28/07/2023 14:32 GMT+7

Cù lao Câu ở Bình Thuận nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh vừa trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích thắng cảnh Hòn Cau (Cù lao Câu) cho huyện Tuy Phong.

Hòn Cau hay còn gọi là Cù lao Câu tọa lạc ở vùng biển xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Hòn Cau hay còn gọi là Cù lao Câu tọa lạc ở vùng biển xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Thắng cảnh Hòn Cau chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử hình thành địa chất, địa mạo mang đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ trong hàng triệu năm qua.

Đây còn là điểm đến có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn và kỳ bí về quá trình hình thành địa chất, địa mạo, hệ sinh thái đa dạng, nhiều chủng loại.

Hòn Cau còn được coi là điểm nhấn trên bản đồ du lịch Việt Nam, đang có sức thu hút du khách khắp nơi tìm đến khám phá, trải nghiệm.

Ngoài hệ sinh thái biển phong phú, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng cho một "thế giới đá" với những khối có nhiều hình hài, màu sắc, kích cỡ chồng xếp lên nhau trải dài nối tiếp, xen kẽ với những bãi cát trắng mịn bao quanh chân đảo.

Trên đảo Hòn Cau có khoảng 74 loài thực vật thuộc 67 chi và 38 họ thực vật bậc cao có mạch.

Hệ sinh thái đa dạng dưới đáy biển Hòn Cau - Ảnh: Huỳnh Quang Huy

Hệ sinh thái đa dạng dưới đáy biển Hòn Cau - Ảnh: Huỳnh Quang Huy

Khu bảo tồn biển Hòn Cau có hệ động thực vật dưới nước rất phong phú và đa dạng với nhiều loài hải sản quý hiếm, đặc trưng bởi tính đa dạng sinh học và các rạn san hô có độ bao phủ cao, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển Hòn Cau.

Đây là 1 trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn được đánh giá cao về đa dạng sinh học thể hiện sự đa dạng của thủy sinh vật, động vật đáy, rong, cỏ biển, san hô, cá, động vật không xương sống, thú, chim, bò sát, rùa biển…

Theo tỉnh Bình Thuận, địa phương cần tập trung triển khai củng cố, kiện toàn ban quản lý di tích theo hướng có đủ trình độ, năng lực chuyên môn trong việc bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị Hòn Cau ngày càng hiệu quả cao hơn.

Đồng thời, địa phương sớm hoàn chỉnh, ban hành quy chế hoạt động của ban quản lý thắng cảnh theo quy định của Luật Di sản văn hóa, chú trọng gìn giữ.

Địa phương phải làm tốt công tác bảo tồn nguyên trạng môi trường cảnh quan trên đảo và hệ sinh thái, môi trường tài nguyên biển theo đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã được tỉnh phê duyệt.

Cùng với đó, địa phương xây dựng phương án bảo vệ và phát huy giá trị Hòn Cau theo hướng gìn giữ tối đa các yếu tố nguyên gốc về cảnh quan, môi trường tự nhiên và sinh thái vốn có gắn với việc tổ chức cắm mốc phân định rõ ràng ranh giới khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II của thắng cảnh.

Xem rùa đẻ trứng trên đảo Hòn Cau: Xem rùa đẻ trứng trên đảo Hòn Cau: 'Mạnh như rùa mẹ!'

TTO - Hơn một tiếng quan sát rùa mẹ miệt mài nhả trứng, chúng tôi không được sử dụng ánh đèn flash, không gây tiếng ồn vì nếu cảm nhận được, chúng sẽ “nín" đẻ và trở lại biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên