03/04/2023 13:00 GMT+7

Lê Lợi, đại lộ tình yêu - Kỳ 2: Những người in dấu đại lộ Lê Lợi

Từ thuở đầu thế kỷ 20, đâu chỉ người Pháp gầy dựng cơ nghiệp, mà chính nhiều người Việt cũng góp phần tạo nên danh tiếng cho đại lộ Bonard, tức Lê Lợi sau này...

Quán cá phê nhạc ở số 8 Bonard (Lê Lợi) đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

Quán cá phê nhạc ở số 8 Bonard (Lê Lợi) đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

Còn nhớ hơn thập niên trước, người viết bài này hữu duyên được đưa một người con của thương gia từng gắn bó với đại lộ Lê Lợi trước năm 1975, trở về thăm chốn xưa. Anh là Lê Quang Trí, con ông Lê Quang Mỹ, thương nhân chuyên cung cấp văn phòng phẩm cho các tiệm bán mặt hàng này ở đại lộ trung tâm Sài Gòn.

Dạo thăm Lê Lợi, rồi qua Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Lai, Nguyễn Trãi, anh Trí bất ngờ tâm sự: "Người trước thật hay, toàn đặt tên các anh hùng nước Việt cho trung tâm thành phố".

Trở lại con đường sầm uất

Mùa xuân năm 2010, anh Trí vừa tròn 37 tuổi, chỉ hiểu Sài Gòn - TP.HCM qua lời cha kể rằng đến gần cuối tháng 4-1975, ông vẫn còn giao hàng ở đại lộ Lê Lợi và chưa kịp nhận tiền thì di tản trên một trong những chuyến bay cuối cùng từ phi trường Tân Sơn Nhất.

Ông Mỹ dặn dò con có dịp về quê hương, nhớ ghé thăm Lê Lợi, đại lộ một thời sầm uất mà ông từng gầy dựng cơ nghiệp thương gia.

Và suốt ngày hôm ấy, tôi đã dẫn anh Trí cùng người yêu sắp cưới của mình đi dạo phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ, rồi xuôi về đường Nguyễn Trãi ăn phở Lệ và dành thời gian cho đôi lứa mua sắm đồ cưới ở đầu con đường như phố thời trang này.

Cô Hà, vợ sắp cưới của anh Trí, cứ tấm tắc khen quần áo quê hương sao đẹp và rẻ thế. Còn anh Trí thì có vẻ xúc động thật sự khi được thả bước trên những con phố nơi cha mẹ mình từng làm nên duyên phận và in dấu cuộc đời...

Nhưng đó là câu chuyện đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Ngược dòng thời gian trở lại hơn 100 năm trước, đại lộ Bonard (năm 1955 được đổi tên Lê Lợi) của thành phố Sài Gòn cũng đã rất sầm uất và trở thành con đường lý tưởng cho nhiều thương gia, công chức quan trọng tìm chốn an cư, tạo dựng sự nghiệp.

Và tuy không được thế "đắc địa" thẳng từ sông Sài Gòn lên như đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ), nhưng đại lộ Bonard đã nhanh chóng có những tòa nhà in dấu nhiều nhân vật quan trọng của Sài Gòn buổi ban đầu đặt nền móng dựng xây Hòn ngọc Viễn Đông.

Khách sạn continental cổ kính - Ảnh: Tư liệu

Khách sạn continental cổ kính - Ảnh: Tư liệu

Niên giám Đông Dương năm 1908 từng dành nhiều giấy mực cho đại lộ Bonard. Nên nhớ giai đoạn này, đường Bonard, tức Lê Lợi, mới chỉ khởi đầu từ vị trí Nhà hát Lớn (Nhà hát TP.HCM nay) tới ngã tư giao với đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) mà chưa được nối dài tới Bến Thành như năm 1914 khi ngôi chợ lớn nhất nhì thành phố được xây dựng xong.

Lần giở lại những trang niên giám ố màu thời gian, có nhiều nhân vật đặc biệt ở Bonard, nhưng đầu tiên có lẽ phải nhắc đến gia đình giáo sư Marc-Ange Canavaggio ở tòa nhà số 41 đại lộ này. Vị giáo sư có bằng luật khá hiếm hoi của Sài Gòn lúc đó.

Trước khi chọn quê hương thứ hai, dòng dõi gia đình ông Canavaggio gốc đảo Corse của Pháp ở Địa Trung Hải. Không chỉ ông được nể trọng vì làm Sở Giáo dục Nam Kỳ, mà các anh em như ông Paul Canavaggio là hội viên của Hội đồng Quản hạt, ông François Canavaggio là phó chủ tịch Phòng Canh nông Nam Kỳ.

Anh em nhà ông thân với các nhà báo, nhà văn người Việt như Nguyễn Chánh Sắt, Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu. Nhóm Pháp - Việt này chính là những người đồng sáng lập hoặc bảo trợ và trực tiếp phát triển những tờ báo tiếng Việt nổi tiếng đầu thế kỷ như Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn...

Ngoài ra, do làm lãnh đạo ở Phòng Canh nông Nam Kỳ, ông François Canavaggio cũng góp phần phát triển nhiều giống cây công nghiệp mới vào Việt Nam, trong đó có cây cao su đã nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng.

Cũng liên quan đến cây cao su đang được đặc biệt chú ý ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, tòa nhà số 42bis đại lộ Bonard là văn phòng công ty đồn điền cao su Société Suzannah. Ngày 27-2-1907, công ty này được thành lập bởi nhóm ông Louis Cazeau và phát triển thành công các đồn điền cao su rộng hơn 3.400ha ở Dầu Giây, An Lộc.

Ông Cazeau cũng là giám đốc công ty xe lửa hơi nước SGTVC đông khách tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn và Sài Gòn - Mỹ Tho. Là hội viên Hội đồng Quản hạt, ông cũng chính là người tạo dựng Hotel Continental sang trọng đầu tiên của Việt Nam ở góc đại lộ Bonard và đường Catinat, tức Đồng Khởi ngày nay.

Khách sạn được khởi công năm 1878 và hoàn thành năm 1880 ngay vị trí vàng của thành phố để đón tiếp quan chức và thương nhân Pháp có nơi ăn chốn ở lịch lãm sau nhiều ngày lênh đênh vượt biển sang Việt Nam.

Người trẻ thời nay hiếm ai biết thập niên 1960-1970, chính quyền Sài Gòn từng yêu cầu các cơ sở doanh thương phải dùng bảng hiệu Việt. 

Do đó, Hotel Continental đã vắt qua ba thế kỷ còn từng có tên Đại Lục Lữ Quán và in dấu nhiều con người danh tiếng như nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (giải Nobel văn chương 1913), văn hào Pháp André Malraux, văn hào Anh Graham Greene viết truyện Người Mỹ trầm lặng.

Đặc biệt trong chiến cuộc 1954-1975, tòa nhà này cũng là nơi tụ họp hằng ngày của nhiều ký giả để săn tin thời cuộc nóng hổi lẫn giới chính khách, tình báo của nhiều phe, trong đó có cả nhà tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn.

Ngược dòng lịch sử, nếu dạo bước đại lộ Bonard, tức Lê Lợi hơn 100 năm trước, người ta còn được gặp nhiều nhân vật khá đặc biệt của thành phố buổi đầu phát triển. Kế công ty đồn điền cao su Société Suzannah là ngôi nhà của ông Louvet ở số 42.

Ông chính là người quay phim sớm mang phim ảnh sang chiếu cho kiều dân Pháp và người Sài Gòn xem trước khi có rạp Casino Saigon. Và phim đầu tiên chiếu ở thành phố này vào năm 1898 tại nhà hát cũ mà sau được xây dựng thành khách sạn Caravelle.

Bùng binh Bồn Kèn, giao lộ đại lộ Bonard (Lê Lợi) và Charner (Nguyễn Huệ) đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

Bùng binh Bồn Kèn, giao lộ đại lộ Bonard (Lê Lợi) và Charner (Nguyễn Huệ) đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

Pháp, Việt cạnh tranh

Tuy nhiên, điều rất ấn tượng là dấu ấn lịch sử đầu thế kỷ 20 trên đại lộ Bonard không chỉ có người Pháp mà còn cả nhiều tên tuổi Việt. 

Trong giới doanh gia có những thương hiệu lớn được quảng cáo trên báo chí như tiệm may của một người Hà Nội vào làm ăn ở Sài Gòn mang tên Công Tính Thành ở số 80 Bonard.

Ngày 28-9-1926, tờ Nhật Tân báo đã đăng quảng cáo Công Tính Thành là tiệm may lớn nhất Sài Gòn: "Tiệm may lớn nhứt Sài Gòn, có trên 30 người thợ, may khéo đã có danh, hầu khắp lục châu biết tiếng hàng, nỉ thượng-hạng đủ màu, có phòng riêng mặc thử, xin quý vị chiếu cố".

Liền kề bên Công Tính Thành, tiếp tục là một tiệm buôn lụa cũng rất nổi tiếng của ông Nguyễn Khắc Trương hợp tác với huyện sĩ Lê Phát Vĩnh là con trai ông Lê Phát Đạt, một nhà giàu nổi tiếng thời ấy với câu dân gian truyền miệng "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Đạt".

Nguồn vải lụa bán cũng chính do ông Nguyễn Khắc Trương và Lê Phát Vĩnh hợp tác sản xuất ở ngay khu Cầu Kho, Sài Gòn. Các địa chỉ kế bên tiệm lụa này cũng là do những người Việt làm chủ như tiệm giày An Thanh số 92, tiệm xe đạp số 94, 96 của các ông Nguyen Van Tran...

Tòa nhà GMC về sau trở thành thương xá TAX nổi tiếng ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ  - Ảnh: Life

Tòa nhà GMC về sau trở thành thương xá TAX nổi tiếng ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Ảnh: Life

Đặc biệt, đoạn cuối đại lộ Bonard ở số 120-124 gần chợ Bến Thành còn tiệm thuốc tây Grande Pharmacie de Saigon của dược sĩ Nguyễn Văn Cao được nhiều người ghé mua.

Như vậy, từ thuở đầu thế kỷ 20, đâu chỉ người Pháp gầy dựng cơ nghiệp, mà chính nhiều người Việt cũng góp phần tạo nên danh tiếng cho đại lộ Bonard, tức Lê Lợi sau này...

Ở địa chỉ 68 đường Bonard (Lê Lợi) còn có một thương nhân Việt rất nổi tiếng là ông François Sự, tức Nguyễn Văn Sự (1890-1950, quê Bến Tre) chuyên buôn bán hột xoàn, đá quý.

Hưởng ứng phong trào Minh Tân cổ võ thương nghiệp để phát triển nước nhà, thương nhân Sự đã mở mang thành công tiệm buôn bán đá quý mà ngay cả giới buôn bên Paris cũng hợp tác làm ăn.

Trong bản kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho mình ứng cử hội viên Phòng Thương mại Sài Gòn, ông Sự đã viết những lời tha thiết đến đồng bào: "Kính gửi Thương nhân đồng bào... Là một thương nhân, định cư ở thành phố Sài Gòn đã nhiều năm, tôi luôn tỏ ra trung thành và chân thành với khách hàng, đồng thời cạnh tranh gay gắt với thương nhân nước ngoài, để bảo vệ và làm cho thương mại An Nam chúng ta phát triển thịnh vượng...".

Người Pháp đến rồi cũng phải ra đi, từ giữa thế kỷ 20, tấm bảng đại lộ Bonard được hạ xuống để vinh danh Lê Lợi - anh hùng nước Việt.

Kỳ tới: Đại lộ của tuổi áo dài trắng mộng mơ

Lê Lợi, đại lộ tình yêu - Kỳ 1: Kinh xưa rày đã thành đườngLê Lợi, đại lộ tình yêu - Kỳ 1: Kinh xưa rày đã thành đường

Chiều cuối tuần, những đôi trai gái đưa nhau lên phố đi bộ Nguyễn Huệ rồi dạo bước qua đường Lê Lợi, trung tâm TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên