30/06/2023 11:00 GMT+7

Khi 'sếp' lương cao cũng thất nghiệp

Làn sóng cắt giảm không chỉ 'xô ngã' những người làm công việc giản đơn hay lao động phổ thông, mà ngay cả không ít nhân sự cấp cao cũng bỗng dưng thất nghiệp sau một đêm thức giấc.

Nhiều nhân sự cấp cao chia sẻ họ thực sự chưa từng nghĩ tới tình cảnh thất nghiệp và khá khó khăn khi trở lại tìm việc mới trong thời điểm này - Ảnh minh họa: CÔNG TRIỆU

Nhiều nhân sự cấp cao chia sẻ họ thực sự chưa từng nghĩ tới tình cảnh thất nghiệp và khá khó khăn khi trở lại tìm việc mới trong thời điểm này - Ảnh minh họa: CÔNG TRIỆU

Không ít người từng đảm nhiệm vị trí trưởng, phó phòng trở lên, thậm chí có cả giám đốc bộ phận, phó tổng giám đốc... từng hưởng mức lương vài ngàn USD mỗi tháng. Chính họ chia sẻ rất thật rằng chưa từng nghĩ có ngày phải chật vật quay trở lại "đường đua" tìm việc!

Vài tháng đầu sau khi thất nghiệp, tôi vẫn xem đó là cơ hội để học thêm vài cái mới. Cho tới khi một sáng thức giấc và cảm giác bất an, tôi nhận ra mình không biết sẽ làm gì tiếp theo bởi mình vốn là con người của công việc mà giờ ở không.

Chị HỒNG G.

Chuỗi ngày ám ảnh

Trang cá nhân của chị Hồng G. từng là phó tổng giám đốc một công ty chuyên phân phối lương thực thực phẩm khá lâu không cập nhật dòng trạng thái nào. Điều này với nhiều người chắc cũng bình thường nhưng với chị lại rất khác. 

Bởi chừng một năm trước, chị G. vẫn thường online, xuất hiện trên mạng với trạng thái tràn đầy năng lượng, nụ cười tươi.

Đùng một cái, tròm trèm một năm trước, chị G. nhận thông báo sa thải của công ty với lý do không thể không chấp nhận: "Công ty đang rất khó". Thời điểm đó, chị đang nhận mức lương hơn 70 triệu đồng/tháng. 

Chị thản nhiên đón nhận thông báo đó, xem đó như cơ hội để xả hơi, "reset" lại tất cả. Chị đăng ký học thêm ngôn ngữ mới, đến một lớp học nhảy, rồi đi học cả cắm hoa, nấu ăn.

Vài tháng sau, chị G. tìm đến các trang tìm việc, rải CV ứng tuyển vào một vài vị trí tương đương công việc đã làm trước đó nhưng mọi quyết tâm đều bất thành. Thế là bắt đầu rơi vào khủng hoảng, chị nói cười ít hơn, cũng ít ra đường hơn. Với chị, chuỗi ngày ám ảnh thật sự bắt đầu.

Đang làm một vị trí quan trọng kiêm luôn chức trưởng phòng truyền thông một doanh nghiệp có vốn nước ngoài, lại có bề dày kinh nghiệm, Nhật Hạ (29 tuổi) chưa từng nghĩ mình sẽ thất nghiệp. Tuy nhiên tính đến hết tháng 6 này, Hạ đã thất nghiệp gần bảy tháng. Những khoản vay cần phải trả hằng tháng khiến cô áp lực vô cùng.

Trong khi đó, với bản CV tưởng chừng dày cộm thành tích, nhiều năm kinh nghiệm trong ngành phần nào giúp Hạ thêm tự tin khi đi tìm công việc mới nhưng những gì đã qua dường như đang đi ngược lại. Đến hiện tại, cô gái vẫn chật vật tìm bến đỗ mới. 

"Tôi nhận ra mình thật sự sai lầm khi trước đây với mức lương hơn 45 triệu đồng/tháng mà hầu như tôi chẳng tích cóp được gì nhiều. Đến lúc thất nghiệp trở tay chẳng kịp mà cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Nhiều khoản phải chi khiến tôi áp lực vô cùng", Nhật Hạ trải lòng.

Thu mình tìm công việc mới

Tính đến giữa tháng 6-2023, anh T. (31 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã thất nghiệp 13 tháng. Trước đó, anh là trưởng phòng marketing một tập đoàn bất động sản có tiếng tại TP.HCM. 

Từ chỗ lương cứng tương đương hơn 2.000 USD/tháng, khi thất nghiệp, ngay khoản "chế độ hiếu nghĩa" 2 triệu đồng/tháng, rồi bảo hiểm cho bố mẹ ở quê do công ty phụ cấp cũng đành phải cắt luôn khi anh nghỉ việc.

Như bao người, anh T. cũng gửi đi hàng chục thư điện tử đính kèm CV khắp nơi mỗi ngày. Nhưng vẫn chỉ là chờ. Chưa kể, việc nhận một nhân sự cấp cao lúc này là điều không dễ gì. Để xoay xở, anh T. buộc phải nhận các công việc lẻ tẻ, từ thiết kế banner, bảng hiệu, làm menu đến lên kế hoạch truyền thông để sống qua ngày.

Hơn một năm thất nghiệp, anh T. đã tính việc chuyển ngành, bỏ luôn mảng bất động sản vốn đã quen. "Lấy ngắn nuôi dài cũng chỉ tạm thời chứ vất vả lắm. Trước ăn lương hơn 50 triệu đồng/tháng, giờ bỏ cả tiếng đồng hồ làm cái banner thù lao 1 triệu đồng sao chịu được, mà có phải lúc nào việc cũng nhiều đâu", anh T. than.

Mới đây, một vài công ty gọi điện hẹn anh T. lịch phỏng vấn. Nhưng hầu hết các cuộc thương thảo đều bất thành vì mức lương anh đưa ra quá cao. Quay mãi không ra việc, anh T. bắt buộc phải tự "hạ mình", hạ luôn mức lương còn chừng gần nửa so với trước, và đã tìm được việc.

Ở chỗ mới, anh T. cũng làm trưởng phòng marketing nhưng gần như phải làm phần việc gấp ba lần trước đây. Ngày trước thường chỉ phân công, sắp xếp nhân sự và định hướng, còn bây giờ hầu như việc gì cũng tới tay. 

"Mọi việc chỉ đang dừng lại ở khâu duy trì, sẽ vẫn làm thôi nhưng chắc là không gắn bó được lâu. Môi trường làm việc ở đây khác trước hoàn toàn nên dù mang chức danh trưởng phòng đi nữa, mỗi ngày đến công ty với tôi vẫn luôn căng mình và chịu đầy áp lực", anh T. bộc bạch.

Thị trường lao động việc làm vẫn khó

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng có nhiều lý do khiến tình hình thị trường lao động, việc làm thời gian tới vẫn còn gặp khó. Theo đó, việc cạnh tranh kinh tế giữa các nước lớn,

chiến tranh thương mại đang diễn ra ngày một gay gắt. Chưa kể hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu vẫn còn ảnh hưởng khá dai dẳng. Cạnh đó, lạm phát ở mức cao, trong khi kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Nền kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về sức ép lạm phát, tỉ giá, lãi suất.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định thị trường lao động, việc làm trong nước sẽ còn tiếp tục gặp khó. Tình cảnh đó sẽ còn lây lan trong quý 2, thậm chí đến quý 3-2023 mới có thể cải thiện phần nào.

Người học tiếp, kẻ "ngồi không" vì thất nghiệpNgười học tiếp, kẻ 'ngồi không' vì thất nghiệp

Thanh niên Trung Quốc, Thái Lan miệt mài đi học vì không xin được việc làm, trong khi thanh niên Hàn Quốc lại chọn 'ngồi không' vì thất nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên