02/09/2023 08:24 GMT+7

Mua thang máy nhưng bên bán không cung cấp pass code để bảo hành, phải làm sao?

Hết hợp đồng bảo hành, do thấy dịch vụ của công ty bán thang máy không tốt nên tôi chuyển sang dùng dịch vụ bảo dưỡng của công ty khác. Lúc này mới phát hiện công ty bán thang máy có cài pass code.

Mua thang máy nhưng bên bán không cung cấp pass code để bảo hành, phải làm sao? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH

Mua thang máy nhưng bên bán không cung cấp pass code để bảo hành, phải làm sao? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH

Tôi (ở quận Phú Nhuận) đã ký hợp đồng mua thang máy của công ty thang máy P., trụ sở tại quận Tân Phú vào năm 2018. Tới năm 2019, công ty giao hàng và bảo hành 1 năm.

Hết hợp đồng bảo hành, do thấy dịch vụ chăm sóc của công ty P. không tốt nên tôi muốn chuyển sang sử dụng dịch vụ bảo dưỡng của công ty khác.

Khi công ty khác tới bảo dưỡng thang máy thì không mở được các hệ thống (bo mạch) của thang, lúc đó tôi mới biết công ty P. đã cài pass code vào bo mạch. Sau khi giao và lắp thang máy cho gia đình tôi, công ty P. không bàn giao cũng như không nói gì tới chuyện có cài pass code.

Ban đầu tôi hỏi, công ty đó chối quanh không thừa nhận việc cài pass code nhưng trong cuộc đối thoại giữa hai bên thì phía nhân viên kỹ thuật công ty này thừa nhận có chuyện đó và đổ lỗi việc cài pass code là do nhà cung ứng sản phẩm.

Muốn lấy pass code phải gửi yêu cầu tới nhà cung ứng nhưng sẽ mất thời gian (nhân viên kỹ thuật của công ty P. nói vậy để chối bỏ trách nhiệm).

Xin hỏi sản phẩm tôi đã mua thì có phải là thuộc quyền sở hữu của tôi không (có hợp đồng mua bán, đã thanh toán hết, đã hết hạn bảo hành của công ty bán sản phẩm)?

Việc công ty P. cố tính cài pass code để không một công ty nào có thể bảo hành, sửa chữa sản phẩm là đúng hay sai? Để buộc công ty P. phải đưa pass code lại cho khách hàng thì tôi phải làm những gì?

Một bạn đọc gửi câu hỏi.

- Luật sư Nguyễn Phong Phú (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:

Luật sư Nguyễn Phong Phú

Luật sư Nguyễn Phong Phú

Theo nội dung bạn trình bày, hợp đồng mua thang máy giữa bạn và công ty P. đã được ký kết, thực hiện, thanh toán, sử dụng và đã hết hạn bảo hành. Thang máy thuộc quyền sở hữu của bạn.

Tuy nhiên, bên bán vẫn có nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng, được quy định tại điều 443 Bộ luật Dân sự.

Nội dung cụ thể là: "Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó; nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện trong một thời hạn hợp lý.

Nếu bên bán vẫn không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại".

Do đó, việc công ty không cung cấp pass code là nguyên nhân dẫn đến việc bạn không thực hiện được việc bảo dưỡng thang máy, nguy cơ gây mất an toàn khi sử dụng, mục đích giao kết hợp đồng không đạt được.

Sau thời gian yêu cầu mà công ty P. vẫn không cung cấp pass code thì bạn có quyền làm đơn khởi kiện để hủy bỏ hợp đồng mua thang máy này và yêu cầu công ty P. bồi thường thiệt hại cho bạn.

Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng được quy định tại điều 427 Bộ luật Dân sự như sau:

1. Khi hợp đồng bị hủy thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.

2. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.

Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được quy thành tiền để hoàn trả.

Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.

4. Việc giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác có liên quan quy định.

5. Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ quy định tại các Điều 423, 424, 425 và 426 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.

Có người lấy địa chỉ nhà tôi làm căn cước công dân, phải làm sao?Có người lấy địa chỉ nhà tôi làm căn cước công dân, phải làm sao?

Có người không hề sinh sống ở nhà tôi suốt nhiều năm qua, không có tên trong hộ khẩu nhưng vẫn được ghi địa chỉ nhà tôi trên căn cước công dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên