Ở mảnh đất đã làm nên chiến thắng lẫy lừng 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non", 70 năm sau, biển người hò reo, vẫy cờ hoa tưng bừng chào đón sự kiện trọng đại của đất nước.
Trên khắp mọi ngả đường, đồng bào dân tộc Thái và các dân tộc anh em, du khách trên khắp mọi miền đất nước cùng hòa chung niềm vui, rưng rưng xúc động chứng kiến một tinh thần đoàn kết, một tinh thần Việt Nam kiên cường.
Viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng
Tại lễ kỷ niệm trọng thể sáng 7-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gọi Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng dân, của lương tri và phẩm giá con người.
Đặc biệt, góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng là sự cống hiến, hy sinh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - một đội quân "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu" với trên 4 vạn cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau những lời biểu dương, ngợi ca về tinh thần thép, ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh hùng của quân và dân ta, Thủ tướng dành thời khắc lắng lại trước những băn khoăn, trăn trở, ngậm ngùi vì còn đó nhiều liệt sĩ chưa xác định được đủ thông tin, nhiều cựu chiến binh vẫn đau đáu nỗi niềm tìm kiếm đồng đội, nhiều gia đình vẫn ngày đêm trông ngóng thông tin về người thân đã hy sinh trên chiến trường.
"Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa quyện vào lòng đất Điện Biên - Tây Bắc, để góp phần cho ngày hôm nay đất nước ta được độc lập, tự do và nhân dân được sống trong ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng chia sẻ.
Thời gian tới, trước những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn khơi dậy, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng nêu, thời gian tới chúng ta nguyện tiến bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong đó thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ, hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, phát huy mạnh mẽ truyền thống "uống nước nhớ nguồn", tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và khát vọng cống hiến, vươn lên, nhất là đối với thế hệ trẻ.
"Tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, ưu tiên bố trí nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trong đó có tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc "phên giậu" thân yêu của Tổ quốc", Thủ tướng đề nghị.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên...
"Chúng ta tin tưởng và tự hào rằng, những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, những khó khăn được tháo gỡ, những thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng với tất cả sự quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ, nhiệt huyết, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tâm niệm của người chiến sĩ Điện Biên
Trong biển người có mặt vào dịp lễ 7-5, có một người cựu binh đội mưa, trên tay cầm lá cờ Tổ quốc đứng nghiêm trang chờ đợi đoàn diễu binh, diễu hành đi qua.
Ông là Bùi Ngọc Sang (cựu chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ), từ quê hương Thái Bình, ông đã vượt quãng đường xa hơn 500km để được sống lại trong không khí hào hùng của thời Điện Biên hoa lửa. "Là người lính với tinh thần kỷ luật, rèn luyện cao, dù nắng mưa cũng quyết tâm không bỏ chốt, gan không núng, chí không mòn", ông Sang bộc bạch.
Tương tự, 70 năm sau, đứng trên khán đài hồi tưởng lại những năm tháng gian lao trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phạm Đức Cư (94 tuổi, hiện đang sinh sống ở phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) xúc động nhớ về những đồng chí, đồng đội và nhân dân đã không tiếc máu xương, hy sinh thân mình để làm nên chiến thắng lẫy lừng.
Hào khí, âm vang của người chiến sĩ Điện Biên như dội về, ông Cư kể về nhiệm vụ đặc biệt dựng lưới lửa phòng không trên vùng trời Điện Biên, chiến đấu với không quân của Pháp để bảo vệ đội hình các đơn vị bộ binh của ta.
Với tinh thần "quyết chiến quyết thắng", lực lượng pháo phòng không qua 56 ngày đêm đã anh dũng chiến đấu, cùng các đơn vị bạn đánh thắng không lực của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch trên vùng trời Điện Biên, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nói với thế hệ trẻ hôm nay, người chiến sĩ Điện Biên mong muốn thế hệ trẻ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ. "Dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ông Cư nhắn nhủ.
Thay mặt thế hệ trẻ, Vũ Quỳnh Anh (29 tuổi, một người con Điện Biên) khẳng định trang sử hào hùng về Điện Biên Phủ năm xưa đã cho bạn niềm tin yêu, tự hào về mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, về trách nhiệm mà bạn luôn khắc ghi trên con đường học tập, lập thân, lập nghiệp. "Niềm tự hào này là hành trang quý giá, giúp tôi có thêm động lực khi trở thành một cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh", Quỳnh Anh nói.
Truyền thông quốc tế đưa tin về lễ kỷ niệm
Ngày 7-5, hai hãng thông tấn lớn là Reuters (Anh) và AFP (Pháp) đưa tin cựu chiến binh, binh sĩ và nhiều quan chức cấp cao Việt Nam đã tập trung tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Reuters nhận định trận Điện Biên Phủ lịch sử được coi là một trong những trận đánh vĩ đại của thế kỷ 20. Hãng tin này cũng dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng cho tất cả các quốc gia thuộc địa trên thế giới thời điểm đó, và Việt Nam sẽ nỗ lực cho một Chiến thắng Điện Biên Phủ mới trên mặt trận kinh tế.
Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu cũng tham dự buổi lễ ngày 7-5 tại Điện Biên Phủ. Và Hãng tin AFP đưa tin về hình ảnh hàng ngàn người dân Việt Nam mặc áo dài, cùng với trang phục của các dân tộc Thái và Mông, xuống đường tại thành phố Điện Biên Phủ để theo dõi lễ diễu binh.
Hãng tin AFP ghi nhận các di tích trận Điện Biên Phủ đang có một sự đổi mới lớn, khi Chính phủ Việt Nam muốn biến nơi này thành một điểm du lịch thu hút du khách.
Ngoài ra cơ quan báo chí các nước Lào, Campuchia, Tây Ban Nha, Mexico... cũng đưa tin ca ngợi về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo đó, các cơ quan thông tấn báo chí lớn của Lào như Pasaxon (báo Nhân Dân) - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào; PathetLao - Thông tấn xã Lào (KPL); Đài phát thanh quốc gia Lào... đều có bài viết ca ngợi về Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Thông tấn xã Campuchia (AKP) đăng bài về những hoạt động chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - sự kiện lịch sử của nhân dân Việt Nam.
Báo Unidad y Lucha (Thống Nhất Và Đấu Tranh) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản nhân dân Tây Ban Nha (PCPE) - đăng bài viết "70 năm sau trận Điện Biên Phủ", ca ngợi chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân Việt Nam.
Còn báo Voces Del Periodista của Mexico khẳng định: "Sau 70 năm, dư âm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng như một bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ 20".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận