu quả", ông Fauci nói với Đài CNN rằng hầu hết các chuyên gia nhận định chỉ có thể có vắc xin sớm nhất vào tháng 11 hoặc 12.

Theo chuyên gia Larry Corey của Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, người đứng đầu nhóm điều phối thử nghiệm lâm sàng các loại vắc xin COVID-19 được chính quyền liên bang mua tại Mỹ, quy trình thử nghiệm vắc xin phải mất đến 7 tháng, hoặc ít nhất là 5 tháng.

Nếu tính thời điểm bắt đầu thử nghiệm vắc xin từ tháng 7-2020, việc thử nghiệm sẽ kết thúc trong khoảng tháng 12-2020 đến tháng 2-2021.

Trước đó, chính quyền nhiều nước đã nhấn mạnh sự an toàn là yếu tố không thể nhượng bộ trong cuộc đua phát triển vắc xin ngừa COVID-19. Khi Nga tuyên bố thông qua loại vắc xin đầu tiên trên thế giới ngay cả trước khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3, nhiều nước đã tỏ rõ sự hoài nghi.

Tuy nhiên, việc Mỹ thông qua sớm vắc xin vẫn có khả năng xảy ra, theo CNN. Trước đó, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã nói rằng có thể cân nhắc khi một loại vắc xin đảm bảo được hiệu quả tối thiểu 50%, tức giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc bệnh nặng.

Quyết định sẽ thuộc về Ban Giám sát an toàn và dữ liệu, một ban hoạt động độc lập gồm các chuyên gia trong ngành, nơi sẽ đánh giá dữ liệu về vắc xin. Họ có thể yêu cần ngừng thử nghiệm nếu vắc xin không hiệu quả nhưng cũng có thể yêu cầu ngừng thử nghiệm nếu thấy kết quả tốt hơn mong đợi. Đó là lý do vì sao CDC yêu cầu các bang ở Mỹ sẵn sàng, theo Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar.

Bản tin COVID-19 ngày 2-9: Mỹ bác lo ngại của WHO về việc đẩy nhanh sản xuất vắcxin Bản tin COVID-19 ngày 2-9: Mỹ bác lo ngại của WHO về việc đẩy nhanh sản xuất vắcxin

TTO - Tính đến sáng 2-9 (giờ Việt Nam), toàn cầu có hơn 25,8 triệu ca COVID-19, trong đó có hơn 18,1 triệu ca hồi phục và trên 859.000 ca tử vong. Nga gia nhập các nước có trên triệu người nhiễm virus corona.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên