07/12/2017 19:35 GMT+7

Liên quân nhà báo và hồ sơ Paradise - Kỳ cuối: Nhà báo điều tra bị trả thù

HÀNG DUY LONG
HÀNG DUY LONG

TTO - 24 giờ sau khi hồ sơ Panama được công bố, hơn 6 triệu lượt truy cập trang web ICIJ. Sau đó, nhiều vụ tấn công nhà báo đã xảy ra.


Liên quân nhà báo và hồ sơ Paradise - Kỳ cuối: Nhà báo điều tra bị trả thù - Ảnh 1.

Nhà báo Jake Bernstein (người thứ hai ở hàng thứ hai từ trái sang) tham dự cuộc họp thảo luận hồ sơ Panama tại Munich - Ảnh: ICIJ

Chúng tôi tin rằng vụ sát hại Caruana Galizia đã tạo cảm giác sợ hãi và hăm dọa, tuy nhiên đây là thời điểm thúc đẩy xã hội nhận thức nhà nước pháp quyền mang lại lợi ích cho mọi người

Trưởng phái đoàn nghị sĩ EU Ana Gomes phát biểu ngày 1-12-2017

Jake Bernstein là phóng viên cao cấp của Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Một ngày tháng 5-2015, Michael Hudson - biên tập viên cao cấp của ICIJ - gọi điện báo tin về một dự án điều tra mà Bernstein có thể tham gia. 

Tại buổi ăn trưa ở Washington D.C, giám đốc ICIJ Gerard Ryle trực tiếp cho ông biết về dự án Prometheus - bí danh được dùng để chỉ hồ sơ Panama.

Mô hình báo chí hợp tác

Hồ sơ Panama được công bố ngày 3-4-2016 gây chấn động địa cầu. Từ 11,5 triệu tập tin rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, hồ sơ đã tiết lộ hơn 214.000 công ty ngoại biên (offshore) của rất nhiều nhà chính trị, tỉ phú, những người nổi tiếng được lập ra để che giấu tài sản.

Suốt 25 năm trong nghề với nhiều giải thưởng, Jake Bernstein đã điều tra về nội chiến ở Trung Mỹ, nạn ô nhiễm công nghiệp ở Texas, tham nhũng chính trị ở Miami, thói tham lam của thị trường chứng khoán Wall Street và đồng tiền bí mật trong các công ty offshore. 

Khi hồ sơ Paradise công bố ngày 5-11-2017, ông đã viết bài giải thích thêm về thế giới ngầm offshore.

Trước đây, báo chí điều tra về các công ty offshore thường mang tính chất địa phương vì tài liệu nội bộ ít, nhà báo chỉ có thông tin từ người tố giác, nội dung phỏng vấn thu qua máy ghi hình giấu kín hay tài liệu pháp luật tham khảo. 

Do không thể đánh giá toàn cục nên cuộc điều tra trở nên khó khăn và thậm chí nguy hiểm. Nhà báo khó lòng công bố các vấn đề phạm pháp vì bị ràng buộc bởi pháp luật về bí mật thông tin và thông tin không đầy đủ. 

Do đó, kết quả điều tra rất dễ bị bác bỏ. Vì vậy Jake Bernstein, Gerard Ryle và ICIJ đã thay đổi cách làm báo này.

Năm 2011, khi đến ICIJ, Ryle mang theo một đĩa cứng chứa dữ liệu rò rỉ lần đầu tiên tiết lộ bí mật của các công ty offshore. 

Ngày 4-4-2013, ICIJ công bố hồ sơ Offshore Leaks tiết lộ hàng trăm ngàn cá nhân và doanh nghiệp lợi dụng các "thiên đường thuế" để trốn thuế và rửa tiền. Chỉ trong một ngày, trang web của ICIJ có hơn 600.000 lượt người xem.

Sau đó, ICIJ tiếp tục công bố hồ sơ China Leaks năm 2014 (20.000 công dân Trung Quốc liên quan đến các công ty offshore), hồ sơ Lux Leaks vào tháng 11-2014 (ưu đãi thuế ở Luxembourg) và hồ sơ Swiss Leaks vào tháng 2-2015 (rửa tiền và trốn thuế ở Thụy Sĩ). 

Hồ sơ Panama là vụ điều tra thứ năm của ICIJ về các công ty offshore từ khi Ryle đảm nhiệm chức giám đốc ICIJ.

Sau bữa ăn trưa hôm đó với Ryle, Jake Bernstein đã cùng các nhà báo điều tra tham gia xây dựng hồ sơ Panama. Hầu hết các nhà báo đã quen biết nhau nhờ tham gia các dự án trước của ICIJ. Họ học kỹ năng báo chí hợp tác thông qua phương pháp "thử và sai". 

Jake Bernstein nhận xét các đồng nghiệp của ông đều cởi mở và có tinh thần giúp đỡ nhau. Tất cả đoàn kết vì một mục đích chung và một niềm tin cần chia sẻ. Đó là làm việc vì lợi ích cộng đồng, tài liệu họ khai thác là thông tin mà công dân cần biết.

Liên quân nhà báo và hồ sơ Paradise - Kỳ cuối: Nhà báo điều tra bị trả thù - Ảnh 3.

Nhà báo Jake Bernstein (người thứ hai ở hàng thứ hai từ trái sang) tham dự cuộc họp thảo luận hồ sơ Panama tại Munich - Ảnh: ICIJ

Nhà báo "bị đòn"

24 giờ sau khi hồ sơ Panama được công bố, hơn 6 triệu lượt truy cập trang web ICIJ. Sau đó, nhiều vụ tấn công nhà báo đã xảy ra. 

Tại Venezuela, Bộ Thông tin nước này phát thông báo khuyến cáo báo chí không công bố hồ sơ Panama. Thông báo nêu tên các nhà báo Venezuela tham gia hồ sơ Panama của ICIJ.

Tại Ecuador, Tổng thống Rafael Correa viết trên Twitter chỉ trích các nhà báo tham gia hồ sơ Panama. Tài khoản của họ trên mạng xã hội tràn ngập những câu bình luận chửi bới. Hàng chục người đã biểu tình trước hai tờ báo El ComercioEl Universo có người tham gia hồ sơ Panama. 

Hội đồng công dân tham gia và kiểm soát xã hội do tổng thống cổ xúy thành lập đã gửi thư yêu cầu các nhà báo trình diện để chuyển giao mọi dữ liệu của Công ty luật Mossack Fonseca và trả lời thẩm vấn. Các nhà báo từ chối và giải thích họ không lưu giữ dữ liệu nào liên quan. 

Nguy cơ đối đầu xuất hiện, song ngày 16-4-2016 xảy ra vụ động đất mạnh 7,8 độ Richter (668 người chết, 16.600 người bị thương) nên sau đó không có cuộc trình diện nào cả.

Tại Hong Kong, nhà báo Yuen-Ying Chan ở Đại học Hong Kong là người đã tập hợp các nhà báo tham gia hồ sơ Panama.

Ông gặp riêng từng người nói về dự án, sau đó mới tổ chức gặp mặt chung. Trong số này có các phóng viên của Minh Báo, tạp chí CommonWealth Magazine và báo South China Morning Post.

Một ngày sau khi tờ Minh Báo dành nguyên trang đăng hồ sơ Panama, tổng biên tập Keung Kwok-Yuen bị sa thải. Hàng trăm phóng viên, biên tập viên của báo này đã biểu tình ủng hộ ông Yuen.

Những tháng sau đó, Công ty luật Mossack Fonseca thu hẹp từ 600 nhân viên xuống còn 80 người. 10 tháng sau khi hồ sơ Panama được công bố, hai luật sư sáng lập công ty Jürgen Mossack và Ramon Fonseca Mora bị bắt vì liên can vụ tham nhũng và rửa tiền của Tập đoàn xây dựng BTP Odebrecht ở Brazil. 

Cuối tháng 7-2017, tòa án tối cao Pakistan phán quyết thủ tướng Nawaz Sharif phải từ chức. Hồ sơ Panama tiết lộ gia đình ông sở hữu bất động sản đắt tiền ở London thông qua công ty offshore.

Đến nay, các vụ tấn công nhà báo vẫn tiếp tục. Bi thảm nhất là vụ nhà báo nữ Daphne Caruana Galizia bị sát hại ở Malta. Bà là mẹ của kỹ sư phần mềm Matthew Caruana Galizia làm việc cho ICIJ. 

Chưa đầy ba tuần sau cái chết kinh hoàng của Galizia, ICIJ công bố hồ sơ Paradise.

Sát hại nhà báo chống tham nhũng

Daphne Caruana Galizia, 53 tuổi, làm việc cho nhiều báo ở đảo quốc Malta, từ năm 1996 thường xuyên tố cáo tham nhũng trên blog. Năm ngoái, dựa vào nguồn hồ sơ Panama, bà đã chứng minh hai bộ trưởng Malta có liên quan.

Ngày 16-10-2017, ôtô của bà bị gài bom và phát nổ khi xe còn cách nhà riêng vài mét. Cuộc điều tra đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Malta đã nhờ FBI giúp đỡ và treo thưởng 1 triệu euro cho người cung cấp thông tin.

Ngày 1-12-2017, sau hai ngày điều tra ở Malta, phái đoàn sáu nghị sĩ nghị viện EU phê phán Malta không nghiêm chỉnh thi hành luật chống rửa tiền và lo ngại việc bán hộ chiếu Malta cho người nước ngoài giàu có nhưng không công khai danh tính người mua.

HÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên