19/03/2024 10:14 GMT+7

Gieo âm nhạc vào tâm hồn trẻ khiếm thị

Một dự án âm nhạc đã được nhóm nghệ sĩ cùng bạn bè thực hiện, nối dài từ TP.HCM đi các tỉnh thành.

Anh Lương Hy (phải) và anh Bửu Thăng (thứ hai, từ trái sang) dạy các em khiếm thị làm quen với đàn

Anh Lương Hy (phải) và anh Bửu Thăng (thứ hai, từ trái sang) dạy các em khiếm thị làm quen với đàn

Họ miệt mài mang tặng những cây đàn ukulele, rồi cùng dạy đàn cho các em nhỏ yếu thế để truyền tình yêu âm nhạc, xua tan những mặc cảm tủi buồn của các em.

Dự án ý nghĩa ấy do anh Nguyễn Bửu Thăng, một người làm đàn guitar thủ công ở TP.HCM, cùng các cộng sự của mình thực hiện.

Tôi không có kỳ vọng gì lớn lao qua dự án này. Chỉ mong mang âm nhạc đến với các em. Khi các em được vui với cây đàn trên tay thì cuộc đời các em sẽ vui hơn.

Anh NGUYỄN BỬU THĂNG

Chạm vào đàn, chạm đến ước mơ

Một ngày đầu tuần, 15 em nhỏ khiếm thị ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng có mặt từ rất sớm ở hội trường. Các em háo hức khi biết sẽ nhận được cây đàn ukulele và sẽ được học một nhạc cụ hoàn toàn mới mẻ.

Trong không khí ấm cúng, anh Trung Chiêu, một thành viên trong nhóm tặng đàn đến trước các em, ấm áp nói: "Các em biết không, có một điều thú vị rất đẹp trên chiếc đàn mà các em sắp chạm tay đến là mỗi cây đàn được trang trí bằng các hình vẽ 3D khác nhau do các em nhỏ khiếm thính của một trung tâm ở TP.HCM vẽ bằng tay để tặng các em.

Đây là một phần đặc biệt của dự án, mang lại sự kết hợp tuyệt vời từ việc gắn kết những thiếu sót với nhau".

Nghe lời ấy, ai cũng xúc động trước món quà các bạn khiếm thính chỉ thấy mà không nghe lại vẽ tặng cho các bạn khiếm thị chỉ nghe mà không thấy. Năng lượng các bạn khiếm thính truyền qua hình ảnh để gửi đến các bạn khiếm thị cảm nhận bằng trái tim chứ không phải ánh nhìn.

Buổi trao tặng đàn hôm ấy diễn ra chỉ vỏn vẹn một giờ đồng hồ cùng những điệu đàn, tiếng hát tặng nhau. Song rất nhiều cảm xúc được truyền đi, khiến ai chứng kiến cũng xúc động.

Đón nhận những chiếc đàn ukulele mới từ tay của một tình nguyện viên dự án, các em rướn hàng lông mày thật cao, chiếc đầu nghiêng nghiêng và miệng cười háo hức, chạm từng ngón tay nhẹ nhàng từ dây đàn, đến thân đàn, rồi đưa những ngón tay bé nhỏ khẽ gảy thử lên các dây.

Ôm chiếc đàn mới được tặng trong tay, Thành Nhân, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, đang theo học ở trung tâm, cho biết em đã học âm nhạc từ năm lên lớp 8. Chủ yếu chơi đàn guitar.

Trước đây, Nhân đã từng tiếp xúc với chiếc đàn ukulele nhưng đây là lần đầu tiên được sở hữu một chiếc đàn cho riêng mình khiến em vô cùng thích thú.

Nhân chia sẻ: "Các bạn bình thường có nhiều trò để chơi, nhưng với chúng em bị tầm nhìn hạn chế nên khi áp lực bài vở hay có điều gì đó không vui, âm nhạc giúp giải tỏa áp lực, khiến chúng em cảm thấy vui hơn".

Nhân biết tương lai mình sẽ đầy khó khăn phía trước nhưng vẫn ước mơ sau này sẽ trở thành một nhạc công, để đi chơi nhạc, kiếm tiền tự lo cho bản thân. Và món quà này tiếp thêm động lực cho em theo đuổi ước mơ.

Cũng chung cảm xúc như Nhân, em Tú Anh, học sinh lớp 2, cho biết trước khi biết đến ukulele, mỗi ngày em dành khoảng hai tiếng đồng hồ để học kèn melodica. "Em thấy vui và thoải mái khi học đàn, cầm trên tay và được sờ từng dây đàn nhỏ nhắn vừa tay, em rất hào hứng".

Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, cho biết các em được nhận đàn là những bạn yêu thích âm nhạc, có năng khiếu âm nhạc. Hiện trung tâm đang dạy cho các em những nhạc cụ dân tộc, nhạc hiện đại, nhưng đây là lần đầu tiếp nhận nhạc cụ ukulele rất mới mẻ này.

Bà Quyên nói rằng ở trung tâm có gần 300 em với nhiều dạng tật khác nhau, riêng các em khiếm thị dù mắt không nhìn thấy, vẫn cảm nhận về âm thanh rất tốt và có năng khiếu âm nhạc.

Âm nhạc giúp mang lại niềm vui cho các em, giúp các em giải tỏa những nỗi buồn, vượt qua những khó khăn vươn lên trong cuộc sống để phát triển những kỹ năng còn lại.

"Khi các em vui vẻ, nhiều kỹ năng khác sẽ tốt hơn, tạo sự tự tin để các em hòa nhập tốt khi đi ra xã hội. Điều đặc biệt và đáng quý nhất là các thầy cô giáo đều đặn đến dạy nhạc cụ này cho các em, đó là món quà đáng quý hơn cả từ dự án mang lại", bà Quyên cho hay.

Các em nhỏ khiếm thị háo hức với chiếc đàn ukulele - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Các em nhỏ khiếm thị háo hức với chiếc đàn ukulele - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Lớp đàn đặc biệt

Thầy cô giáo dạy đàn cho các em mà bà Quyên nhắc đến chính là những nghệ sĩ địa phương nơi dự án đi qua.

Anh Trương Lương Hy (37 tuổi) hiện là giáo viên dạy nhạc tại Đà Nẵng là một trong số các giáo viên đặc biệt ấy. Cứ đều đặn tuần hai buổi, anh Hy cùng các giáo viên ở lớp đàn Mi Fa Do của anh lại lặn lội đến trung tâm. Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế, hiện anh đang mở một lớp nhạc tại Đà Nẵng.

Công việc bận rộn, nhưng anh vẫn luôn dành trọn thời gian và năng lượng mỗi cuối tuần cho các em.

Các em khiếm thị ngồi ngay ngắn, trên tay là chiếc đàn ukulele mới. Người thầy với gương mặt hiền từ, ân cần cầm tay từng em chạm vào dây đàn. Có lúc, anh cầm tay các em chạm vào tay mình để các em cảm nhận cách đánh của thầy.

Anh Hy nhớ lại những buổi học đầu anh cũng toát mồ hôi dù đã lường trước việc dạy đàn cho trẻ khiếm thị sẽ khó hơn rất nhiều. Nhưng khi bước vào thực hành, anh mới thực sự thấy nỗi vất vả.

"Các em không nhìn thấy nên tất cả những thao tác tôi đều không thị phạm để các em quan sát được mà thay vào đó phải cầm tay lần lượt từng em một, cầm tay và cho các em chạm vào từng dây đàn, chạm lên từng vị trí trên đàn và hướng tay các em theo từng chuyển động", anh tâm sự.

Là người trực tiếp dạy đàn ukulele khi dự án Âm nhạc cho trẻ thơ đến TP Đà Nẵng, anh kể trong một lần đi massage ở trung tâm của người khiếm thị, anh nhận ra thế giới của họ là âm thanh mà âm thanh đẹp nhất chính là âm nhạc. Sau đó, anh đã nghĩ sẽ dạy đàn miễn phí cho những người khiếm thị.

"Tôi hình dung mình cũng không thể nhìn thấy, chỉ có thể sờ và cảm nhận cây đàn. Tôi đặt mình như các bạn ấy để tìm ra phương pháp dạy hiệu quả nhất. Và cơ duyên khi biết đến dự án Âm nhạc cho trẻ thơ của anh Bửu Thăng, tôi biết mình sẽ cùng bắt đầu hành động từ đây", anh trải lòng.

Có tình yêu âm nhạc, đời các em sẽ vui hơn

Dự án Âm nhạc cho trẻ thơ trước khi đến TP Đà Nẵng, đã đến với các em nhỏ kém may mắn ở Long An, Bình Phước.

Và sau Đà Nẵng, là các em nhỏ ở rẻo cao tỉnh Kon Tum. Người khởi xướng dự án là anh Nguyễn Bửu Thăng, tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM và có niềm đam mê đặc biệt với việc làm ra những chiếc đàn guitar. Hiện anh cùng vợ đang có một xưởng làm đàn guitar thủ công tại TP.HCM.

Anh Thăng cho biết ý tưởng về một dự án Âm nhạc cho trẻ thơ được anh ấp ủ rất lâu. Cho đến năm 2022, tình cờ nhận được đơn đặt hàng đặc biệt từ một người bạn của mình.

Người bạn này đã đặt làm một chiếc đàn ukulele cho đứa con đang còn trong bụng, anh nghĩ đến hồi nhỏ anh cũng đã từng mong ước có một chiếc đàn. Và ngoài kia, bao nhiêu em nhỏ cũng ao ước có chiếc đàn như anh hồi ấy.

"Tôi bắt đầu kêu gọi bạn bè cùng thực hiện ý tưởng tặng đàn cho các em nhỏ kém may mắn. Đi kèm đó là tiêu chí tại mỗi điểm tặng đàn, sẽ có người trực tiếp dạy đàn cho các em", anh Thăng kể.

Sau đó, vợ chồng anh cùng hơn 50 bạn bè là những người không chuyên ngày đêm miệt mài trong xưởng để làm ra những chiếc đàn ukulele thủ công. Bạn bè anh người hỗ trợ nguyên vật liệu, người thì bỏ công sức để làm đàn với tất cả tấm lòng vì trẻ thơ.

Những cuộc đời trường thọ yên vui - Kỳ 2: 90 tuổi vẫn trẻ mãi với âm nhạc và tình yêuNhững cuộc đời trường thọ yên vui - Kỳ 2: 90 tuổi vẫn trẻ mãi với âm nhạc và tình yêu

Trong căn nhà ấm cúng ở quận Tân Bình (TP.HCM), nhạc sĩ Trương Quang Lục vừa nhẩm theo lời bài hát Đẹp nhất bông sen mà mình sáng tác cách đây ít lâu, vừa chỉnh nhạc trên phần mềm máy tính.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên