Chị Nhàn (người cầm micro) chia sẻ câu chuyện của con mình - Ảnh: H.Đ.
"Chính những kiến thức y học của bác sĩ Giang đã cứu sống anh.
Bác sĩ PHAN VĂN HOÀNG (Bệnh viện Bình Dân)
Hành trình đi tìm sự thật
Bác sĩ Phạm Trường Giang lần đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào năm 2003. Kết quả khám nội soi khi đó cho thấy ông có khối u ở cả đại tràng lẫn dạ dày. Nhưng rồi đến sau ca mổ lâm sàng, kết quả lại cho biết phần dạ dày của ông bình thường.
"Đó là một câu hỏi đã đè nặng lên tâm trí tôi suốt năm điều trị ung thư đầu tiên, kết quả nội soi và lâm sàng được thực hiện bởi những bác sĩ khác nhau và cho ra kết quả khác nhau. Rốt cuộc ai mới đúng?
Là một bác sĩ, tôi có may mắn được quen rất nhiều bác sĩ giỏi, có tâm. Tôi không nghi ngờ gì nhiệt tâm và kiến thức của họ cả, nhưng mạng sống là của riêng mình, tôi buộc phải dấn thân tìm câu trả lời chính xác" - bác sĩ Giang kể.
Một năm sau ngày mổ, ông có visa đi Mỹ nhờ lời mời họp lớp của bạn học cũ. Họp lớp chỉ là lý do phụ, mục đích chính của chuyến đi Mỹ của ông là tìm gặp lại bác sĩ Phạm Văn Ngà - người thầy dạy môn giải phẫu bệnh lý ở ĐH Y khoa Sài Gòn từ trước năm 1975.
"Nội soi ở VN chỉ tốn vài triệu, nhưng ở Mỹ là 7.000 USD. Nhờ có sự hỗ trợ của bác sĩ Ngà nên tôi được giảm giá còn 1.500 USD. Và rồi kết quả cho thấy dạ dày của tôi thực sự bị Carcinoma (là loại ung thư tế bào biểu mô). Hai tháng sau tôi trở về VN và mổ" - bác sĩ Giang kể.
Thời điểm đó, ca ung thư dạ dày của bác sĩ Giang may mắn chỉ mới ở giai đoạn T2. Nếu ông không quyết liệt đi tìm câu trả lời chính xác, ca ung thư có thể sẽ đi đến giai đoạn T3, T4, hay tệ hơn là có hạch hoặc di căn.
Và cuộc chiến K của bác sĩ Giang có thể đã dừng lại 14 năm về trước.
Bác sĩ Giang kể hành trình đi tìm sự thật về bệnh ung thư của ông - Ảnh: H.Đ.
Chẩn đoán nhầm - ở Mỹ cũng có
Trong một hội thảo ung thư cuối năm 2018, bác sĩ Giang có cơ hội gặp bác sĩ Jorge Nieva - một chuyên gia nổi tiếng về bệnh ung thư tại ĐH Nam California (Mỹ).
Ông Nieva nhận định: "Chẩn đoán nhầm về ung thư cũng không hoàn toàn là không xảy ra ở Mỹ, chủ yếu là tìm không ra những dấu hiệu của ung thư. Nó có thể đến từ sơ sót của bác sĩ, của máy móc và do những tế bào ung thư quá khó phát hiện.
Bệnh nhân nên trang bị kiến thức tốt nhất về y học, vì chỉ có họ mới biết những dấu hiệu bất thường trong cơ thể mình. Hãy đi khám thật nhiều".
Không chỉ có bác sĩ Giang, rất nhiều bệnh nhân ung thư không được bác sĩ phát hiện ra bệnh dù đã có triệu chứng và đi khám từ sớm.
Chị Nguyễn Thị Nhàn (Quảng Nam), mẹ của bệnh nhân Nguyễn Thị Hoàng Ly (20 tuổi), cho biết sáu năm trước con gái chị đột ngột có dấu hiệu bất thường ở phần đầu gối chân trái. Đi bệnh viện tỉnh thì được các bác sĩ chẩn đoán bệnh khớp và khuyên đi châm cứu.
Nhưng một năm sau, chân của Ly càng lúc càng tệ, co rút đến mức không duỗi ra được và có u nổi lên ở đầu gối. Chị Nhàn đưa con ra Huế khám lại và lần này thì bác sĩ cho biết con chị mắc ung thư xương.
"Cho đến giờ thì bệnh của con tôi đã lên đến não, cả 2 mắt cháu không còn thấy đường và không còn cảm nhận như người thường. Tôi không trách ai, chỉ mong lấy câu chuyện của con gái tôi để cho nhiều người biết mà cẩn thận đề phòng" - chị Nhàn bật khóc nói.
Theo bác sĩ Phan Văn Hoàng (BV Bình Dân, TP.HCM) - người thực hiện ca mổ ung thư bàng quang cho bác sĩ Giang, việc phát hiện ung thư đôi lúc gặp khó vì ung thư dạng phẳng (in situ):
"Ngay cả khi mổ và chạm vào bề mặt cơ quan, bác sĩ có thể vẫn không nhận diện được ung thư. Điều này còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ, có người sờ vào không phát hiện được nhưng có người lại biết".
Bác sĩ Nieva trò chuyện với các bệnh nhi ung thư - Ảnh: H.Đ.
Vì đâu người lâu, kẻ sớm?
Ngay cả khi phát hiện sớm, nhiều bệnh nhân vẫn sớm gục ngã trước ung thư nhưng có người lại trụ rất lâu. Vì sao lại như vậy? Chưa nói đến quá trình điều trị, bản thân mức độ bị ung thư đã muôn hình vạn trạng và kiến thức thông thường về các giai đoạn ung thư của người bệnh là chưa đủ.
Bác sĩ Hoàng cho biết "phương trình" ung thư đại khái có ba biến số là T (bướu) - N (hạch) - M (di căn). Khi để đến giai đoạn muộn T3, T4, thường sẽ xuất hiện hạch và bị di căn.
Nhưng cũng có những trường hợp T1, T2 nhưng N và M vẫn dương tính, và tình hình lúc đó đã rất tệ. Ngược lại, dù đã đến giai đoạn T3, T4 nhưng nếu N, M vẫn chưa dương tính thì bệnh nhân vẫn có thể chống chọi lâu dài.
Ngoài TNM, Grade (mức độ của tế bào ung thư) cũng là một biến số quan trọng. Nhiều loại tế bào ung thư có hình dáng, mức độ nguy hiểm và rất khó chữa trị.
Đó là từ phía bác sĩ, thái độ, cách thức điều trị của bệnh nhân cũng quyết định việc họ có thể chống chọi được bao lâu. Thời gian gần đây, nhiều trang báo mạng rộ lên thông tin về phát biểu "đừng điều trị nếu bị ung thư" của bác sĩ người Nhật Kondo Makoto.
Bác sĩ Phạm Nguyên Quý (khoa ung thư nội khoa Trung tâm ung thư Bệnh viện ĐH Kyoto) cực lực phản đối luồng thông tin này.
"Những bài viết này đến từ các trang báo không hề đảm bảo. Bác sĩ Makoto nói điều đó năm 1988, còn bối cảnh điều trị ung thư hiện nay đã khác nhiều so với lúc đó. Những số liệu của Viện Ung thư Nhật Bản đã phủ nhận lập luận này.
Theo đó, mỗi loại ung thư đều có một tỉ lệ sống còn sau năm năm và giai đoạn 1 có tỉ lệ chữa lành cao hơn hẳn các giai đoạn khác" - bác sĩ Quý cho biết.
Phát hiện càng sớm càng tốt
Số liệu của Viện Ung thư Nhật Bản (giai đoạn 2005-2007) cung cấp cho thấy hầu hết các loại ung thư khi được phát hiện sớm từ giai đoạn 1 đều có tỉ lệ sống trên năm năm rất cao.
Cụ thể với ung thư dạ dày, tỉ lệ người phát hiện bệnh giai đoạn 1 sống trên năm năm là 97,3%, ung thư phổi là 83,6%, ung thư đại tràng 98,8%, ung thư vú là 99,9%.
Nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn 4, tỉ lệ sống trên năm năm của bệnh nhân ung thư dạ dày chỉ là 7,3%, 4,6% với ung thư phổi, 18,5% với ung thư đại tràng và 33% với ung thư vú.
Kỳ tới: Đứng dậy trước ung thư
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận