12/08/2023 06:03 GMT+7

Làm cầu xanh cho 'nữ hoàng linh trưởng'

Những người yêu quý voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) vừa cùng nhau sửa chữa, làm mới những cây cầu dây như những nhịp xanh giúp loài voọc được mệnh danh "nữ hoàng linh trưởng" đi lại an toàn.

Những cây cầu dậy xanh được treo lên để phục vụ “nữ hoàng linh trưởng” - Ảnh: B.V.T.

Những cây cầu dậy xanh được treo lên để phục vụ “nữ hoàng linh trưởng” - Ảnh: B.V.T.

Đà Nẵng cũng đang xây dựng hình ảnh voọc chà vá chân nâu trở thành linh vật biểu tượng cho du lịch thành phố.

Làm cầu cho "nữ hoàng linh trưởng"

Vừa rồi, hàng chục người gồm các nhân viên của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng tình nguyện viên đã có mặt tại bán đảo Sơn Trà để sửa chữa, làm mới các cây cầu dây dành riêng cho "nữ hoàng linh trưởng".

Từ mấy ngày trước, các tình nguyện viên đã đi chợ mua sắm đồ đạc, dụng cụ. Ông Tám, nhân viên Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch, vốn là một ngư dân thành thạo nghề đan lưới, đã dành ra gần ba ngày để làm những cây cầu cho voọc.

Dưới cái nắng gay gắt, những người yêu quý voọc đã cùng nhau trèo lên cây, treo những cây cầu xanh nối từ tán cây rừng này sang tán cây rừng khác. Mồ hôi nhễ nhại, nhưng ai cũng vui vì những con đường dành riêng cho voọc đã hoàn tất.

Nhắc đến cây cầu xanh, tình nguyện viên Bùi Văn Tuấn nhớ lại hơn 10 năm trước Sơn Trà đón vợ chồng người Đức tới làm dự án nghiên cứu bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu. Khi các con đường mới mở ra ở Sơn Trà chia cắt vùng sống của voọc, họ đã đề xuất cùng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch làm cầu dây nối hai sườn núi rừng để voọc đi lại. Từ đó, những cây cầu đầu tiên dành riêng cho voọc hình thành.

Nhưng vì sao phải làm cầu dây cho voọc? Tuấn giải thích nếu không có cầu dây, voọc đi qua đường sẽ vô cùng nguy hiểm. Đã có những vụ tai nạn khiến chúng chết hoặc bị thương. "Bất kỳ ai nhìn thấy hình ảnh này cũng vô cùng xót xa. Khi voọc bị què quặt cũng rất tội, bởi ở Đà Nẵng cũng chưa có lực lượng cứu hộ loài này", Tuấn phân tích.

Nắm rõ tập tính của voọc, anh nói rằng treo cầu lên phải 4-5 tháng voọc mới đi, thậm chí có khi cả năm. Điều đó còn tùy thuộc vào khu vực rừng, đàn đi tìm thức ăn, tìm bạn tình...

"Đi dưới đường, voọc thường nghe ngóng xong rồi băng qua nhanh. Nhưng đi trên cầu dây, chúng khoan khoái, thậm chí ngồi vui đùa. Nhìn thấy vậy, không yêu sao được", Tuấn nói.

Hôm làm cầu, tình nguyên viên Lê Thị Trang cũng có mặt từ sớm. Trang thật lòng: "Muốn cái đẹp nhất, tốt nhất là cây cối lớn lên tạo thành những tán thật to để voọc bay nhảy qua được. Nhưng trong lúc cây chưa được như vậy thì cần có giải pháp và đó chính là làm cầu dây". Theo Trang, voọc đi dưới đất không quen, dễ gặp các rủi ro như tai nạn giao thông hoặc động vật lớn tấn công.

“Nữ hoàng linh trưởng” vui vẻ đi trên cây cầu dây xanh - Ảnh: B.V.T.

“Nữ hoàng linh trưởng” vui vẻ đi trên cây cầu dây xanh - Ảnh: B.V.T.

Nhiều khách nước ngoài, nhiều đoàn phim quốc tế đến Sơn Trà cũng làm người dân thành phố thêm tự hào. Đà Nẵng ngoài những cây cầu đẹp, còn có voọc chà vá chân nâu. Có du khách khi đến thành phố, gặp anh lái taxi hỏi đi đâu, bác tài vui vẻ nói: Hãy lên Sơn Trà ngắm voọc. Đó là điều rất tuyệt vời.

Lê Thị Trang

Tình yêu mãnh liệt

Chừng 7-8 năm trước, chúng tôi đã quen và ngồi nghe Tuấn, Trang... say sưa nói về voọc và Sơn Trà. Nay khi họ không còn làm việc tại Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), nhưng tình yêu Sơn Trà thì vẫn mãnh liệt.

Bên ly cà phê, Tuấn kể rằng đã gắn bó với "nữ hoàng linh trưởng" như cơ duyên. Năm 2007, chàng sinh viên năm hai ngành sinh - môi trường (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) Bùi Văn Tuấn đã may mắn được dự một khóa tập huấn bảo tồn voọc chà vá chân nâu.

Từ "duyên" đó, để rồi Tuấn dành phần lớn thời gian học là ở... rừng. "Ngày ấy, đường lên Sơn Trà còn trắc trở, cơm đùm cơm nắm mang theo và phải nhờ người bản địa dẫn đi. Lúc không có người dẫn, phải tự dò đường mà đi", Tuấn nhớ lại. Với Sơn Trà, dường như ngóc ngách nào Tuấn cũng nằm lòng.

Trong những chuyến đi nghiên cứu thực địa ấy, Tuấn cùng các bạn đã nhiều lần đánh động dư luận để bảo vệ khoảng không gian xanh dành cho các loài động vật đặc biệt là voọc.

Cuối năm 2015, Tuấn cùng các bạn phát hiện vụ xâm hại rừng và anh đã đưa sự việc lên Facebook. Sau khi hình ảnh, clip xuất hiện, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Sau những lần như vậy, Tuấn và các cộng sự lại có thêm những người bạn đồng hành đến với Sơn Trà bảo vệ voọc...

Mới đây, một đoàn làm phim tài liệu của Đức đã dành hơn nửa tháng để ghi hình về voọc và những nỗ lực bảo tồn "nữ hoàng linh trưởng" của Tuấn. "Tôi và những người yêu voọc chà vá chân nâu đều thấy tự hào vì hình ảnh này sẽ lan tỏa rộng hơn đến cộng đồng quốc tế", Tuấn tâm sự.

Còn Trang vui vẻ nói rằng voọc chà vá chân nâu là một câu chuyện thành công trong việc sử dụng hình ảnh của một loài biểu tượng để bảo vệ Sơn Trà. Loài này đủ đẹp, đủ khiến người ta yêu nó, nó có gia đình và con cái... khiến người ta yêu và muốn giữ lại Sơn Trà.

Sau ba ngày làm, cây cầu dây đã hoàn tất để dành cho voọc - Ảnh: H.B

Sau ba ngày làm, cây cầu dây đã hoàn tất để dành cho voọc - Ảnh: H.B

Biểu tượng du lịch thành phố

Đến Đà Nẵng du lịch đã thành thói quen của nhiều du khách yêu mến thành phố này. Gia đình anh Nguyễn Đức Tuấn (trú TP.HCM) cũng vậy. Năm nào gia đình anh cũng lên Sơn Trà tham quan chùa Linh Ứng rồi đi ngắm voọc. 

"Tôi không thích nơi ồn ào, nên mỗi lần ra đây đều lên Sơn Trà hít hà không khí trong lành và ngắm voọc. Có khi chỉ nhìn thấy chúng từ xa thôi nhưng cũng đủ thấy vui rồi", anh Tuấn tâm sự.

Ông Phan Minh Hải, phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết tới nay đã có chín cây cầu xanh dành cho voọc. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng Intercontinental cũng đã tự làm hai cầu khác.

Cũng là người gắn bó với voọc, ông Hải biết thói quen của "nữ hoàng linh trưởng". Theo ông, voọc ăn lá cây và tùy theo mỗi mùa, mỗi sinh cảnh, khu rừng với loài cây khác nhau để chúng chọn sinh sống. "Những cầu dây nối liền các tán rừng, giúp chúng đi lại thuận tiện, an toàn hơn", ông Hải nói.

Nhìn đàn voọc nhảy nhót trên những tán cây, ông Hải cũng như những người yêu Sơn Trà ấm lòng hơn. "Nhiều khách Tây đặt tour qua Việt Nam, đến Sơn Trà để tận mắt nhìn thấy voọc, được chụp hình chúng", ông Hải chia sẻ.

Ông Hải cũng tiết lộ thêm là ngành du lịch đã xây dựng đề án quản lý và khai thác bán đảo Sơn Trà, có tour ngắm voọc, kết hợp tour bảo vệ động thực vật. Đồng thời xây dựng hình ảnh voọc chà vá chân nâu trở thành linh vật biểu tượng cho du lịch thành phố.

"Voọc sẽ là đại diện cho linh vật rất đặc trưng của thành phố", ông Hải kỳ vọng.

Lối đi về thân quen của gia đình voọc

Ông Nguyễn Đức Vũ, phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, chia sẻ đầy xúc cảm: "Ban đầu, khi đi cùng với tiến sĩ người Đức khảo sát chọn vị trí để làm những cây cầu dây xanh đầu tiên tại bán đảo Sơn Trà, tôi cứ thầm nghĩ không biết làm như ri thì biết bao giờ mấy em voọc mới sử dụng đây? Rứa mà giờ đây đã là lối đi về thân quen của các gia đình voọc".

Phát hiện nhiều đàn voọc chà vá, thằn lằn không chân hiếm thấyPhát hiện nhiều đàn voọc chà vá, thằn lằn không chân hiếm thấy

Cùng với 8 đàn voọc chà vá chân xám ước tính 48 con, nhóm nghiên cứu còn phát hiện các đàn vượn Trung Bộ, thằn lằn không chân hiếm gặp ở rừng Phú Yên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên