25/10/2023 12:32 GMT+7

Mong manh đời câu mực

TRẦN MAI
và 1 tác giả khác

Cảng An Hòa (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), nơi xuất phát biết bao tàu câu mực, và chẳng ai ngờ cùng lúc có đến 15 ngư dân chết và mất tích.

Tàu câu mực của ngư dân Quảng Nam ở Trường Sa  - Ảnh: Cảnh sát biển

Tàu câu mực của ngư dân Quảng Nam ở Trường Sa - Ảnh: Cảnh sát biển

Câu mực, nghề truyền đời của ngư dân Núi Thành vốn nổi tiếng cả nước. Họ đã dong thuyền ra khơi là lênh đênh vài tháng mới trở về. Mỗi ngư dân một chiếc thúng lênh đênh trên biển đêm với bao bất trắc khó lường.

Bây giờ có thiết bị định vị, kết nối thông tin giữa các thúng và mỗi lần thả năm thúng đánh bắt gần nhau để kịp tương trợ khi gặp sóng gió. Nhưng nghề câu mực khơi vẫn đặc thù mỗi ngư dân một chiếc thúng nhỏ bé như chiếc lá trong đêm.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh

Chiếc thúng mỏng manh giữa biển đêm

Xã Tam Giang và Tam Quang, huyện Núi Thành mấy chục năm qua gắn bó với nghề câu mực. Gần như tất cả trai tráng lớn lên, không tiếp tục việc học lại theo tàu ra Trường Sa, Hoàng Sa câu mực. Cảng An Hòa là nơi xuất phát của những con tàu trăm ngày lênh đênh đầu sóng.

Quá khứ vọng về những ngày đầu hình thành nghề câu mực. Ngư dân Phạm Đức Trí (xã Tam Giang) - chủ tàu câu mực QNa 91755 - đã ngoài 50 tuổi, vừa hoàn thành nghi thức cúng thuyền để hai ngày nữa vươn khơi nói: "Dân ở đây sống tốt từ nghề câu mực là nhờ bác Lương Tiền, bác là người khai sinh nghề câu mực khơi".

Dân địa phương ai cũng biết ông Tiền, dù về bờ giao lại chuyện biển khơi cho con cháu đã hơn 10 năm nhưng sức khỏe ông vẫn còn cường tráng lắm. Nhắc lại chuyện xưa, ông Tiền cười khà khà, cha mất từ năm 17 tuổi, ông lên tàu đi đánh lưới chuồn cùng chú bác trong làng để nuôi gia đình. Sau đó, ông tự tách riêng đánh bắt gần bờ. Năm 27 tuổi ông thử nghiệm câu mực và chẳng ngờ thành công ngoài mong đợi, phiên biển kiếm tiền gấp bốn lần nghề khác.

"Thế là tôi quyết định đóng tàu câu mực. Năm 1990 tôi sắm tàu 55CV, lớn nhất Quảng Nam thời đó, rồi kéo mười mấy người đàn ông trong xóm góp thúng đi câu mực. Làm ăn được, cả làng làm theo", ông Tiền kể.

Đêm 16 rạng sáng 17-10 vừa qua, hai tàu câu mực xã Tam Giang bị chìm, 15 người chết và mất tích khiến ông Tiền rất buồn. Cả đời bám biển, ông chưa gặp thảm kịch như vậy. Lần gần nhất là bão Chan Chu năm 2006, xã mất tích 11 người, tưởng thảm kịch rồi, ai dè lần này còn tang thương hơn.

Câu mực khơi có lẽ là nghề lênh đênh trên biển dài ngày nhất, mỗi phiên kéo dài 2 - 3 tháng mới về. Cứ 16h tàu di chuyển khắp vùng biển rộng lớn rồi thả thúng, một ngư dân cô độc ngồi trên thúng xuyên đêm câu. Mãi đến 4h sáng, tàu lại di chuyển đón ngư dân.

Ngư dân Nguyễn Tấn Trị (56 tuổi, xã Tam Quang) suýt chết trên biển khi cơn lốc hất văng chiếc thúng. Giữa đêm tối mịt mù, ông gắng bơi thoát khỏi vòng xoáy nước, may mắn thế nào lại bơi về hướng chiếc thúng và giã từ biển khơi sau trận hãi hùng đó.

Đêm 17-10, ông Trị qua nhà ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp mất tích trong vụ chìm tàu câu mực QNa 90129 để động viên chị Liên, vợ ngư dân kém may mắn. Trong lời sẻ chia, ông lấy câu chuyện sống sót của mình để động viên rằng chồng cô sẽ trở về khi các tàu hải quân đang quần thảo tìm kiếm cứu nạn nhưng thẳm sâu ông không còn nhiều hy vọng.

Kể về nghề câu mực, ông Trị bảo rất rủi ro, bởi biển động quá thì không dám thả thúng xuống câu, biển yên quá thì câu không có mực, nên chỉ có biển động vừa vừa là câu đạt nhất. Khi chiếc thúng cùng ngư dân được thả xuống biển thì sống chết tự thân. "Thời tôi đi chỉ có bộ đàm, giờ có thêm định vị và phao nên lỡ có bị trôi dạt dễ tìm kiếm hơn. Nhưng nói thật, gặp sự cố lật thúng nếu có kịp đàm kêu cứu thì đêm đen như mực, tàu đến cũng khó kiếm ra vị trí", ông Trị nói.

Phụ nữ làng biển sẻ chia nỗi đau với vợ ngư dân Lương Hùng Vương tử nạn sau vụ chìm tàu câu mực  QNa 90129 - Ảnh: TRẦN MAI

Phụ nữ làng biển sẻ chia nỗi đau với vợ ngư dân Lương Hùng Vương tử nạn sau vụ chìm tàu câu mực QNa 90129 - Ảnh: TRẦN MAI

Những nỗi đau sinh nghề tử nghiệp

Sự cô độc giữa trùng khơi của nghề câu mực thật đáng sợ. Trong đời nghề, từ nghe được nhiều nhất là "hên xui", bởi chẳng ai nói trước được điều gì khi người và thúng dạt trôi theo con mực giữa khơi xa sâu vài ngàn mét nước. Thuyền trưởng Phạm Đức Trí cúng thuyền chuẩn bị ra khơi mới nhưng cũng là lời vọng về phía biển nguyện cầu cho một ngư dân trên tàu vừa mất cách đây mấy ngày.

Nửa tháng trước, khi dong thuyền ra biển Trường Sa, gần đến ngư trường bất ngờ một trận gió lớn quật qua giữa đêm làm một ngư dân đập vào giàn câu mực, rơi xuống biển. Dù tàu quay lại và thả hàng chục chiếc thúng quần thảo tìm kiếm nhưng vẫn vô vọng. Ông Trí về bờ, báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng, đến nay mới chuẩn bị đi lại. "Nghề này rủi ro cao lắm, thỉnh thoảng lại có ngư dân gặp chuyện chẳng lành. Biết nguy hiểm nhưng bỏ nghề biết làm gì sống", ông Trí trải lòng.

Nghề câu mực dẫu nuôi sống bao gia đình xứ này nhưng cũng lấy đi bao nước mắt. Chiều 22-10, lực lượng chức năng thông báo ngừng tìm kiếm 13 ngư dân mất tích, ông Đinh Văn Minh, anh trai ngư dân Đinh Văn Phương, rưng rưng khóc khi hiểu số mệnh em trai đã kết thúc. Sáng hôm ông Minh câu mực vừa về đến đất liền cũng là lúc ông hay em mất tích. 

Tột cùng đau đớn, ông Minh bảo nhà có ba anh em, tất cả đều chọn nghề câu mực khơi. Ông đã về bờ an toàn, anh Phương mất tích, còn người em út Đinh Văn Khánh vẫn đang lênh đênh giữa biển đêm Trường Sa.

"Mấy nay tôi cứ gọi Icom ra tàu, dặn thằng Khánh cẩn thận, biển động quá thì ở trên tàu, đừng đi câu, ít tiền cũng được. Nó mà có gì nữa là tôi chẳng còn anh em nào", ông Minh nghẹn giọng.

Nhìn giọt nước mắt trùng phùng của những người vợ may mắn được gặp lại chồng sau phiên biển hãi hùng vào đúng Ngày Phụ nữ Việt Nam thật xót xa. Mạng sống của chồng con sấp ngửa theo từng tận gió, cuộn sóng biển khơi.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh, phó chủ tịch UBND xã Tam Giang, cho biết cả xã có 45 tàu đánh bắt xa bờ. Trong đó có 38 tàu câu mực với khoảng 1.500 ngư dân lênh đênh theo con mực. Hiểu được nguy hiểm của nghề, chính quyền địa phương luôn kêu gọi ngư dân đánh bắt theo nhóm, lúc thả thúng đi câu ít nhất phải vài chiếc thúng ở cạnh nhau để kịp thời tương trợ lúc trời nổi gió dông...

Chuyện tàu QNa 90129

Ba anh em ngư dân Đinh Văn Minh cùng câu mực, giờ ông Minh về bờ, còn người em tên Phương đã tử nạn - Ảnh: LÊ TRUNG

Ba anh em ngư dân Đinh Văn Minh cùng câu mực, giờ ông Minh về bờ, còn người em tên Phương đã tử nạn - Ảnh: LÊ TRUNG

Chiều 20-10, thuyền trưởng Lương Văn Viên trở về từ biển cả nhưng chiếc tàu QNa 90129 ông cầm lái chục năm không về cùng. Cả đời sóng gió, kinh nghiệm đầy mình, ông đã trụ vững qua bao đận lênh đênh giữa biển nhưng lần này...

Khi thi thể hai ngư dân được tàu hải quân đưa xuống cảng để về với gia đình, đôi mắt ông Viên đỏ hoe: "Mọi chuyện quá nhanh, tôi chẳng thể làm gì, xin lỗi gia đình những anh em chết và mất tích, tôi đã làm hết sức rồi".

Nghẹn đắng nỗi lòng, tàu câu mực QNa 90129 không phải lần đầu tiên gặp nạn. Tháng 4-2019, khi đang đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, tàu hỏng máy trôi dạt. Thuyền trưởng Viên trấn an 51 bạn thuyền, bình tĩnh khắc phục sự cố, phát tín hiệu cầu cứu và "canh chừng" sóng gió cho đến khi Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam hỗ trợ lai dắt về bờ.

Đến tháng 8-2020, tàu QNa 90129 lại gặp nạn khi bị một tàu hàng đâm khiến tàu bị vỡ mũi, hư hỏng nghiêm trọng. Ngư dân Phạm Bá Tường bị thương, rơi xuống biển. Nguy hiểm cận kề, thuyền trưởng Viên vẫn bình tĩnh cùng hàng chục ngư dân cứu anh Tường và xử lý sự cố, không để tàu phá nước, bị chìm.

Can trường và đoàn kết, chiếc tàu trở về với bao vết thương vẫn tiếp tục hướng Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt. Vậy mà lần này ông chẳng có cách nào cứu bạn tàu và chiếc thuyền chìm xuống đáy khơi vì lốc xoáy...

Kết thúc tìm kiếm 13 ngư dân mất tích trên hai tàu câu mực bị chìmKết thúc tìm kiếm 13 ngư dân mất tích trên hai tàu câu mực bị chìm

Sau 6 ngày nỗ lực tìm kiếm 13 ngư dân mất tích khi lốc xoáy đánh chìm hai tàu câu mực ở Trường Sa, lực lượng chức năng đã kết thúc tìm kiếm vào chiều 22-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên