08/12/2023 12:25 GMT+7

Loạt dự án chậm tiến độ chục năm tại Quảng Ngãi vì vướng mặt bằng

Sáng 8-12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 20, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, những dự án chậm tiến độ chiếm sóng nghị trường. Tất cả dự án chậm tiến độ từ nhiệm kỳ trước để lại, đa phần do vướng mặt bằng, pháp lý.

Dự án đường Chu Văn An (TP Quảng Ngãi) chậm tiến độ kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh của người dân - Ảnh: TRẦN MAI

Dự án đường Chu Văn An (TP Quảng Ngãi) chậm tiến độ kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh của người dân - Ảnh: TRẦN MAI

Các đại biểu đặt câu hỏi "xoay" Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường, TP Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất... về những dự án chậm tiến độ

Bởi không chỉ dự án công mà cả dự án tư cũng chậm. Chậm từ dự án bất động sản đến du lịch, nông nghiệp, hạ tầng giao thông...

Hỏi "xoay" dự án chậm tiến độ

Đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng đặt vấn đề: "Hiện có 10 dự án chuyển tiếp kéo dài qua nhiều năm gây bức xúc trong dư luận, như đường giao thông trục chính Vạn Tường, đường Trì Bình - Dung Quất... (Khu kinh tế Dung Quất); khu dân cư Yên Phú, khu dân cư phía nam Hai Bà Trưng, đường Chu Văn An... (TP Quảng Ngãi). Nguyên nhân chậm do đâu, vai trò trách nhiệm của Sở Kế hoạch - Đầu tư đối với vấn đề này?".

Đại biểu Trần Hoàng Vĩnh cho rằng dự án chậm tiến độ phần lớn ở TP Quảng Ngãi, nhiều dự án chậm tiến độ cả chục năm, trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

"Vì sao đường Chu Văn An nối dài chậm tiến độ đến 8 năm, trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Đề nghị chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết khả năng hoàn thành dự án này", đại biểu Vĩnh hỏi.

Đồng thời, ông Vĩnh nêu thực tế những dự án không tiếp tục triển khai thực hiện nhưng quyết định thu hồi đất vẫn không hủy bỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

"Điển hình như nút giao thông ngã tư Sơn Tịnh đã dừng cả chục năm nhưng đến nay quyết định thu hồi đất 14 năm trước vẫn không được hủy bỏ, dẫn đến quyền lợi của người dân liên quan bị ảnh hưởng", ông Vĩnh nói.

Dự án nút giao thông ngã tư Sơn Tịnh đã không triển khai nhiều năm, nhưng quyết định thu hồi đất 14 năm trước vẫn còn hiệu lực - Ảnh: TRẦN MAI

Dự án nút giao thông ngã tư Sơn Tịnh đã không triển khai nhiều năm, nhưng quyết định thu hồi đất 14 năm trước vẫn còn hiệu lực - Ảnh: TRẦN MAI

Rủi ro pháp lý cho người giải quyết rất cao

Ông Nguyễn Văn Trọng, giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, thừa nhận các dự án chậm tiến độ và chậm tiến độ kéo dài. Nguyên nhân cố hữu là bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách pháp luật...; còn các nguyên nhân chủ quan từ năng lực chủ đầu tư, năng lực của các nhà thầu.

Ông Trà Thanh Danh, chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cũng thừa nhận 7 dự án chuyển tiếp kéo dài bởi đền bù giải phóng mặt bằng. Bàn giao đất trên giấy nhưng thực địa không có.

Hiện tiền bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp tại 8 phường trung tâm của TP Quảng Ngãi khoảng 240.000 đồng/m2, dẫn đến TP cực kỳ khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

"Các dự án chuyển tiếp từ chủ đầu tư khác sang UBND TP Quảng Ngãi đều vướng mặt bằng, pháp lý... chúng tôi phải bám sát tháo gỡ, như dò đá qua sông", ông Danh nói.

Đối với dự án đã dừng lâu nhưng quyết định thu hồi đất vẫn chưa hủy bỏ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, cụ thể là nút giao thông ngã tư Sơn Tịnh, ông Danh nói quan điểm của UBND TP Quảng Ngãi là kết thúc dự án, trả lại quyền sử dụng đất cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh là hộ dân bị ảnh hưởng quyền lợi bởi dự án nút giao thông ngã tư Sơn Tịnh - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh là hộ dân bị ảnh hưởng quyền lợi bởi dự án nút giao thông ngã tư Sơn Tịnh - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng dự án "kế thừa" chậm tiến độ bởi vướng mắc pháp lý, quản lý đất đai buông lỏng, năng lực chủ đầu tư hạn chế...

"Tiền của tỉnh không thiếu, các dự án chậm tiến độ đại biểu nêu, tỉnh bố trí vốn nhiều lần nhưng chủ đầu tư không thực hiện được, phải trả lại vốn cho tỉnh. Có những dự án mười mấy năm chưa xong, giờ nhiệm kỳ này kế thừa, giải quyết tồn tại", ông Minh nói.

Dù nhiệm kỳ này không có dự án nào chậm tiến độ, nhưng ông Minh cũng nhận trách nhiệm khi dự án tiếp quản chậm tiến độ. 

"Thật sự, rủi ro pháp lý cho người trực tiếp giải quyết những dự án chậm này rất cao, nhưng nếu không chấp nhận rủi ro thì không xử lý được. Ai không làm thì đứng sang một bên", ông Minh nói.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng dự án chậm tiến độ từ giai đoạn trước để lại, nguyên nhân chủ quan là rất lớn. Thiếu nhất quán trong chỉ đạo, gây khó khăn trong tiếp nhận hồ sơ, tiếp nối công việc.

"Tôi đề nghị phải có kế hoạch cụ thể, chia theo nhóm vấn đề từ nguồn lực, pháp lý, giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư... để xử lý", bà Vân nói.

Dự án chậm tiến độ: Vì sao Dự án chậm tiến độ: Vì sao 'có tiền mà không xài'?

Cùng một quy định nhưng mỗi nơi, mỗi cơ quan hiểu một cách khác nhau đang gây ra những vướng mắc, bất cập trong thi hành chính sách, tạo nên những rào cản khiến việc triển khai nhiều dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên