04/10/2013 04:05 GMT+7

Kỳ cuối: Dân châu Á ngày càng đông

LÊ TRẦN MINH NAM
LÊ TRẦN MINH NAM

TT - Giữa năm nay khi vừa đặt chân đến Auckland, các bạn sinh viên VN đưa chúng tôi ra phố Queen mua sim điện thoại. Cô bán hàng xổ một tràng tiếng Hoa vì tưởng gặp đồng hương. Sau đó cô ta cười bẽn lẽn vì hớ và lập tức chuyển sang nói tiếng Anh nhưng giọng líu lo theo ngữ điệu tiếng Hoa.

FTiBRBsI.jpgPhóng to
Một cửa hiệu bán hàng lưu niệm, sim điện thoại của người Hoa ở Auckland - Ảnh: L.T.M.N.

Không chỉ cửa hiệu này mà dọc phố Queen có những đoạn tràn ngập bảng hiệu chữ Hoa. Có bảng chữ Hoa nho nhỏ nhưng cũng có bảng chữ Hoa to hơn cả chữ Anh. Trong các cửa hiệu này, phần lớn người châu Á đứng bán và chào khách bằng câu cửa miệng “nỉ hảo” thay vì “hello”.

Tiếng Hoa khắp phố

Cộng đồng người Việt ở NZ hiện có khoảng 4.000-5.000 người (thống kê chưa đầy đủ). Đa số người Việt định cư lâu năm ở đây làm nghề buôn bán, chủ yếu là bán bánh mì. Cũng có người mở tiệm làm nail (làm móng tay, móng chân) hoặc bán các món ăn Việt như phở, bún, cơm ở các khu phố có đông người châu Á. Cũng có người Việt làm công chức và giáo viên nhưng không nhiều lắm.

Dân VN đi bộ rất hay bị chào nhầm “nỉ hảo”. Có hôm chúng tôi bị một cặp vợ chồng trẻ người Hoa từ Trung Quốc mới sang túm lại để hỏi đường. Mặc dù đã bảo chúng tôi cũng vừa đến đây, họ vẫn chìa mảnh giấy có ghi mấy chữ Hoa để cố nhờ chúng tôi xem có biết cái nhà hàng mang tên này ở đâu không.

Không may cho cặp vợ chồng này vì không gặp được đồng hương, nhưng chắc chắn đi vài chục mét nữa thôi, họ sẽ tìm cửa hiệu người Hoa để hỏi đường. Anh bạn ở New Zealand (NZ) lâu năm bảo chỉ cần biết tiếng Hoa là có thể ung dung sống ở Auckland nên nhiều người Hoa không biết tiếng Anh vẫn tự tin đi lại, làm ăn ở đây.

Bước xuống sân bay Auckland, bạn được chào đón ngay bằng hai thứ tiếng Anh và Hoa. Rất nhiều bảng chỉ dẫn ở sân bay đều ghi tiếng Anh ở trên, tiếng Hoa ở dưới trong khi tiếng Maori (của thổ dân ở đây), thứ tiếng phổ biến thứ hai ở NZ, lại ít thấy hơn. Trên đường phố, hàng quán người Hoa khắp nơi càng làm cho họ có cảm giác không lạ lẫm lắm. Đặc biệt, khi cần đổi nhân dân tệ sang đôla NZ, họ dễ dàng tìm thấy các quầy đổi tiền có tiếng Hoa.

Hàng quán của người Hoa có thể trả giá vô tư, ngay cả khi bạn mua thuốc tây hay thực phẩm chức năng. Ông Bùi Văn Mạnh, thầy giáo của Trường AUT, đã sống ở NZ hơn 30 năm, kể: “Hồi tôi mới sang đây học, dân cư thưa thớt lắm. 9 giờ sáng họ mới mở cửa bán hàng và 5 giờ chiều đóng cửa nghỉ sớm. Hàng treo giá nào thì bán đúng giá nấy. Bây giờ dân châu Á nhập cư ngày càng nhiều nên phong cách mua bán cũng thay đổi, giá cả linh hoạt hơn. Hàng quán mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn hơn. Thậm chí ngân hàng đã phải làm việc cả ngày thứ bảy như ở các nước châu Á (trước đây ngân hàng và nhiều cửa hàng đóng cửa nghỉ hoàn toàn trong hai ngày cuối tuần)”.

utmp5cye.jpg
Một quầy đổi tiền của người Hoa - Ảnh: L.T.M.N.

Mở nhà hàng chấp nhận lỗ

Không chỉ sinh viên Trung Quốc chọn NZ là nơi “đất lành chim đậu” mà nhiều người già Trung Quốc cũng muốn sang đây sống phần đời còn lại. Khá nhiều chung cư do người Hoa quản lý nằm ở trung tâm thành phố quảng cáo cho thuê căn hộ trên các tờ báo tiếng Hoa để chào mời đồng hương.

Sinh viên Trung Quốc thích ở “si tì” (nội ô) nên chấp nhận ở chung cư, chứ người già Trung Quốc thích sống ở ngoại ô hơn. Họ chọn những khu vực đẹp, yên tĩnh như khu Mission Bay để đầu tư nhà hàng, quán ăn. Chỉ cần mua nhà, mở quán một thời gian sẽ được định cư ở NZ.

Quán xá mở ra ngày càng nhiều, vậy liệu họ làm ăn có lãi không? Tôi đặt câu hỏi với một chủ quán người Campuchia gốc Hoa. Ông ấy cười và câu trả lời làm tôi hơi bất ngờ: “Họ đâu cần có lãi”. Thấy tôi ngơ ngác ông giải thích: họ mở nhà hàng và ráng tồn tại trong 3-5 năm tùy chính sách từng lúc để đủ điều kiện nhập cư. Khi đã thành công dân NZ, họ sẽ được hưởng các chế độ phúc lợi dành cho người già như người già NZ.

Tất nhiên, người Hoa muốn định cư ở NZ đều là dân nhà giàu đủ sức mua nhà, đủ sức mở nhà hàng và chấp nhận lỗ. Khi lỗ đương nhiên họ không phải đóng thuế, thậm chí còn được nhà nước bù lỗ. Vì lẽ họ tồn tại nghĩa là họ còn tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương. Nếu để họ phá sản nhà nước cũng phải trợ cấp cho người thất nghiệp, coi như đằng nào cũng phải chi.

Lợi dụng chính sách này, có nhà hàng Trung Quốc làm ăn có lãi nhưng vẫn khai lỗ. Không may cho nhà hàng này vì bị chính quyền phát hiện: lỗ sao lại có tiền mua thêm một căn nhà nữa? Họ điều tra ra sự thật, thế là ngoài truy thu thuế còn phạt rất nặng khiến ông chủ nhà hàng phải bán nhà và bán luôn nhà hàng để trả nợ thuế và đóng phạt. Câu chuyện này đang là bài học được nhiều người Trung Quốc truyền miệng nhau ở Auckland mặc dù chỉ là trường hợp cá biệt.

Những trường hợp khác gần như đều thuận buồm xuôi gió. Gần đây, khi giáo dục NZ ăn nên làm ra thì giới nhà giàu Trung Quốc bắt đầu đặt vấn đề mua cổ phần của các trường có tiếng của NZ. Đầu tư vào trường học vừa được tiếng vừa chắc ăn hơn đầu tư nhà hàng hay địa ốc. Một ông nghị ở Auckland vừa cảnh báo trước Quốc hội NZ rằng: “Đừng biến đất nước NZ thành trại dưỡng lão của người già Trung Quốc”. Và NZ đang tìm cách siết lại chính sách nhập cư.

Làm y tá và làm nông

Một cô sinh viên Hàn Quốc được thầy giáo dạy tiếng Anh đặt cho cái tên “Forever” (mãi mãi) vì cô sẽ định cư lâu dài ở NZ. Cô vừa kết hôn với một anh người NZ gốc Hàn đang làm ăn phát đạt ở Auckland. Thầy giáo hỏi: cô sẽ làm nghề gì? Cô sinh viên Hàn cười: dễ nhất là nghề nội trợ. Thầy tư vấn: NZ đang rất cần y tá vì dân bản xứ thích làm bác sĩ, không ai muốn làm điều dưỡng hay y tá nên hiện nay các bệnh viện NZ đang săn tìm y tá bất kể quốc tịch gì. Một số cô gái Philippines đón nhận ngay cơ hội này nhưng học nghề y tá ở NZ phải mất tới hai năm, lâu hơn ở nhiều nước Đông Nam Á.

Người Philippines sang NZ hiện nay chủ yếu để làm “farm” (nông trại). Họ có lợi thế hơn dân các nước châu Á khác vì nói tiếng Anh thông thạo nên dễ hòa nhập. Nghề làm farm khá vất vả nhưng kiếm được khá nhiều tiền. Chỉ cần vừa học nghề farm vừa làm farm vài năm, họ có thể tích lũy được một số vốn đủ để quay về nước làm ăn. Chính sách này có lợi cho cả Philippines và NZ nên số người Philippines sang NZ làm farm ngày càng nhiều. Tuy nhiên, họ chỉ được ở có thời hạn, không được nhập cư vào NZ trừ phi có thật nhiều tiền đủ để trở thành chủ farm.

Dù muốn hạn chế dân nhập cư nhưng vì thiếu hụt lao động nên NZ vẫn phải mở cửa cho người từ các nước khác vào, chủ yếu từ các nước châu Á. Xã hội NZ đang có xu hướng Á Đông hóa khi mà người da vàng ngày càng nhiều, thức ăn châu Á ngày càng phổ biến, rồi lễ hội, phong tục, tập quán châu Á cũng đang trở thành một nét văn hóa ở đây.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Những lớp tiếng Anh “thập cẩm” Kỳ 2: Học và trải nghiệm Kỳ 3: Đi dọc phố Queen Kỳ 4: Tìm quán ăn Việt

LÊ TRẦN MINH NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên