26/03/2024 12:15 GMT+7

Kỳ lạ tiệm cắt tóc im lặng như tờ

Khách vào tiệm, nói kiểu tóc mình thích rồi chợt ngẩn người nhận ra vợ chồng chủ tiệm không thể nghe nói được. Cả hai chỉ vui vẻ giao tiếp bằng chữ viết trên điện thoại và giấy dán tường. Ấy vậy mà ai đã đến tiệm này rồi sẽ tiếp tục quay lại.

Hội bạn bè khiếm khuyết về âm thanh và lời nói nhưng luôn cố gắng vươn lên - Ảnh: TÂM LÊ

Hội bạn bè khiếm khuyết về âm thanh và lời nói nhưng luôn cố gắng vươn lên - Ảnh: TÂM LÊ

Một nghề thì khó sống, tranh thủ làm thêm được gì tôi cứ làm. Mấy anh em cũng vậy, cái khó của tụi mình là không nghe nói được nên không làm được cái này mình gắng làm cái khác.
Anh NGÔ ĐỨC TRUNG

Có việc cần gội đầu gấp, tôi ghé vào tiệm cắt tóc gội đầu Tuấn Hằng trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội). Chủ tiệm không nói một lời mà chỉ vui vẻ cúi chào rồi chỉ dẫn cho khách đọc lời giới thiệu trên giấy A4 dán tường.

Ánh mắt và cử chỉ hỏi kiểu cắt tóc

"Tôi là người điếc có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm. Xin hãy giúp tôi hiểu khi giao tiếp để đạt được ý muốn có mái tóc đẹp" - bài giới thiệu được mở đầu như vậy, tôi lấy tay ôm miệng mình để im lặng như một phản xạ tự nhiên.

Rồi tôi để ý có rất nhiều bảng chỉ dẫn, từ cơ bản đến chi tiết, được dán ở nơi khách dễ nhìn thấy. "Để đảm bảo cho việc cắt tóc được đẹp, nhanh, thuận tiện và dễ dàng, yêu cầu khách không nói chuyện riêng bằng điện thoại, không lắc đầu. Nếu có việc đột xuất thì báo dừng một chút để giải quyết việc riêng. Xin chân thành cảm ơn!".

Mỗi bước gội đầu, cắt tóc, làm móng, chủ tiệm lại nhắn tin vào điện thoại rồi đưa cho khách nhắn trả lời lại. Hai bên trao đổi sẽ hiểu ý muốn của nhau, khách được hài lòng thì thôi. Khi gội đầu, chị Hằng thi thoảng lại nhắn tin hỏi tôi: "Nước có bị nóng không?", "Chị gội dầu cặp hay dầu thường?", "Chị muốn gãi mạnh hay nhẹ?"...

Ngoài ra, chủ tiệm còn dùng ngôn ngữ cử chỉ. Nhẹ nhàng chạm vai để "gọi", miệng nở nụ cười tươi rói và ánh mắt như biết nói để tỏ ý vui lòng.

Tuấn và Hằng mới mở tiệm riêng từ tháng 10 năm ngoái. Tuấn cắt tóc nam, Hằng làm móng (nail) và gội đầu. Vợ chồng phải thuê mặt bằng tiệm với giá 6 triệu đồng một tháng và cạnh tranh với các cửa hiệu khác.

Nhưng trải nghiệm dịch vụ của vợ chồng Tuấn rất khác, trong không khí im lặng như tờ là sự lễ phép, ân cần và tỉ mỉ từng việc. Gội đầu kỹ, xoa bóp đầu và vai gáy cho khách cảm giác thoải mái. Khiếm khuyết có lẽ là thế mạnh cạnh tranh mà Tuấn và Hằng có khả năng tạo ra.

Hai vợ chồng phối hợp khá ăn ý, "thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn". Dù chỉ giao tiếp được với nhau bằng cử chỉ, hành động nhưng cả hai luôn nhẹ nhàng trìu mến. Tuấn giúp vợ gội đầu cho khách khi vợ bận làm móng, hay để cho vợ tranh thủ chợp mắt trưa vắng khách còn mình thức trông tiệm. Từng ánh mắt, cái chạm tay ra hiệu cho nhau cũng nhẹ nhàng, yêu thương.

Hằng dịch chữ giúp chồng vì Tuấn không thạo chữ viết, sau đó dùng ngôn ngữ ký hiệu để giải thích cho chồng. Đôi mắt tròn xoe của Hằng lấp lánh, đôi môi đỏ hồng thi thoảng lại nở nụ cười tươi xinh. Tạo hóa đã bù trừ cho đôi vợ chồng trẻ này sự dễ thương đó để họ dắt tay nhau trong hành trình dài của cuộc đời.

Vợ chồng Tuấn - Hằng vui vẻ hiểu ý nhau mà không cần một lời nói

Vợ chồng Tuấn - Hằng vui vẻ hiểu ý nhau mà không cần một lời nói

Bi kịch và hạnh phúc

Sau khi chat hỏi chuyện thêm, tôi được biết vợ chồng Tuấn và Hằng đều bị khiếm thính từ bé. Lớn lên họ tự học nghề, quen biết nhau rồi nên duyên vợ chồng và hạnh phúc với công việc cùng con gái 3 tuổi hoàn toàn bình thường.

Vũ Tuấn sinh năm 1992, quê Thường Tín, Hà Nội. Khi lên 4 tuổi, một cơn sốt co giật khiến Tuấn phải đi cấp cứu ở trạm xá, rồi mất thính giác vĩnh viễn.

Thu Hằng cũng không được may mắn khi lọt lòng mẹ cô đã mất cả hai chức năng quan trọng nghe và nói. Hằng sinh năm 1996, ở phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Là con thứ út trong gia đình ba anh chị em nhưng tất cả đều bình thường, chỉ có Hằng thiệt thòi.

"Ngày đó con sốt cao, tôi đưa ra trạm xá, cô y tá bảo tiêm loạt thuốc có khả năng khỏi nhưng ít rủi ro. Vì lo cho con nên tôi đồng ý ngay, về được vài tuần thì con có biểu hiện gọi không nghe thấy gì. Ngày đó ở quê nên hiểu biết ít, không biết đưa con lên bệnh viện lớn" - bà Bùi Thị Hân, 55 tuổi, phân trần. Bà Hân có hai con, dưới Tuấn còn có em gái khỏe mạnh bình thường.

Kể về con, bà Hân tự hào vì con hiền lành, tính ham học hỏi từ bé. Tuấn chỉ học xong lớp 4, giáo viên trong trường không dạy được ngôn ngữ ký hiệu nên phải nghỉ. Lớn hơn một chút, anh tự đi học thợ mộc rồi xin vào xưởng làm công ăn lương.

Bước ngoặt cuộc đời tiếp theo của Tuấn là khi bước vào tình yêu. Bà Hân kể tình yêu của con cũng lãng mạn. Anh làm quen với Hằng qua nhóm bạn bè trên mạng. Cô đang gội đầu làm móng, anh lập tức bỏ thợ mộc đi học cắt tóc để "đeo" nàng.

Ngày Tuấn tới ra mắt bố mẹ Hằng thì bị từ chối. Bên ngoại còn giám sát cả cuộc đi chơi của hai đứa, ông bố ngồi từ xa trông con gái vì sợ bị lừa gạt tình cảm.

Anh phải về quê, nhờ ông chú khéo ăn nói đại diện lên gặp nhà gái và mời họ về quê chơi. Hai bên gặp nhau tin tưởng, đám cưới mới được tổ chức trong niềm vui trọn vẹn vào năm 2018.

Sau thời gian học nghề, làm chung với người khác, vợ chồng Hằng quyết định mở cửa hiệu riêng để mong đổi đời. Giờ đây cả hai có một gia đình nhỏ để chăm lo, xây dựng cuộc sống mới như bao cặp đôi khác dù thử thách sẽ lớn hơn.

Tuấn thể hiện những cử chỉ yêu thương con mà không thốt ra lời

Tuấn thể hiện những cử chỉ yêu thương con mà không thốt ra lời

Những người bạn dệt ước mơ

Khi quay trở lại hiệu cắt tóc của đôi vợ chồng trẻ, tôi tình cờ gặp nhóm bạn của họ tới thăm. Có năm người bạn, gồm cả nam và nữ, đến từ nhiều tỉnh thành, hẹn gặp nhau ở Hà Nội. Tất cả đều khiếm thính, ngôn ngữ nói và viết đều khó khăn. Nhưng lý do họ hẹn nhau tới đây thật xúc động. Ai cũng mang theo tâm trạng hào hứng bàn luận về kinh doanh và về những ước mơ.

Vợ chồng anh Ngô Đức Trung đang có cửa hàng cà phê ở Bình Giang, Hải Dương. Trung quê Thanh Hóa, bố bị chất độc da cam nên anh bị mất thính giác và bàn tay trái bị dị dạng. Vợ anh cũng bị khiếm thính, hai vợ chồng đã thuê một quán cà phê lớn vừa bán hàng vừa làm nhà ở.

Anh quen vợ chồng Tuấn - Hằng ở lớp học kỹ năng giao tiếp cho người khiếm thính, hôm nay cùng các học viên của vợ đến thăm bạn. Vợ anh đang dạy pha cà phê muối cho hai học viên mới, một người ở Bắc Ninh, một bạn trẻ ở Tuyên Quang. Trong nhóm còn một bạn quê ở Phú Thọ, cũng đang bán cà phê muối ở vỉa hè Hà Nội.

Anh Trung giới thiệu mỗi người ở đây đang làm ít nhất một nghề để kiếm sống. Có người đang mở tiệm cắt tóc, nấu ăn, rồi đi học thêm cà phê muối. Bản thân Trung cũng đang làm nhiều nghề, ngoài bán cà phê, anh còn chạy xe ôm và ship hàng.

Những buổi gặp nhau vừa truyền cho nhau động lực vừa giúp nhau cách làm ăn. Phía ngoài tiệm cắt tóc, vợ chồng Tuấn - Hằng còn bán thêm dừa xiêm, có lúc "cháy hàng". Tiệm vẫn im lặng như tờ, nhưng đôi vợ chồng trẻ tràn ngập những cử chỉ yêu thương...

Nhóm bạn vừa rời đi cũng là lúc Tuấn đi đón con gái về. Ông bà nội ngoại đều nhận trông cháu, nhưng vợ chồng vẫn muốn đưa đón con đi học mỗi ngày để được gần con. Tuấn bày đồ chơi, thi thoảng lại cưng nựng, vuốt tóc, vuốt bàn chân nhỏ xíu của bé, cử chỉ yêu thương con thay cho lời nói...

Nhân viên công tác xã hội: Những người hùng thầm lặng!Nhân viên công tác xã hội: Những người hùng thầm lặng!

Ở các bệnh viện tuyến đầu của TP Đà Nẵng cũng như nhiều bệnh viện khác, có những người hùng thầm lặng giúp đỡ bệnh nhân khó khăn vượt qua nghịch cảnh. Họ là nhân viên công tác xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên