21/03/2024 15:00 GMT+7

Hợp sức đưa cá chình suối, nước mắm, tiêu Phú Quốc đến gần khách hàng

Bỏ qua lợi ích riêng, hướng đến cái chung, nhiều người trẻ ở Phú Quốc đang ‘hợp sức’ gói quà sản phẩm nước mắm truyền thống, tiêu ngào đường, bao tiêu cá chình suối để khách trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận.

Các công nhân ở nhà thùng làm nước mắm Phú Quốc nhộn nhịp đóng chai, gói quà bán cho du khách trong và ngoài nước - Ảnh: CHÍ CÔNG

Các công nhân ở nhà thùng làm nước mắm Phú Quốc nhộn nhịp đóng chai, gói quà bán cho du khách trong và ngoài nước - Ảnh: CHÍ CÔNG

Hơn 10 năm nuôi cá chình suối (hay còn gọi cá trê suối - loài cá đặc hữu chỉ có ở suối Phú Quốc) trong ao đất, anh Lê Chí Tân, ngụ xã Cửa Dương, cho biết cá chình suối là cá đặc sản chỉ sinh sống ở các con suối tại xã Gành Dầu, Hàm Ninh, Dương Tơ, TP Phú Quốc.

Bao mua hết cá chình suối

Năm 2013, anh Tân đã chọn cá chình suối Phú Quốc để ương giống và nuôi thương phẩm phát triển kinh tế gia đình. Sau đó, anh đã đào 4 ao có lót bạt (mỗi ao có diện tích khoảng 40m2) để thả nuôi cá chình này.

Cá có đặc tính dễ nuôi và thức ăn cũng đa dạng nên anh Tân chỉ cần thay nước đều đặn là được.

"Cá này trước đây đầu ra chưa ổn định lắm, tôi cũng e ngại mở rộng nuôi. Hợp tác xã G10 Phú Quốc bao tiêu đầu ra, các nhà hàng Phú Quốc cũng lựa chọn mua cá này nhiều, tôi mạnh dạn nuôi thương phẩm", anh Tân vui vẻ nói.

Cá chình suối được thương lái mua với giá 320.000 - 350.000 đồng/kg cá thương phẩm.

Người dân địa phương chỉ cần có ao đất khoảng 1.000m2 (thả nuôi 10.000 con cá giống) cho thu hoạch khoảng 2,5 tấn cá thương phẩm, bán với giá 350.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí nuôi.

Ông Huỳnh Thanh Minh - trưởng Phòng Kinh tế TP Phú Quốc - thông tin cá chình suối có giá trị kinh tế cao cho người nuôi. Phú Quốc hiện có nhiều hộ dân nuôi loại cá này. Cá này đang được khách du lịch ưa chuộng nên người dân nuôi cá này và có bao tiêu đầu ra sẽ góp phần mang về lợi nhuận hấp dẫn, ổn định cuộc sống gia đình.

Anh Lê Chí Tân (ở xã Cửa Dương) mạnh dạn nuôi cá chình suối bán thương phẩm, phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: CHÍ CÔNG

Anh Lê Chí Tân (ở xã Cửa Dương) mạnh dạn nuôi cá chình suối bán thương phẩm, phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: CHÍ CÔNG

Gìn giữ thương hiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc

Anh Nguyễn Huỳnh Anh Khoa - chủ cơ sở kinh doanh nước mắm Huỳnh Khoa Phú Quốc - thông tin nhiều nhà thùng nước mắm Phú Quốc chuyển đổi cách thức làm ăn, đóng chai nước mắm Phú Quốc, gói quà bán lẻ, mở rộng thị trường.

Công nhân ở các nhà thùng liên tục chiết nước mắm, đóng chai, dán nhãn, trưng bày lên kệ phục vụ khách du lịch đến tham quan và mua về ăn.

"Chúng tôi đoàn kết lại với nhau tạo ra một sản phẩm chung cho nước mắm Phú Quốc với thương hiệu Gỗ Xưa để xúc tiến trong nước và ngoài nước, gìn giữ phát triển nghề làm truyền thống nước mắm Phú Quốc", anh Khoa nói.

Các nhà thùng ở Phú Quốc hiện đóng chai nước mắm rồi gói quà với một số sản phẩm hạt tiêu xay, tiêu ngào đường Phú Quốc để bán với giá 400.000 - 2 triệu đồng/giỏ quà theo yêu cầu của khách.

Ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh - chủ tịch Hợp tác xã G10 Phú Quốc, giám đốc Công ty TNHH MTV nước mắm Kim Hoa - cho hay "sắp tới đây chúng tôi sẽ phát triển 10-15 sản phẩm đặc trưng của Phú Quốc như khô, các loại tiêu kết hợp với nước mắm. 

Có các sản phẩm, đơn vị hướng tới làm combo sản phẩm chung với nhau để phục vụ cho du khách và sẽ xúc tiến, quảng bá nhiều hơn nhằm đưa sản phẩm trên đến gần với khách hàng".

Phú Quốc hiện có khoảng 54 thành viên (nhà thùng) với khoảng 7.000 thùng ủ chượp (mỗi thùng có sức chứa khoảng 12-15 tấn cá), sản lượng sản xuất nước mắm đạt 20-30 triệu lít nước mắm/năm, nước mắm đạt 25 độ đạm trở lên - PV.

Phú Quốc, trăm năm nước mắmPhú Quốc, trăm năm nước mắm

TTO - Là đất nước trải dài dọc biển, người Việt từ xa xưa đã biết dùng cá và muối để chế biến thành nước mắm như một thứ gia vị dễ sử dụng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên