11/08/2011 07:53 GMT+7

Khổ với giá vàng

A.H. - P.Phương
A.H. - P.Phương

TT - Thị trường vàng đã được hạ sốt sau khi Ngân hàng Nhà nước mở van nhập khẩu. Tuy nhiên, hệ quả để lại từ cơn sốt vàng vẫn chưa thể giải quyết hết, nhiều người dân vay vàng đã thật sự kiệt sức do ảnh hưởng bởi giá vàng tăng chóng mặt trong những ngày qua.

w035tcSo.jpgPhóng to
Mặc dù giá vàng ngày 10-8 đã giảm nhiệt nhưng tại nhiều cửa hàng vàng ở Hà Nội lượng khách đến giao dịch vẫn đông đúc (ảnh chụp tại tiệm vàng Bảo Tín Minh Châu, Hà Nội) - Ảnh: PHẠM PHƯƠNG

Theo các chuyên gia, cơn sốt vàng vừa qua là mầm mống tạo ra cơn sốt giá USD làm tác động đến mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế.

Tài sản teo lại

1,1 triệu lượng

Đó là dư nợ cho vay bằng vàng trên địa bàn TP.HCM tính đến ngày 30-6, tương đương giá trị 42.152 tỉ đồng, dư nợ cho vay bằng vàng chiếm 5,6% tổng dư nợ.

Nhiều ngân hàng (NH) cho biết dù đã ngừng cho vay vàng nhưng dư nợ cũ còn lại khá nhiều. Do vậy trong cơn sốt vàng kéo dài mấy ngày qua, NH không chỉ quay cuồng với giá vàng mà còn bận rộn xử lý các khoản vay vàng của khách hàng. Những khoản vay này dù chưa đến hạn trả nợ nhưng giá vàng tăng quá nhanh làm tài sản đảm bảo “teo” lại, buộc lòng NH phải có biện pháp xử lý.

Tổng giám đốc một NH cổ phần có thế mạnh về kinh doanh vàng tại quận 1, TP.HCM cho biết người còn nợ vàng hầu hết là dân kinh doanh vàng, chủ các tiệm vàng. Do giá vàng biến động quá mạnh nên NH chỉ chấp nhận cho vay khoảng 50% tài sản thế chấp. Nếu giá vàng tăng đến khoảng 80% tài sản thế chấp, NH yêu cầu khách hàng phải bổ sung tài sản hoặc trả bớt nợ. Trường hợp khách hàng không còn khả năng bổ sung tài sản thế chấp buộc lòng NH phải xử lý khi giá vàng đạt khoảng 95% giá trị tài sản đảm bảo.

Những ngày qua giá vàng tăng điên cuồng, đỉnh điểm từ ngày 6 đến ngày 9-8 giá vàng đã tăng hơn 5 triệu đồng/lượng, người vay phải liên tục bổ sung tiền ký quỹ. Cao điểm trong buổi sáng 9-8, chỉ trong vòng hơn hai giờ giá vàng tăng hơn 2 triệu đồng/lượng, từ 44,1 triệu đồng lên 46,2 triệu đồng/lượng.

Giám đốc khối ngân quỹ một NH cho biết sau nhiều ngày miệt mài bổ sung tài sản, đến sáng 9-8 giá vàng vẫn tăng khiến người vay vàng kiệt sức, trong khi NH liên tục đưa ra “tối hậu thư”. Có trường hợp người vay vàng đã chủ động đề nghị NH xử lý tài sản thế chấp vì tốc độ bổ sung tiền ký quỹ chỉ tính theo phút. Những trường hợp này buộc phải mua vàng bằng mọi giá để cắt lỗ. Khi giá vàng lên 45 triệu đồng/lượng, người vay vàng mua 45,5 triệu đồng, thị trường lên 45,5 triệu đồng thì họ đẩy lên 46 triệu đồng/lượng. Cao điểm của hoạt động chuyển nợ này là vào sáng 9-8.

Các NH cho biết sở dĩ người vay vàng cố gắng níu kéo bằng cách bổ sung tài sản đảm bảo bằng nhiều hình thức khác nhau như nhà, đất, vàng... vì nếu chuyển sang VND họ sẽ phải chịu dư nợ mới cao hơn rất nhiều so với dư nợ cũ cộng với lãi suất cho vay VND rất cao hiện nay. Chẳng hạn thời điểm vay giá vàng là 30 triệu đồng/lượng, nếu vay 100 lượng vàng chỉ tương đương 3 tỉ đồng. Tuy nhiên tại thời điểm chuyển đổi hợp đồng vay, giá vàng là 46,2 triệu đồng/lượng thì số nợ mới sẽ là 4,62 tỉ đồng thay cho 100 lượng vàng. Thêm vào đó lãi suất cho vay vàng chỉ 6-7%/năm, trong khi lãi suất vay VND là 22%/năm.

Trưởng phòng kinh doanh một NH cho biết với mức tăng đến hơn 2 triệu đồng/lượng, những người vay số lượng lớn gần như kiệt sức vì trước đó họ đã phải liên tục bổ sung tài sản đảm bảo.

Chạy đua vì vàng

Mặc dù không đầu tư trực tiếp vào vàng nhưng cơn lốc tăng giá vàng những ngày gần đây đã khiến không ít người bị liên lụy. Đặc biệt với trường hợp mua nhà đất quy đổi giá trị bằng vàng đang đứng ngồi không yên với độ tăng quá nóng của giá vàng. Anh Nguyễn Văn Tuyền, ngụ đường Láng Hạ, Q.Đống Đa (Hà Nội), cho biết đang đau đầu vì giá vàng tăng quá nhanh khiến giá trị căn hộ chung cư vừa mua lên thêm cả trăm triệu đồng. Trước đó anh Tuyền mua căn hộ, nhưng chủ cũ nhất quyết đòi quy giá trị căn hộ ra vàng, mặc dù khi thanh toán được quy đổi sang VND theo giá vàng tại thời điểm thanh toán. Nhà được giao vào đầu tháng 7 vừa qua. Nhưng vì chủ cũ là người quen biết nên anh Tuyền được thiếu lại 23 lượng vàng. Khoản này sẽ được thanh toán trong vòng một tháng sau. Tuy nhiên, đang trong quá trình xoay tiền trả nợ thì giá vàng tăng chóng mặt. Từ mức 38 triệu đồng/lượng ở thời điểm mua nhà, giá vàng đã vọt lên mức 45-46 triệu đồng/lượng. Theo tính toán của anh Tuyền, giá vàng tăng khiến số tiền anh Tuyền phải trả thêm lên đến hơn 180 triệu đồng.

Tương tự, những người vay vàng đang phải chạy đua với giá vàng để tìm nguồn trả nợ do lo ngại giá vàng còn tiếp tục tăng. Chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ Q.2, TP.HCM, cho biết để thu xếp công việc gia đình, tháng 2 năm nay chị đã vay một lượng vàng của người bà con. Vay bằng vàng nên khi trả nợ cũng phải là vàng. Chênh lệch giá hiện nay với giá khi vay đã lên đến 10 triệu đồng. “Vợ chồng tôi đang phải chạy vay khắp nơi để mua lại một lượng vàng trả nợ. Hi vọng vài ngày tới giá vàng giảm để bớt được chút nào hay chút đó” - chị Hằng nói.

Vàng tăng không chỉ ảnh hưởng đến người vay vàng mà còn ảnh hưởng đến những giao dịch nhà ở khu vực nội thành TP.HCM. Gần đây, các mục rao bán nhà ở khu vực nội thành phần lớn đều chuyển sang định giá bằng tiền nhưng vẫn khó giao dịch. Lý do người rao bán đã quy đổi trên mức giá vàng mới, tăng gần 20% so với trước. Cũng có trường hợp giao dịch thành công nhưng chủ yếu là những căn nhà có giá trị thấp và những trường hợp này mua để ở.

Giá vàng giảm 1,2 triệu đồng/lượng

Ngày 10-8, giá vàng trong nước liên tục đi xuống. Mở cửa ở 45,2 triệu đồng/lượng, sau đó liên tục giảm mạnh, đến cuối ngày chỉ còn 44,4 triệu đồng/lượng. So với cuối ngày 9-8, giá vàng trong nước đã giảm 1,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước giảm mạnh do giá USD tự do xuống dưới 21.000 đồng/USD. Cuối ngày giá USD bán ra còn 20.920 đồng/USD, trong khi giá mua vào là 20.800 đồng/USD, giảm 130 đồng/USD so với buổi sáng. Dự kiến hôm nay 11-8, 5 tấn vàng nhập khẩu sẽ về đến VN, bổ sung cho thị trường, giúp tăng nguồn cung cho thị trường. Các công ty vàng cho biết dù giá vàng giảm nhưng người mua ít hẳn do tâm lý sợ thiếu vàng đã được giải tỏa. Tại các cửa hàng vàng tư nhân cũng thưa vắng khách. Biên độ giữa giá mua - bán vàng được niêm yết khá rộng. Tại Công ty SJC chênh lệch là 500.000 đồng, còn tại các tiệm vàng có nơi chênh lệch đến 700.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, mặc dù số lượng người dân đến giao dịch không đông như ngày 9-8 nhưng tại các cửa hàng vàng tình cảnh chen lấn, xếp hàng thăm dò, giao dịch vàng vẫn tái diễn. Ông Trần Nhật Nam - phụ trách kinh doanh Bảo Tín Minh Châu - cho biết: dù cửa hàng đã tính trước khi Nhà nước cho nhập khẩu vàng tình hình người dân sẽ có xu hướng bán ra nhiều hơn, tuy nhiên người dân đến bán quá nhanh và đông nên từ 9g30 sáng cửa hàng không đủ tiền mặt để trả cho khách. Vì vậy, hầu hết khách hàng bán vàng tại cửa hàng đều phải hẹn đến chiều mới lấy tiền. Ghi nhận tại cửa hàng này, nhiều khách đến bán vàng sẵn sàng nhận giấy hẹn và chờ đến chiều lấy tiền.

Giá vàng thế giới cuối ngày là 1.755 USD/ounce, giảm khoảng 7 USD/ounce so với ngày hôm trước. So với giá vàng thế giới, quy đổi giá vàng trong nước còn cao hơn 400.000 đồng/lượng.

Sau một tháng giữ nguyên, sáng 10-8 Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỉ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng thêm 10 đồng, lên 20.618 đồng/USD. Các ngân hàng niêm yết giá bán USD kịch trần: 20.824 đồng/USD.

Bất ổn từ lệnh mua vàng tự động

Quyết định cho nhập vàng của Ngân hàng Nhà nước trong ngày 9-8 đã giúp hạ nhiệt thị trường vàng trong nước. Giá vàng vẫn cao ngất ngưởng, vì thế hạ nhiệt ở đây phải được hiểu là đưa giá vàng trở về mức hợp lý, sát với giá thế giới và tạm thời chấm dứt cảnh người dân chen nhau mua vàng.

Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần dùng giấy phép nhập khẩu vàng để hạ nhiệt thị trường vàng trong nước. Nhưng những đợt cho nhập vàng chỉ giúp cắt cơn đau cấp tính chứ không trị tận gốc cơn sốt giá vàng bất thường. Không có gì chắc chắn kịch bản cũ không lặp lại nếu cứ bốc thuốc theo kiểu cũ là nóng sốt rồi mới cho nhập vàng.

Để bốc trúng thuốc, cần xác định bệnh của thị trường vàng trong nước. Giá vàng vượt 40 triệu đồng/lượng, nguyên nhân chính là do giá vàng thế giới tăng. Cùng kỳ năm trước, giá vàng trong nước ở mức 28 triệu đồng/lượng. Một năm qua, giá vàng thế giới tăng 45% (660 USD/lượng, tương đương 13,7 triệu đồng/lượng) thì giá vàng trong nước những ngày qua tăng trên 40 triệu đồng/lượng đã phản ánh hai thị trường này đang liên thông với nhau.

Thị trường vàng trong nước chỉ “phát bệnh” khi giá cao hơn vàng thế giới. Những triệu chứng ủ và phát bệnh của thị trường vàng trong nước thường diễn ra như sau: đầu tiên là giá vàng thế giới tăng nhanh, kéo giá vàng trong nước chạy; tiếp đó giá vàng thế giới tăng đột biến, tạo ra cú sốc về giá ở trong nước, từ đó kéo sức mua tăng, đẩy giá trong nước cao hơn giá thế giới; đến giai đoạn này sức mua tăng đột biến, giá vàng rơi vào hỗn loạn.

Ở thời điểm này, ai là người mua vàng, từ đó tạo ra những cú sốc giá kinh hoàng? Các chuyên gia lĩnh vực vàng nói rằng lực mua vàng ở các cửa hàng vàng chỉ là bề nổi của sức mua vàng, rơi vào các trường hợp sau: mua/bán vàng để lướt sóng (trường hợp này diễn ra nhiều ở Hà Nội); mua vàng để cất giữ (lực mua nhỏ vì giá vàng đã quá đắt và không phải ai cũng có nhiều tiền để mua vàng). Cả hai trường hợp này chỉ tạo ra sự ồn ào, minh họa cho một thị trường vàng nóng sốt. Giới ngân hàng và kinh doanh vàng xác nhận lực mua vàng lớn nằm ở những người đã vay vàng ở các ngân hàng trước đây và nay vẫn chưa trả dứt nợ vì nhiều nguyên nhân như: nợ vay chưa đến hạn trả, lỡ vay bán để lướt sóng nhưng sau đó giá vàng tăng vọt phải chấp nhận nuôi nợ chờ giá xuống... Những trường hợp này họ luôn phải đeo những lệnh mua vàng tự động và buộc phải thực hiện nếu không muốn bị phát mãi tài sản thế chấp. Bởi lẽ, mỗi khi giá vàng tăng bất thường, nợ vay quy đổi ra VND sẽ tăng lên, dẫn đến không đảm bảo tỉ lệ an toàn về tài sản thế chấp theo quy định của ngân hàng. Ví dụ, ông A vay ngân hàng 20 lượng vàng và thế chấp sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng. Khi giá vàng tăng lên 46 triệu đồng/lượng, nợ vay của ông A quy ra VND là 920 triệu đồng, gần bằng giá trị tài sản thế chấp. Lúc này ông A phải lựa chọn: mua vàng để trả nợ hoặc nộp thêm tiền vào để đảm bảo giá trị tài sản thế chấp. Nếu không thực hiện, ngân hàng thanh lý tài sản thế chấp. Điều đáng nói là khi thanh lý tài sản thế chấp của người vay thì ngân hàng cũng phải mua ngay vàng, nếu không giá vàng tăng thêm ngân hàng sẽ bị thiệt. Nói cách khác, khi giá vàng tăng bất thường, với lệnh mua tự động, “ông không mua, bà cũng phải mua”.

Hiện mặc dù ngân hàng đã dừng cho vay vàng nhưng dư nợ vay vàng cũ vẫn còn nhiều tấn. Mỗi tấn vàng tương đương 26.000 lượng vàng, khi giá vàng tăng bất thường thì tất cả người vay đều phải thực hiện lệnh mua tự động. Trong khi một cán bộ công ty kinh doanh vàng nói chỉ cần lệnh mua vài ngàn lượng vàng cũng đã đủ kích giá lên cao.

Căn bệnh của thị trường vàng thêm trầm kha do Ngân hàng Nhà nước chia cắt thị trường vàng trong nước với thế giới bằng hạn ngạch và giấy phép nhập khẩu vàng. Khi lực mua tự động được kích hoạt, tạo ra những cú đột biến về giá, người có vàng thì giữ lại gây ra khan hiếm, doanh nghiệp thì không rõ trường hợp nào Ngân hàng Nhà nước mới cho nhập vàng, từ đó tạo sân chơi cho giới đầu cơ lướt sóng, kéo một bộ phận người dân có thói quen gắn bó với vàng cũng vội vã tham gia vì sợ giá còn tăng.

Dư nợ vay vàng còn nhiều, thị trường tài chính thế giới vẫn bất ổn. Vì vậy, nếu không có giải pháp ngăn chặn từ xa, thị trường vàng trong nước sẽ còn biến động bất thường. Giải pháp đó, như một số chuyên gia kinh tế đề xuất, đó là sự liên thông của thị trường vàng. Nếu có sẵn những lệnh nhập khẩu tự động đối ứng với lệnh mua tự động, giá vàng trong nước khó vượt giá thế giới. Thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng cho xuất nhập liên thông chưa chắc đã phải tốn nhiều ngoại tệ để nhập vàng bởi trong nước chưa hẳn đã thiếu vàng. Thực tế những năm qua, dù đã xảy ra những cơn sốt giá - biểu hiện của tình trạng thiếu vàng, nhưng trên thực tế VN vẫn xuất khẩu nhiều tấn vàng thu về nhiều tỉ USD.

A.H. - P.Phương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên