27/09/2023 20:10 GMT+7

Indonesia cấm bán hàng trên mạng xã hội, TikTok gặp nguy?

Indonesia đã ban hành lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội. Quyết định này được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến TikTok.

Cô Bening Widayati, 40 tuổi, bán quần áo thông qua phát trực tiếp trên mạng xã hội, Jakarta, Indonesia, ngày 27-9 - Ảnh: REUTERS

Cô Bening Widayati, 40 tuổi, bán quần áo thông qua phát trực tiếp trên mạng xã hội, Jakarta, Indonesia, ngày 27-9 - Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết quyết định có hiệu lực kể từ ngày 27-9, nhằm bảo vệ các thương nhân và thị trường truyền thống. Hơn nữa, việc những người bán hàng thương mại điện tử hay bán phá giá đang đe dọa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Zulkifli Hasan nói rằng quy định này nhằm bảo đảm cạnh tranh trong kinh doanh, đồng thời bảo vệ dữ liệu người dùng. Ngoài ra, bộ trưởng thương mại Indonesia cũng cảnh báo về việc để mạng xã hội trở thành nền tảng thương mại điện tử, cửa hàng và ngân hàng cùng một lúc.

Quy định mới yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia đặt mức giá tối thiểu là 100 USD cho một số mặt hàng mua trực tiếp từ nước ngoài.

Động thái này diễn ra chỉ ba tháng sau khi TikTok cam kết đầu tư hàng tỉ USD vào Đông Nam Á, chủ yếu ở Indonesia, trong vài năm tới nhằm xây dựng nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.

TikTok, thuộc sở hữu của Công ty ByteDance của Trung Quốc, có 125 triệu người dùng hoạt động hằng tháng ở Indonesia. 

Cách đây hai tuần, Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga nói rằng mạng xã hội và thương mại điện tử không thể kết hợp với nhau như trường hợp của ứng dụng TikTok và TikTok Shop.

Khi đó, TikTok phản hồi rằng nếu tách mạng xã hội và thương mại điện tử ra thành hai nền tảng khác nhau thì sẽ cản trở đổi mới, cũng như gây bất lợi cho thương nhân và người tiêu dùng Indonesia.

Bộ trưởng thương mại Indonesia cho biết TikTok có một tuần để tuân thủ quy định, nếu không sẽ phải đóng cửa.

Thị trường thương mại điện tử của Indonesia do các công ty công nghệ thống trị, như Tokopedia của GoTo, Shopee của Sea và Lazada - thuộc "gã khổng lồ" thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba.

Theo dữ liệu từ Công ty tư vấn Momentum Works, Indonesia, với dân số hơn 270 triệu người, chiếm gần 52 tỉ USD giao dịch thương mại điện tử vào năm ngoái. Trong đó, 5% diễn ra trên TikTok, chủ yếu thông qua các phiên phát trực tiếp (livestream).

Ông Fahmi Ridho, một người bán quần áo trên TikTok, cho biết nền tảng này là cách để các cửa hàng vực dậy sau đại dịch COVID-19.

"Việc bán hàng không nhất thiết phải thông qua các cửa hàng truyền thống, bạn có thể thực hiện trực tuyến hoặc ở bất cứ nơi nào…", ông Fahmi nói.

Nhưng Edri, người bán quần áo tại một chợ bán buôn lớn ở Jakarta, đã đồng ý với quy định này và nhấn mạnh rằng cần đặt ra giới hạn đối với các mặt hàng bán trực tuyến.

Doanh thu trên TikTok Shop cao gấp 10 lần Tiki, là sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Việt NamDoanh thu trên TikTok Shop cao gấp 10 lần Tiki, là sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Việt Nam

Chỉ vừa ra mắt năm ngoái nhưng TikTok Shop đã nhanh chóng lấy đi thị phần từ các sàn thương mại điện tử còn lại, soán ngôi thứ 2 của Lazada với doanh thu khủng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên