03/05/2014 11:20 GMT+7

Kỳ 2: "Hiệp sĩ suối Nậm Pồ"

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Buổi sáng vào Sam Lang, khi dừng chân ở suối Nậm Pồ, chúng tôi hỏi những người dân bản về người đàn ông đã bơi dìu cô Minh và cô Huệ trong clip qua suối. Những người dân bảo: “Dia đi lên nương rồi”.

MgI6ppnT.jpg
Gia đình Giàng A Chơ bên công trường xây dựng cây cầu mới - Ảnh: Ngọc Quang

“Cậu Út” dũng cảm...

Người đàn ông Mông lên nương thì có thể đến tối chưa chắc đã về. Rừng núi cũng là ngôi nhà thứ hai của họ. Cô giáo Minh bảo sau khi báo Tuổi Trẻ viết bài, đăng clip có mấy anh em nhà báo cũng lên đây, cũng đi tìm Dia nhưng không dễ gặp, sau đó phải về!

Vậy mà không hiểu bằng cách nào, các anh biên phòng địa bàn đã liên lạc được (vùng này không có sóng điện thoại) để Dia về gặp chúng tôi. Hóa ra nhìn trong clip, thấy người đàn ông đưa cô giáo qua suối có vẻ già dặn, nhưng khi chúng tôi gặp Dia thì chàng trai dân tộc Mông ở bản Sam Lang 3 này lại chỉ mới 23 tuổi. Dáng người đậm chắc, vạm vỡ với gương mặt điển trai và nụ cười rất hiền.

Dia, trong tiếng Mông có nghĩa là con út, như ta vẫn gọi “cu út, chú út”.Trong gia đình Chơ là con út nên quen gọi tên “Dia” chứ trong khai sinh là Giàng A Chơ. Chơ đã có vợ và con trai gần tròn tuổi. Từ nhiều năm qua, Chơ là “cây cầu sống” cho rất nhiều thầy cô, học sinh và dân bản vào những ngày suối Nậm Pồ dâng lũ. Rất thú vị là chuyến trở lại Sam Lang lần này chúng tôi đã gặp đủ cả Chơ - “hiệp sĩ suối Nậm Pồ”, cả Huệ - cô giáo “nhân vật” chui vào túi nilông và cô Minh - người đã quay những cảnh ấy trong clip.

Hỏi Giàng A Chơ về chuyện đã bơi qua suối lại kéo cả cô giáo, Chơ cười ngượng nghịu: “Có gì đâu, cứ hôm nào lũ là em vẫn đi kéo như vậy mà”. Cô Minh kể hôm đó khi cùng với cô giáo Huệ vào bản Sam Lang để điều tra phổ cập giáo dục, đêm trước trời mưa rất to, biết là đường vào Sam Lang không thể đi xe máy nên hai chị em cùng đi bộ. Trước khi đi, theo kinh nghiệm của các thầy cô hay vào Sam Lang dặn là ra chợ Nà Hỳ mua túi nilông, vào đến suối hẵng nhờ người qua dìu sang. Hôm đó đi từ trung tâm xã lúc 7g sáng, và tới suối Nậm Pồ đã gần 11g trưa, đứng bên này suối nhìn dòng nước cuồn cuộn chẳng biết làm sao, chợt thấy mấy đứa trẻ chơi ở bờ bên kia chạy vụt đi. Chưa hiểu ra chuyện gì thì lát sau thấy một anh trai bản theo bọn trẻ chạy xuống. Rất nhanh chóng, anh bơi sang phía bờ suối các cô đang đứng rồi hỏi: “Cô giáo có túi bóng chứ?”. “Có anh ạ”.“Thế chui vào đi”.

E13iPX0e.jpgPhóng to
“Hiệp sĩ suối Nậm Pồ” Giàng A Chơ - Ảnh: Ngọc Quang

- Vậy Giàng A Chơ đi nương thì ai ở nhà đưa mọi người qua suối?

- Thường khi suối dâng lũ là trời mưa, trời mưa thì không lên nương, thế nên Chơ mới bơi qua suối kéo mọi người được chứ!

- Vậy bơi đưa mọi người qua suối như vậy, Chơ có thu tiền mọi người không?

- Ô, sao lại lấy tiền, mình có làm gì đâu mà lấy tiền, chỉ đưa người qua suối thôi mà.

- Thế khi khiêng xe máy qua suối thì sao?

- Khiêng xe máy cũng chỉ là giúp nhau thôi mà, không có lấy tiền.

- Thế không mệt à? Vợ phàn nàn gì không?

- Cũng có khi mệt chứ, hôm nào nhiều học sinh, bơi nhiều chuyến cũng mệt, nhưng cũng quen rồi. Vợ mình thấy giúp được người là vui thôi mà...

Lần đầu nhìn dòng nước cuồn cuộn rồi lại trông cái túi mỏng manh, cả Minh lẫn Huệ đều ngại. Chơ giục: “Cứ chui vào đi mà”. Trở về thì không được vì công việc điều tra phổ cập rất gấp. “Vậy là xuống đến bờ suối em liều chui vào trước. Em khá cao, túi lại vừa khít nên chỉ có thể túm lấy một chỏm nhỏ trên miệng túi. Khi Chơ kéo em qua, em cứ nhắm mắt lại, hãi quá mà” - cô Minh kể. Dù đã chứng kiến Minh qua bờ bên kia an toàn nhưng cô Huệ phải một lúc sau mới dám chui sau khi được bạn động viên: “Chui vào đi, tớ to thế này còn chui được cơ mà”. Cô Huệ dường như vẫn còn hãi khi nhớ lại chuyến qua suối ấy: “Hôm đó thấy Minh qua được rồi mà em vẫn ngại, nhưng không qua không được, vậy là đành liều, qua bờ bên kia, mở được miệng túi ra em suýt ngất...”.

Mấy hôm sau, khi từ bản Sam Lang quay ra Nà Hỳ, nước suối vẫn còn dâng cao, Chơ lại được cậy nhờ. Hóa ra do nhà ở gần suối nên Chơ trở thành “người kéo túi bất đắc dĩ”. Cứ thấy người đang chần chừ ở bờ suối, thể nào cũng có mấy đứa trẻ vừa chạy vào bản réo bằng tiếng Mông: “Anh Dia (Chơ) ơi xuống đưa người qua suối kìa!”.

“Cây cầu sống” của bản Sam Lang

Nhà Chơ trước kia ở tận bên Tam Đường (Lai Châu), chuyển sang đây từ năm 2007. Hỏi Chơ hồi ở bên Lai Châu có thấy dân dùng túi nilông qua suối không, Chơ nói: “Không có, bên đó không ai đi qua suối như thế này”. “Vậy Chơ học từ đâu chuyện đưa người qua suối theo cách này?”. “Thì hồi qua Sam Lang sống thỉnh thoảng lại thấy người ta qua như vậy mà”. “Thế nhỡ tuột tay thì sao?”. “Ô, sao mà tuột được, nếu nước suối xiết quá thì phải có thêm một người bơi cùng để phụ”. “Ai thường phụ giúp như thế này với Chơ?”. “Anh Giàng A Sình, ở cùng bản với em đấy”. “Hôm nay anh ấy có ở bản không?”. “Anh Sình đưa con ra thành phố khám bệnh rồi”. “Vậy mỗi ngày lũ như vậy Chơ kéo bao nhiêu người qua suối?”. “Nhiều lắm, mấy em học sinh đi học ngoài Nà Hỳ vào thì Chơ lại chạy ra suối đưa chúng nó qua bờ thôi”. “Bao nhiêu em đi học ở ngoài Nà Hỳ?”. “Đông lắm, có khi hơn hai chục em”. “Một mình Chơ kéo hết được à?”. “Mấy em nhỏ mà, kéo nhẹ lắm, chỉ người nặng như cô Minh mới mệt, chứ nhẹ như cô Huệ cũng không thấy mệt!”. Vậy là tự nhiên Giàng A Chơ trở thành cái phao, thành cây cầu, thành chiếc thuyền “sống” cho rất nhiều người dân qua lại suối Nậm Pồ, nhưng nhiều nhất vẫn là các em học sinh đi học vào những ngày suối lũ...

Bao nhiêu mùa lũ qua, không nhớ Chơ đã bao nhiêu lần làm việc đưa người qua suối thay cho cây cầu như thế. Chơ làm một cách tự nguyện vui vẻ như là chuyện đương nhiên phải làm. Chúng tôi cứ ngắm mãi nụ cười của Giàng A Chơ, cởi mở và trong sáng đến lạ. Lúc cùng Chơ ghé về nhà, hỏi Chơ sắp có cây cầu treo, bây giờ không phải bơi qua suối nữa, Chơ có vui không? “Vui lắm, kéo mọi người qua suối biết là cẩn thận nhưng cũng lo chứ, nước lũ nguy hiểm mà, nhất là các em nhỏ học ngoài Nà Hỳ”. “Thế mấy cái túi nilông to để đựng người nay dùng làm gì?”. “Đựng áo quần, chăn, hay đem trùm mấy buồng chuối gần chín ở ngoài nương không bị dơi ăn”.

Cùng chúng tôi ra bờ suối Nậm Pồ, nơi các công nhân đang thi công những công đoạn cuối để nối nhịp cây cầu treo, mẹ của Chơ, bà Giàng Thị Sua, bế đứa cháu nội - là con của Chơ - gần tròn 1 tuổi ra chơi và ngắm cây cầu đang dần hiện ra. “Cảm ơn Nhà nước cho dân Sam Lang cây cầu. Mẹ vui lắm, vậy là từ nay thằng Dia con mẹ không phải lội suối kéo người nữa. Mỗi khi nước lũ có khi đêm khuya, mưa gió lắm nhưng có người cần qua suối thấy con của mẹ cũng xuống dìu là mẹ lo lắm. Nay có cây cầu treo này thì hết lo rồi” - bà Giàng Thị Sua nói.

Còn cô giáo Minh, khi nhận phần thưởng của báo Tuổi Trẻ, Minh nói giọng áy náy: “Em nghĩ anh Chơ mới là người xứng đáng được khen tặng chứ, bao nhiêu năm anh ấy giúp người như thế, giúp vô tư hồn nhiên như thế. Nói dại giúp người thì không tính toán gì chứ nhỡ ra có chuyện gì thì khéo Chơ lại chịu tội!”.

Ừ nhỉ, thì Chơ đâu có nghĩ đến những điều như thế. Nhưng trong huyết quản chàng trai Mông này đã có dòng máu hào hiệp, hào hiệp như những ngọn gió miền non cao, nơi cuối trời Tây Bắc...

______________

Kỳ tới: Những người thầy “cắm bản”

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên