28/09/2019 08:33 GMT+7

Maya Karin - từ 'nữ hoàng gào thét' tới 'nữ hoàng xanh'

KARIM RASLAN (Ceritalah ASEAN) - BÙI THANH CHÂU chuyển ngữ
KARIM RASLAN (Ceritalah ASEAN) - BÙI THANH CHÂU chuyển ngữ

TTO - Sắp bước sang tuổi 40, 'nữ hoàng gào thét' Maya Karin hóa thân thành 'nữ hoàng xanh' với những chiến dịch tận tâm bảo vệ môi trường, đặc biệt trước ảnh hưởng của các đám cháy rừng ở Malaysia và Indonesia.

Maya Karin - từ nữ hoàng gào thét tới nữ hoàng xanh - Ảnh 1.

Nữ diễn viên Maya Karin - Ảnh: Nadirah Zakariya/Team Ceritalah

Tuần rồi, với hình ảnh nhà hoạt động 16 tuổi Greta Thurnberg làm nguồn cảm hứng, hàng triệu người trẻ đã đổ về các thành phố khắp toàn cầu để biểu tình chống lại tình trạng thờ ơ trước hiểm họa biến đổi khí hậu (#climatestrike).

Điều đáng nói là phản ứng ở vùng Đông Nam Á rất hững hờ (số người biểu tình ở Jakarta và Kuala Lumpur chỉ đếm được hàng trăm).

Vậy mà Malaysia và Indonesia còn đang bị bao phủ trong làn khói mù ngột ngạt từ những vụ cháy rừng lại là tâm điểm của cuộc tranh cãi khốc liệt về vấn đề sinh tử này.

Thử thách với Maya Karin

Với quy mô của sự hủy hoại (một đòn tấn công khổng lồ vào sự đa dạng sinh thái quý giá cũng như sức khỏe cộng đồng của chúng ta), sự giận dữ và bất bình của công chúng đang ở đâu? Thực vậy, ai là người phải chịu trách nhiệm? Chính phủ, các tập đoàn dầu cọ hùng mạnh hay những chủ đất nhỏ và nông dân?

Đáng buồn là nhận thức trong khu vực về môi trường diện rộng là cực kỳ hạn chế.

Tuy vậy, một số ít cá nhân, trong đó có những người nổi tiếng, đang nỗ lực hết sức để thay đổi tình hình này và nữ diễn viên Maya Karin (ngôi sao bộ phim kinh dị rất ăn khách Munafik 2) đến nay là nhà hoạt động nổi bật và tận tâm nhất.

Tuần vừa rồi ngay trước khi đi ngủ, nữ diễn viên đã đăng một dòng tweet khẩn nài Tổng thống Indonesia Joko Widodo ("Jokowi") ra sức can thiệp vào tình trạng khói mù, kết thúc bằng lời kêu gọi thống thiết "chúng ta sẽ để cho lòng tham thắng thế ư?".

Qua một đêm, thông điệp này đã lan truyền nhanh chóng. Vào thời điểm những dòng này được viết, nó đã được tweet lại 28.600 lần.

Sắp bước sang tuổi 40, "nữ hoàng gào thét" hóa thân thành "nữ hoàng xanh" mang nửa dòng máu Đức, nửa dòng máu Malaysia là một người đẹp quyến rũ. Cầm chai nước (dùng lại được) trong tay và ngồi vắt chéo chân trong ghế sofa suốt buổi phỏng vấn, cô tỏa ra một phong cách "hippie" rất duyên dáng và trẻ trung.

"Tôi từng là người chỉ biết an phận thủ thường. Sự nghiệp của tôi chưa bao giờ được lên kế hoạch cả. Tôi không bao giờ có tham vọng hay ý định đặc biệt nào để trở thành người nổi tiếng".

Phần lớn nguyên tắc hoạt động của cô đi theo quỹ đạo tương tự. Phong trào #MayaKarinChallenge (Thử thách với Maya Karin - mọi người chụp ảnh họ đầm mình trong nước để thu hút công chúng quan tâm đến sự sạch sẽ và trong lành của sông suối ở Malaysia) vốn cũng nổi đình nổi đám trên mạng xã hội, là kết quả của một tấm hình selfie chụp cô đang nằm trên dòng nước giữa một con sông trong chuyến trở về từ rừng nhiệt đới Belum ở Perak.

"Nó không hề được lên kế hoạch! Tôi chụp một tấm hình selfie. Và sự thể là một người hâm mộ của tôi quyết định bắt chước nó. Tôi nghĩ điều đó khá ngộ nghĩnh, nên tôi tweet lại hình ảnh đó. Mọi chuyện cứ thế bùng lên!". Điều không có gì bất ngờ xét đến độ nổi tiếng trên mạng xã hội của cô. (Twitter: 1,4 triệu người theo dõi, Instagram: 950.000 và đang tăng lên).

Maya cũng có thể kiên quyết khi cô cần phải thế.

"[Các nhà khoa học và các nhà môi trường học] quá bận bịu với công việc, thành thử họ không có thời gian quảng bá công việc của mình. Lại có những người trẻ không biết nên đặt nhiệt tình của mình vào đâu. Cho nên tôi hi vọng mình có thể là nhịp cầu nối giữa hai bên và làm cả hai trở nên hữu ích hơn".

Trong vài tuần vừa qua, cô đã trở lại Belum vì một sự kiện bảo tồn động vật, viếng thăm vườn quốc gia ở Cheras và tham gia những sự kiện làm sạch sông hồ.

Thế nhưng cô cảm thấy quốc gia vẫn có thể làm nhiều hơn nữa vì môi trường. "Thử thách vẫn là vấn đề thực thi. Vậy nên mặc dù chính phủ và các quan chức nói nhiều về nó, nhưng sự cam kết 100% vẫn chưa có. Tôi chưa thấy một chính trị gia nào đứng ra bày tỏ quan điểm".

"Sức mạnh lớn nhất của Maya là ở cách tiếp cận của cô. Cô có cách lĩnh hội riêng về tất cả những khái niệm môi trường này và diễn đạt sao cho công chúng hiểu. Cô ấy làm cho chủ trương bảo vệ môi trường trở nên dễ hiểu".

Aidil (tweet ở @sunfloweraidil), người nhiệt tình vì môi trường, giải thích

Khi im lặng không phải là vàng

Maya thú nhận rằng nỗi sợ lớn nhất của cô là sự hủy hoại đa dạng sinh học của Malaysia nhân danh lợi nhuận. Cô đặc biệt phê phán ngành công nghiệp dầu cọ với lập luận: "Khi chúng ta nói về những đồn điền dầu cọ, kẻ chiến thắng thật sự chỉ là hai hoặc ba người. Nó không phải cái mà toàn thể dân làng hay cộng đồng có thể hưởng lợi".

Nhưng vì sao Maya bắt đầu quan tâm? Có lẽ đó là do nền tảng giáo dục của cô: cha (người Đức) và cụ cố của cô (một người giữ rừng) đã thấm nhuần trong cô một tình yêu rừng và môi trường nói chung. Cha của Maya thường dẫn cô lên đồi hái quả việt quất và thăm thú những con sông.

"Malaysia có sự đa dạng sinh học khổng lồ và Indonesia cũng vậy... Chúng ta có rất nhiều thứ để bảo vệ và nâng niu. Chúng ta vẫn còn cơ hội" - cô nói.

Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta từ bỏ dầu cọ? Và phải chăng tác hại vẫn chưa tới mức bất khả vãn hồi?

"Tôi không ở vị thế để nói được liệu chúng ta đã đi quá giới hạn hay chưa. Nhưng tôi ở vị thế để nói được rằng chúng ta nên lưu tâm và nên xem xét nó. Tôi muốn có thêm nhiều chuyên gia làm việc này" - Maya chia sẻ.

Những người hoài nghi có thể cho rằng nhiệt tình này của người nổi tiếng sẽ không đi tới đâu. Tuy nhiên, ở Malaysia và Indonesia, chúng ta thật sự cần những tiếng nói rất được lắng nghe này để làm gia tăng nhận thức và định hình cuộc tranh luận, bởi xét cho cùng chính là rừng CỦA CHÚNG TA đang bốc cháy.

Trong lúc đó, các công ty đồn điền đã ngang nhiên im lặng trong cuộc tấn công dữ dội của khói mù. Họ cần nhận thức rằng im lặng không phải là vàng. Sự im lặng sẽ không bảo vệ họ, vì họ đang thật sự đứng trước nguy cơ đánh mất sự ủng hộ của quê hương mình.

Sau cùng, chúng ta cần xác định rằng liệu ngành dầu cọ có phải là một phần của tương lai hay quá khứ của chúng ta hay không?

Và nếu nó là tương lai của chúng ta, thì chúng ta phải đảm bảo rằng ngành này phục vụ lợi ích của người dân, chứ không phải ngược lại.

Indonesia: Hơn 900.000 người bị bệnh về đường hô hấp do cháy rừng Indonesia: Hơn 900.000 người bị bệnh về đường hô hấp do cháy rừng

Đã có tổng cộng 919.516 người tại nước này bị viêm đường hô hấp cấp tính (ISPA) do bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng và cháy than bùn.

KARIM RASLAN (Ceritalah ASEAN) - BÙI THANH CHÂU chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên