16/05/2017 10:16 GMT+7

Hòn đất biên cương từ Lũng Cú gửi Trường Sa

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Lũng Cú là điểm đầu tiên của hành trình "Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa" của báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Đồn biên phòng Lũng Cú thực hiện vào sáng 10-5-2017.

Trung tá Nguyễn Hồng Phong, đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú, trao đất thiêng từ cột cờ quốc gia cho phóng viên Tuổi Trẻ  - Ảnh: T.Vang

>>Mang 'Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa'

Năm giờ sáng, từ thị trấn Đồng Văn, chúng tôi ngược lên Lũng Cú. Cao nguyên đá vẫn còn thiêm thiếp ngủ trong những lũng mây.

Trên bản đồ Tổ quốc, tuyến biên giới phía Bắc từ A Pa Chải (Điện Biên) đến Trà Cổ (Quảng Ninh) như một cánh cung cong hướng lên phía Bắc mà Lũng Cú là tâm điểm để đặt vào đó mũi tên vệ quốc.

Hình hài của mũi tên vệ quốc ấy của hôm nay chính là cột cờ cực Bắc vút thẳng lên trời xanh và lá cờ đỏ sao vàng như cánh buồm đỏ thắm phần phật reo trong gió sớm.

 

Linh thiêng hồn đất

Trung tá Nguyễn Hồng Phong, đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú, cùng hơn 30 sĩ quan, chiến sĩ đã có mặt sớm ở cột cờ quốc gia Lũng Cú.

Hôm nay trời đẹp, từ chân cột cờ nhìn xuống cánh đồng Thèn Pả mênh mang màu xanh bắp (ngô) đang mùa trổ bông. Và trên cao, lá cờ Tổ quốc phần phật reo trong gió. Đồn trưởng Nguyễn Hồng Phong tập hợp toàn đơn vị làm lễ chào cờ.

Trung tá Nguyễn Hồng Phong nhìn đội hình, nắn nót từng vị trí cho chiến sĩ, nhắc từng sĩ quan cân chỉnh trang phục.

Lính biên phòng được ví như những cột mốc sống của chủ quyền Tổ quốc nơi biên ải, và hôm nay, trong buổi lễ chào cờ trước lúc gửi những vốc đất chủ quyền ra đảo xa, dường như tiếng quốc ca từ những “cột mốc sống” ấy vang lên như vượt khỏi giới hạn của âm thanh.

Tiếng phần phật, phần phật của lá cờ Tổ quốc nghe như tiếng sóng biển đang dội về từ Trường Sa, Hoàng Sa và lớp lớp mây trắng dưới lũng xa kia có khác nào những con sóng bạc đầu bao đời phủ lên thềm đảo. Lũng Cú và Trường Sa cũng không còn khoảng cách địa lý mà như hòa làm một.

Chọn một điểm đất ngay dưới chân cột cờ, thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu thận trọng nâng chiếc hộp đựng đất có gắn dòng chữ “Đất thiêng gửi Trường Sa - từ cột cờ Lũng Cú” để binh nhất Chảo Ngờ Phin (người dân tộc Dao) nhẹ lách mũi xẻng vào mạch đất, xới cho vào hộp.

Thật lạ lùng, giữa miền đá đen xám chập chùng như Hà Giang - Lũng Cú nhưng vốc đất xới lên từ lòng núi lại đỏ au như thắm máu.

Trao hộp đựng đất thiêng cho đại diện báo Tuổi Trẻ, trung tá Nguyễn Hồng Phong xúc động: “Chúng tôi, những người lính biên phòng ở cực Bắc Tổ quốc, gửi gắm vào đây không chỉ tình cảm của người lính biên phòng mà còn là tình cảm của đồng bào 54 dân tộc anh em trong cả nước dành cho Trường Sa. Bởi ở cột cờ quốc gia này, lá cờ trên đỉnh cột có diện tích 9mx6m, bằng 54m2.

Con số 54 ấy cũng là con số mang ý nghĩa biểu tượng của 54 dân tộc trên đất nước chúng ta. Khi nắm đất Lũng Cú được hòa vào đất cát đảo xa Trường Sa, cũng là hòa chung lời thề của chúng tôi, những người lính bảo vệ chủ quyền biên giới và những người lính bảo vệ chủ quyền biển đảo, rằng không một kẻ thù nào có thể xâm phạm đến chủ quyền thiêng liêng này”.

Đất và nước ngoan cường

Thật bất ngờ khi biết trung tá Nguyễn Hồng Phong đã từng được ra thăm Trường Sa năm 2012. Những xúc cảm Trường Sa ấy vẫn ngưng đọng trong trái tim người sĩ quan biên phòng từ 5 năm qua, để sáng nay vỡ òa.

Chuyến đi đó còn có cha của thượng úy Vừ Mí Chứ - ông Vừ Sé Cơ, một người Mông can trường, vắt đá ra nước, ra lúa, ra ngô.

Khi Vừ Sé Cơ vừa từ Trường Sa trở về chúng tôi tìm gặp ông ở bản Ma Xí B (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, Hà Giang). Suốt câu chuyện chúng tôi hỏi về cách ông đã làm ra lúa, ra ngô như thế nào giữa miền đá chập chùng này được một chốc thì ông lại quay về với những gì ông đã gặp ở Trường Sa, bởi ông là người Mông đầu tiên của Hà Giang ra được đó.

Những người lính Đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang mang đất thiêng từ cột cờ trao cho báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Ngọc Quang
Những người lính Đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang mang đất thiêng từ cột cờ trao cho báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Ngọc Quang

 

Và câu chuyện đưa đất từ Lũng Cú - Hà Giang ra Trường Sa hôm nay, khi nhớ tới những câu chuyện Vừ Sé Cơ đã kể, nhớ tới những gì chúng tôi đã gặp ở Hà Giang, ở vùng biên ải phía Bắc bao nhiêu năm qua, chợt nhận ra những vốc đất Lũng Cú hôm nay chất chứa những thông điệp vô cùng thâm hậu.

Người Việt chúng ta gọi Tổ quốc là đất nước, nhưng có lên Hà Giang mới cận cảnh thế nào là đất, thế nào là nước. Từ ngàn đời nay, nhẫn nại và âm thầm như đá núi, người dân cõng từng gùi đất đổ vào các hốc trên núi đá tai mèo để gieo vào những hạt ngô.

Để có hốc đá tra hạt ngô phải dùng choòng, dùng xà beng đào lỗ trên đá, bật máu bàn tay mới có chỗ nâng niu đặt vào từng vốc đất.

Gieo hạt ngô lên mầm, nuôi cho cây ra hoa trổ bắp, chính những bàn chân gầy guộc quấn xà cạp ấy đã cõng từng gùi nước, bấu víu bàn chân vào cạnh sắc của đá tai mèo để tưới tắm cho từng mầm sống, mầm sống ấy đồng nghĩa với cuộc sống của họ bao đời nay.

Câu chuyện “gùi đất - cõng nước” ấy cho chúng ta một cái nhìn cận cảnh hơn về đất và nước. Với người dân trên đất liền, không ở đâu hiếm đất như ở đây. Không ở đâu nước quý như ở đây.

Hình ảnh những đôi chân người Mông rách toạc bởi đá tai mèo, những bàn tay tóe máu vì cầm choòng đục đá tra ngô, những mái đầu kiêu hãnh trong gió lạnh cao nguyên đá trao truyền cho chúng ta niềm tin yêu về đất nước.

Và trong từng nắm đất được thỉnh từ Lũng Cú ra đảo xa hôm nay, niềm tin ấy được trao truyền thiêng liêng đến mỗi người lính, người dân giữa trùng khơi thăm thẳm.

Lũng Cú, Vị Xuyên và bài ca tuổi trẻ

Hành trình đưa đất thiêng từ Lũng Cú về Hà Nội còn có một điểm dừng đặc biệt: nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, nơi an nghỉ của hàng ngàn người lính trẻ đã nằm lại trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Các thành viên trong đoàn thỉnh đất nghiêm cẩn mang hộp đất thiêng lấy từ cột cờ Lũng Cú vào đặt lên đài tưởng niệm, thắp nhang thành kính bái vọng anh linh các liệt sĩ chứng giám cho hành trình và thể nhập vào đất thiêng để tiếp tục hành trình ra Trường Sa.

Khi chúng tôi đến, trong khoảng sân trước đài tưởng niệm của nghĩa trang, nhiều người đang chuẩn bị cho đêm nhạc của đoàn văn nghệ sĩ TP.HCM mang tên “Hát về anh” - hát về những người lính trẻ đã nằm lại trên dọc dài biên ải phía Bắc suốt 10 năm từ 1979 - 1989.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà vô cùng ý nghĩa trong chặng đầu hành trình.

Trong nắm đất cực Bắc này có niềm tin yêu của những người lính, người dân can trường trên cao nguyên đá, của những anh linh người lính đang nằm ở nghĩa trang Vị Xuyên và cả tiếng hát đang vang lên dành cho những người lính - những người đã ngã xuống vì Tổ quốc hôm qua và những người đang mang tuổi trẻ của mình để bảo vệ chủ quyền đất nước hôm nay!


 

 

 

 

 

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên