Doanh nghiệp cần tiếp tục chính sách miễn và giảm thuế để phục hồi kinh tế - Ảnh: T.T.D
Thành tích thu ngân sách năm nay có được như Bộ Tài chính đánh giá là có phần đóng góp của các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí.
Thực tế, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho hầu hết nhóm mặt hàng có thuế suất 10% hay giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu... đã hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh hồi phục. Tổng số thu ở cả ba khu vực kinh tế đến nay đã vượt tới 50.000 tỉ đồng so với dự toán.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Tuyết Lan - vụ trưởng Vụ Dự toán (Tổng cục Thuế) - cho biết số thu nội địa mấy tháng gần đây đang giảm dần. Thu trong tháng 8 chỉ đạt khoảng 105.000 tỉ đồng, tháng 9 chỉ khoảng 82.000 tỉ đồng - giảm mạnh so với mức bình quân 130.000 tỉ đồng của những tháng đầu năm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Trí Long - chuyên gia tài chính - cho rằng số thu nội địa giảm cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 11 tháng qua là 132.300, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, mỗi tháng có khoảng 12.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động, đồng nghĩa với hàng trăm ngàn lao động bị mất việc và không có thu nhập.
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 dự báo tiếp tục có những diễn biến bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Đó là giá xăng dầu tiếp tục neo ở mức cao, kéo theo giá cả hàng hóa và dịch vụ khác cũng bị đội lên. Đồng thời, việc tiếp cận vốn trên cả ba thị trường cổ phiếu, trái phiếu và ngân hàng đều là "cánh cửa hẹp" với doanh nghiệp. Lãi suất cho vay sẽ giữ mức cao.
Riêng các ngành dệt may, da giày, gỗ... hoạt động cầm chừng, thiếu đơn hàng từ cuối quý 3 do các thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU chịu tác động lạm phát nên cắt giảm nhu cầu tiêu dùng.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp và người dân, trong khi đó, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Chắc chắn, thách thức sẽ càng nặng nề.
Để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế mà Quốc hội đặt ra trong năm nay và năm sau, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi năm 2023 tiếp tục được gia hạn các chính sách hỗ trợ thuế như áp dụng trong năm nay.
Cụ thể, Quốc hội nên tiếp tục cho giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 10%. Như tính toán của Bộ Tài chính, chính sách này khiến ngân sách năm 2022 giảm thu hơn 40.000 tỉ đồng, song nó lại giúp tạo thêm hàng triệu việc làm và hỗ trợ được hàng trăm nghìn doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất.
Việc giảm thuế sẽ giúp hạ giá hàng hóa và dịch vụ, kích thích tiêu dùng, qua đó giúp hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Nhờ đó, ngân sách tăng thu.
Hay việc giữ nguyên thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như hiện nay mà Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vô cùng quan trọng. Bởi đề xuất này nếu được áp dụng sẽ giúp giảm giá xăng khoảng 3.300 đồng/lít, dầu diesel là 1.650 đồng/lít, nhiên liệu bay 2.200 đồng/lít...
Trong bối cảnh xăng dầu thế giới còn diễn biến phức tạp, việc giữ mức thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít dầu diesel... sẽ góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, vốn với doanh nghiệp là vấn đề rất lớn trong năm sau. Nếu tiếp tục được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất thì doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Vì được chậm nộp tiền thuế và tiền thuê đất được hiểu là doanh nghiệp được sử dụng khoản tiền không lãi suất.
Do vậy, để kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh có cơ hội phục hồi, ngay từ bây giờ Bộ Tài chính cần đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài các chính sách miễn, giảm thuế để áp dụng ngay từ đầu năm 2023.
Các chính sách này không chỉ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Khi người nộp thuế phục hồi, ổn định và phát triển thì chắc chắn sẽ nộp thuế nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận