04/02/2024 16:35 GMT+7

Mong ước ngày Tết của những ngư phủ chông chênh giữa sông Hồng

Trên chiếc thuyền cũ neo tạm bằng dây thừng sát bờ sông Hồng, chị Hiếu cẩn thận xếp lại lưới đánh cá mới mua để tối ngược dòng kiếm con cá, con tôm nuôi hai đứa con nhỏ.

Chị Hiếu, một ngư phủ dạn dày kinh nghiệm, tranh thủ đan lại tấm lưới đánh cá bị rách hôm trước - Ảnh: HÀ QUÂN

Chị Hiếu, một ngư phủ dạn dày kinh nghiệm, tranh thủ đan lại tấm lưới đánh cá bị rách hôm trước - Ảnh: HÀ QUÂN

Chiều nay, trời ấm hơn, dưới mé sông Hồng gần cầu Nhật Tân, Hà Nội, một khung cảnh yên bình hiện ra, cả xóm chài "đang ngủ" chờ đêm tối thức giấc.

Giữa một chiếc thuyền cũ, chị Hiếu, trú Phú Thượng, Tây Hồ, vừa cẩn thận xếp lại tấm lưới mới bằng cước vừa kể: “Tuần trước, có tàu to bốc hàng đi qua kéo hỏng mất lưới, không sửa được lại phải mua để tối đi làm”.

Vay nợ để mang Tết về cho con

Tranh thủ ngơi tay, uống ngụm nước, trong tiếng sóng chầm chậm vỗ vào bờ, chị Hiếu kể mấy hôm nay trời mưa gió thất thường, lênh đênh cả ngày từ nửa đêm đến 18h hôm sau cũng chỉ có vài con cá nhỏ, nhưng vì con phải cố gắng.

Cũng tại bờ sông này, cách đây 13, 14 năm, khi ấy con gái chị còn ít tuổi, vào một ngày mưa to, sóng lớn đánh lật con thuyền bé như chiếc lá giữa lòng sông Hồng. “Đêm đó bão lớn lắm, khi thuyền bị đắm, mình chỉ biết ôm hai con chạy lên bờ tìm chỗ trú. Người dân nghe tiếng kêu liền ra giúp”, chị Hiếu tâm sự.

Sau đấy, chị tích cóp dựng một cái nhà cót. 5 năm sau, chị cũng mua được ít gạch, tấm pờ rô xi măng để lấy chỗ che mưa che nắng cho các con. Nhưng gió to, có lần căn nhà nhỏ của ba mẹ con đổ sập.

Mấy năm nay, một người có đất trồng hoa đào, biết hoàn cảnh nên thuê chị làm cỏ với 100.000 đồng tiền công/ngày, lại cho ở nhờ chòi gạch gần bãi chừng 30m2. Là hộ khó khăn, thi thoảng chị được người ta cho ký gạo, thực phẩm, có năm còn được cho con gà, bánh chưng ăn Tết Nguyên đán.

“Mình chỉ mong có con gà, thùng mì tôm, chục trứng gà, sắm quần áo mới cho con và ít tiền mừng tuổi, vì chưa năm nào được đi chúc Tết. Con gái cứ bảo ba mẹ con ra hồ Gươm chơi Tết, nhưng mình bảo mất nhiều tiền lắm. Nó hiểu chuyện, bảo không thích đi nữa, cứ mất tiền thì không đi nữa”, chị thổ lộ.

Nhưng không phải cuộc đời không có niềm vui, chị hứng khởi nói về chuyện bác sĩ nha khoa biết các con mong có tivi để không phải đi coi ké tuyển Việt Nam đá bóng. “Nếu chú cho ngay thì mấy đứa nhỏ không nhận đâu. Chú bác sĩ bảo cho một nửa, còn lại trả dần nhưng phải chăm ngoan học giỏi, đỡ đần mẹ. Tưởng chú nói vui, ai ngờ không báo trước, chú tự mang tivi mới đến lắp ở nhà. Mỗi tháng mình trả 500.000 đồng, giờ cũng được kha khá”, chị Hiếu bày tỏ.

Tết Nguyên đán đến gần, cả nhà có thêm bà ngoại ăn chung, rồi tối bà lại xuống thuyền ngủ. Mẹ chị Hiếu già cả, ốm đau, chỉ biết giúp con bán cá ngoài chợ. Nhiều năm là hộ nghèo, chị được vận động xin thoát nghèo, nhưng với gia cảnh của mình, chị cho biết năm nay dự định đi vay nợ vì nước sông Hồng lưng chừng, trời lạnh, cá về ít trong khi vẫn phải đóng tiền học, tiền bảo hiểm y tế cho con.

“Người ta cho vay, trả cả gốc cả lãi 100.000 đồng/ngày, nhưng chưa đòi ngay đâu, ăn Tết xong mới trả. Ngày trước còn nhiều cá, nay người ta đánh điện hết nên không có mấy. Mình làm thủ công bằng lưới, bắt được con nào hay con ấy”, chị ngập ngừng nói.

Xóm phao dưới chân cầu Nhật Tân chỉ mươi hộ, đa phần trung tuổi với mấy đứa trẻ, nương tựa vào nhau để sống sau khi địa phương vận động thoát nghèo - Ảnh: HÀ QUÂN

Xóm phao dưới chân cầu Nhật Tân chỉ mươi hộ, đa phần trung tuổi với mấy đứa trẻ, nương tựa vào nhau để sống sau khi địa phương vận động thoát nghèo - Ảnh: HÀ QUÂN

Đời ngư phủ sông Hồng chỉ mong lên bờ ăn Tết

Cùng xóm phao với chị Hiếu, anh Tĩnh, 46 tuổi, tranh thủ dọn lại nhà với chuẩn bị lưới đánh cá. Làm ngư phủ lâu năm, tài sản giá trị nhất vẫn là con thuyền phao của cha cho, dài hơn 10m, rộng chừng 3m, có vài đồ điện đã cũ như nồi cơm, tủ lạnh.

“Cảnh thuyền chài có bao nhiêu sắm Tết bấy nhiêu. Muốn mua cái này cái kia thì phải nói khó để người ta cho vay”, anh Tĩnh nói.

Mới 46 tuổi song nhìn anh khắc khổ, mái đầu đã hai màu tóc, đôi bàn tay chai sạn, khô đét, chi chít vết xước như vỏ cây lâu năm.

“Ngày xưa mình theo bố ra bãi, cá nhiều lắm, tha hồ bắt, giờ ngày càng ít cá. Có ngày may mắn thì được 200.000 - 300.000 đồng nhưng trừ xăng dầu không còn bao nhiêu. Hai con cá to, mỗi con bằng bắp chân người lớn cũng chỉ 300.000 đồng”, anh bày tỏ.

Khi được hỏi sao không chọn việc trên bờ để làm, ngư phủ này chia sẻ trước đã đi làm bảo vệ, trông xe nhưng lương chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng, công việc cũng không nhẹ nhàng hơn nên quay lại đánh cá.

Ở một góc thuyền, chị Vẽ, quê Vĩnh Phúc, người xóm phao lâu năm, bày tỏ bao năm qua cứ đêm là cùng chồng ngược dòng nước đánh cá, cách chỗ neo thuyền khoảng 10km. Cứ thế, vừa đánh cá vừa xem có việc gì làm thêm kiếm vài đồng ăn qua bữa đến trưa mới về.

“Khổ nhất là về đêm phải thức canh cá, đêm lạnh, gió lùa nhưng mãi rồi cũng quen. Chỉ mong có sức khỏe để còn đi làm”, chị Vẽ thổ lộ.

Nói về mong ước ngày Tết, nhà chị năm nào cũng vậy, đều dự định sắm cành quất xinh xinh vài chục nghìn để có không khí mùa xuân.

“Chỉ mong có tiền để đủ ăn Tết. Không ai muốn ở dưới sông nhưng chẳng lên bờ được. Có người bảo vay nợ mua cái nhà, nhưng cả đời chắc chẳng trả được”, chị tâm tư.

Theo lãnh đạo phường Phú Thượng, phường thường xuyên quan tâm, không để người dân nào không có Tết. "Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền mặt 1,5 triệu đồng và một gói quà 500.000 đồng theo quy định", vị này nói và từ chối trả lời thêm về câu chuyện các hộ ở xóm phao làm đơn thoát nghèo.

Cần thủ nhí đánh vật với Cần thủ nhí đánh vật với 'cá khủng'

'Thấy cháu nó kéo con cá toát mồ hôi, không lại giúp lại còn đứng quay video', một người xem bình luận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên