07/03/2012 07:29 GMT+7

Liên kết để hàng Việt vươn xa

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Chiều 6-3 tại Đại học An Giang, hội thảo với chủ đề Người tiêu dùng trẻ và nỗ lực xây dựng hình ảnh mới của hàng hiệu VN sau hai năm thực hiện chương trình “Tiếp sức hàng Việt” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

WKTGpsLF.jpgPhóng to

Các bạn trẻ mua hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tối 6-3 - Ảnh: Đức Vịnh

Hội thảo do báo Tuổi Trẻ, Công ty Sữa VN (Vinamilk) phối hợp cùng Hội DN hàng VN chất lượng cao tổ chức. Đây là sự kiện mở đầu cho chương trình tiếp sức hàng Việt giai đoạn 4 với chủ đề “Hàng Việt vào chợ truyền thống” do ba đơn vị trên đồng tổ chức, kéo dài đến tháng 7-2012.

Hàng Việt vươn xa

Khai mạc hội chợ hàng VN chất lượng cao

Tối 6-3 tại khuôn viên Trường đại học An Giang, TP Long Xuyên (An Giang) đã khai mạc hội chợ Hàng VN chất lượng cao do Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức. Hội chợ diễn ra trong sáu ngày từ 6 đến 11-3 với 500 gian hàng của 160 doanh nghiệp đạt danh hiệu hàng VN chất lượng cao trong nước tham gia.

Theo ban tổ chức, chương trình “Tiếp sức hàng Việt”, mô hình quảng bá cho hàng hóa VN do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh & hỗ trợ doanh nghiệp và Công ty Vinamilk khởi xướng đã được đông đảo DN, người tiêu dùng trong nước hưởng ứng, ủng hộ. Sau hơn hai năm thực hiện, hàng Việt đã chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng, tỉ lệ người dân ưu tiên sử dụng hàng nội đã tăng từ 23% lên 59%.

Bà Bùi Thị Hương - giám đốc đối ngoại Vinamilk - cho rằng chương trình đã tạo điều kiện cho hàng Việt “cất cánh” bay xa về khắp mọi miền Tổ quốc, hang cùng ngõ hẻm ở nông thôn. “Thị phần sữa nội ngày nào chỉ chiếm 15%, đến nay chỉ riêng Vinamilk đã chiếm đến 30% thị phần sữa trong nước, sức cạnh tranh không thua kém sữa ngoại với doanh số năm 2011 đạt hơn 1 tỉ USD. Điều đó đã minh chứng sự thay đổi nhận thức, thói quen mua sắm của người dân, cũng như sự phát triển của các DN VN” - bà Hương nói.

Ông Đỗ Hoàng Nam, trưởng phòng tiếp thị Công ty Namilux (sản xuất bếp gas), cũng khẳng định ngoài việc tăng thị phần thì chương trình còn tạo cơ hội cho các DN tiếp cận với người tiêu dùng. Qua đó đã tiếp nhận nhiều thông tin phản hồi về sản phẩm có giá trị, hữu ích. “Năm 2009 chúng tôi đạt 2 triệu sản phẩm, năm ngoái lên tới 3,2 triệu sản phẩm, dự kiến năm nay đạt 3,8 triệu sản phẩm, trong đó xuất khẩu 40%” - ông Nam cho hay.

DN cần liên kết lại

Mở đầu buổi hội thảo, ông Phạm Đức Hải - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng chỉ sau hai năm, tỉ lệ người VN quyết định mua hàng VN đã tăng từ 23% lên 59%. Điều này rất đáng mừng. Tuy nhiên con số này vẫn còn khiếm tốn, và ông đặt vấn đề: làm thế nào để người tiêu dùng không còn sính hàng ngoại, ưu tiên dùng hàng Việt; làm sao để con số đó tăng lên 80-85%. “Làm cách nào đây, làm thế nào đây?” - ông Hải bày tỏ sự trăn trở.

Một số sinh viên Đại học An Giang cho biết người tiêu dùng lâu nay vẫn nghĩ hàng nội chất lượng không bằng hàng ngoại, chất lượng không ổn định, thường giảm dần sau một thời gian có mặt trên thị trường. “Nếu sữa Vinamilk chất lượng cao thì tại sao nhiều người vẫn chọn sữa ngoại dù giá cao hơn?” - một sinh viên hỏi. Ông Trần Hữu Phương, đại diện Công ty Vinamilk, giải thích sản phẩm sữa sử dụng cùng loại nguyên liệu, công thức cùng thành phần.

Giá sữa ngoại cao vì chi phí nhân công cao, chịu thuế nhập khẩu cao, giá thành sản phẩm còn cộng thêm chi phí quảng cáo với tần suất dày nên giá bán cao hơn sữa nội rất nhiều. Trong khi đó do quan niệm lệch lạc “tiền nào của đó” nên người tiêu dùng vẫn chọn mua. “Giờ đây nhiều sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng, mẫu mã không hề thua kém sản phẩm ngoại và đã xuất khẩu có thị phần ổn định ở nước ngoài. Đơn cử Vinamilk xuất khẩu đạt 140 triệu USD. Làm thế nào để người tiêu dùng hiểu rõ điều đó? Theo tôi, cần đẩy mạnh việc thông tin, quảng bá” - ông Phương chia sẻ.

Về ý kiến làm gì để khuyến khích và đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng Việt, bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao - cho rằng có hai yếu tố quan trọng giúp hàng Việt tiếp tục “vươn cánh bay cao” là phải mạnh về sản phẩm và mạnh về tính cạnh tranh.

Theo bà Hạnh, các DN trong nước nên hợp tác, liên kết lại cùng nhau tham gia các chuỗi sự kiện lớn như hội chợ, giới thiệu sản phẩm. “Nếu sản phẩm xuất hiện đồng loạt ở các sự kiện như báo Tuổi Trẻ và Hội DN VN tổ chức thì vừa chia sẻ, tiết kiệm được chi phí, mới có thể cạnh tranh lại DN nước ngoài” - bà nói.

Nâng hình ảnh hàng Việt tại chợ truyền thống

Tăng sức mạnh cho hàng Việt trên thị trường nội địa thông qua chợ truyền thống - kênh phân phối chiếm thị phần cao nhất nhưng lại đang yếu thế dần trong cạnh tranh bán lẻ là hướng đi mới mà chương trình “Tiếp sức hàng Việt” giai đoạn 4 sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, cho biết:

- Khi thực hiện khảo sát tại các chợ truyền thống, chúng tôi phát hiện hàng hóa áp đảo ở chợ hiện nay chủ yếu của các nước ASEAN như bánh Indonesia, kẹo Malaysia, kể cả mỹ phẩm, khăn giấy... Hàn Quốc và hàng của công ty đa quốc gia. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước vẫn mặc cảm hàng chợ là hàng kém chất lượng, vấn đề công nợ, chưa kể hình ảnh chợ cũng đang trên đà đi xuống so với sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại khác. Từ thực trạng này, chúng tôi nghĩ cần có một chiến dịch thật sự cho hàng Việt tại các chợ truyền thống.

* Tiểu thương ở chợ vẫn thường đặt lợi nhuận bán hàng lên hàng đầu. Vậy chương trình có những hoạt động hay điểm nhấn gì để có thể thu hút sự tham gia của tiểu thương, thưa bà?

- Chúng tôi sẽ làm việc với ban quản lý chợ, sau đó thực hiện các buổi huấn luyện giúp tiểu thương hiểu họ đang ở đâu trong cuộc cạnh tranh bán lẻ. Các chuyên gia cũng sẽ giúp tiểu thương quản lý dòng tiền, hàng tồn kho, ghi chép sổ sách một cách đơn giản nhất, giao tiếp thế nào để tạo niềm tin với khách hàng. Cuối cùng là gợi ý những dịch vụ cộng thêm, điều mà chợ đang thiếu. Chiến dịch đưa hàng Việt vào chợ truyền thống lần này đặc biệt khác với những chiến dịch trước là phải đưa được hàng vào chợ thật sự và hàng Việt phải sống được lâu dài với tiểu thương. Đây là chuyện lâu dài chứ không thể làm theo phong trào.

* Chương trình này tác động đến người tiêu dùng, tiểu thương và doanh nghiệp, nhưng làm sao có thể tạo được sự cộng hưởng từ các đối tượng trên?

- Doanh nghiệp có thể ngại một mình đem hàng vào chợ, nhưng nếu đi trong một chương trình có quảng bá sâu rộng, gắn với niềm tin về chất lượng thật của hàng Việt tại chợ thì họ đều sẵn sàng tham gia. Người tiêu dùng nói nếu có hàng Việt đáng tin cậy ở chợ thì họ sẵn sàng mua. Muốn hàng Việt sống tốt phải dẹp bỏ được hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi trong chợ, điều này cần sự hợp tác từ cơ quan quản lý.

Chương trình này cũng không thực hiện một cách ồ ạt mà chọn ra một nhóm doanh nghiệp hạt giống, các doanh nghiệp này cam kết sẽ đồng hành dài hơi, chịu trách nhiệm chất lượng tốt, giá cả hợp lý khi đưa hàng vào chợ. Bản thân doanh nghiệp phải tự làm việc với tiểu thương để có những hợp đồng lâu dài..

NHƯ BÌNH thực hiện

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên