12/08/2023 09:36 GMT+7

Hỏa ngục Hawaii

Đau khổ, bàng hoàng là tâm trạng chung của nhiều người dân Hawaii trước ngọn lửa hung tàn lan rộng quá nhanh. Đây là thiên tai gây thiệt hại về người lớn nhất trong lịch sử tiểu bang thứ 50 của Mỹ, 67 nạn nhân tính đến sáng 12-8 (theo giờ Việt Nam).

Thành phố Lahaina xinh đẹp giờ chỉ còn là đống tro tàn trong ảnh chụp ngày 10-8 - Ảnh: REUTERS

Thành phố Lahaina xinh đẹp giờ chỉ còn là đống tro tàn trong ảnh chụp ngày 10-8 - Ảnh: REUTERS

Ít nhất ba đám cháy lớn bùng phát cuối ngày 8-8 ở bờ biển phía tây đảo Maui và nhanh chóng lan rộng, bao trùm thành phố du lịch ven biển Lahaina danh tiếng. Ngọn lửa lan quá nhanh khiến nhiều cư dân và du khách mất cảnh giác, nhiều người bị bỏng, ngạt khói và bị thương. Tính đến cuối ngày 11-8 (giờ địa phương) đã ghi nhận ít nhất 67 người thiệt mạng, hàng trăm công trình bị phá hủy hoặc hư hại.

67 người chết và cảnh hoang tàn như 'ngày tận thế' sau thảm họa cháy rừng ở Hawaii

Các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn vẫn đang rất khẩn trương ở Lahaina - nơi từng là cố đô của vương triều Hawaii hồi thế kỷ 19, trong khi hàng ngàn người đã phải di tản đến nơi trú ẩn khẩn cấp hoặc rời khỏi đảo.

Mọi người đều bị bất ngờ

Những năm gần đây, quần đảo Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương ẩm ướt không còn xa lạ với các vụ cháy rừng. Nhưng tai họa lần này rất khác. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đã giải cứu cả trăm người nhảy xuống biển để tránh "bà hỏa", trong khi các dịch vụ khẩn cấp bị quá tải do thảm họa bất ngờ và không có cảnh báo trước.

Truyền thông không chỉ cho thấy hình ảnh khủng khiếp của đám cháy rừng mà còn ghi nhận sự thảng thốt của người dân tại khu vực vì mất mát quá lớn, quá nhanh. "Cảnh tượng như thời chiến", "cảnh tượng như trong phim kinh dị", "cả thành phố đã thành tro bụi"... là những gì các nhân chứng mô tả về tình cảnh ở Lahaina.

Thống đốc bang Hawaii, ông Josh Green, nhìn nhận đây là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử bang vì số người thiệt mạng có thể còn tăng. Hồi năm 1960, tức một năm sau khi Hawaii trở thành bang thứ 50 của Mỹ, một trận sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 61 người tại đây.

Theo Thống đốc Green, trong thảm họa cháy rừng lần này, 80% thành phố Lahaina bị thiêu rụi, hơn 270 công trình bị phá hủy hoặc hư hại, khoảng 1.700 ngôi nhà bị ảnh hưởng. "Chúng tôi sẽ cần phải xây dựng lại toàn bộ Lahaina", Thống đốc Green nói.

Ước tính, việc tái thiết sau thảm họa có thể mất nhiều năm và tốn tới hàng tỉ USD.

-Du khách chờ ở sân bay Kahului Airport để rời Hawaii ngày 10-8. Gia đình ông Vixay Phonxaylinkham đã phải bỏ xe hơi và đứng dưới biển suốt bốn giờ để tránh lửa nóng Ảnh: REUTERS

-Du khách chờ ở sân bay Kahului Airport để rời Hawaii ngày 10-8. Gia đình ông Vixay Phonxaylinkham đã phải bỏ xe hơi và đứng dưới biển suốt bốn giờ để tránh lửa nóng Ảnh: REUTERS

Thảm họa thức tỉnh người Mỹ

Hiện chưa xác định được nguyên nhân cháy rừng ở Maui, song Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ cho rằng thảm thực vật khô, gió mạnh (từ cơn bão Dora đang cách quần đảo này hơn ngàn km về phía nam) và độ ẩm thấp đã gây ra cháy rừng.

Theo ông Thomas Smith - giáo sư địa lý môi trường tại Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London, thời gian gần đây cháy rừng xảy ra hằng năm ở Hawaii, nhưng đám cháy năm nay bùng phát nhanh và lớn hơn bình thường. Thiệt hại nhân mạng và vật chất lớn được cho là có nhiều yếu tố bất thường cộng lại.

Phó thống đốc bang Hawaii Sylvia Luke cũng thừa nhận hệ thống bệnh viện của bang đang quá tải với số lượng lớn người bị bỏng và bị ngạt thở nhập viện. Bà cho biết hiện hệ thống đường dây nóng 911, dịch vụ điện thoại, điện thoại di động đều đã sập. Chưa kể chính quyền phải lo cho việc giải cứu các du khách. Thời gian qua, Lahaina là một trong những điểm thu hút du lịch của đảo Maui với 2 triệu du khách/năm, tương đương khoảng 80% số du khách đến đảo.

Đến ngày 11-8 gió đã dịu lại, và cũng có thể nói tất tật đã cháy hết, nhưng hỏa hoạn tại Lahaina cũng đang nằm trong tầm kiểm soát và lực lượng chức năng hy vọng có thể dập tắt lửa để tìm kiếm nạn nhân.

Trận hỏa hoạn lần này được nhiều nhà khoa học cho rằng có yếu tố con người bởi sự xâm lấn vào môi trường tự nhiên ở Hawaii. Theo họ, nếu trước kia Hawaii chỉ xảy ra cháy rừng khi núi lửa hoạt động thì nay thường xuyên hơn, không chỉ bởi biến đổi khí hậu mà còn bởi hậu quả tích lại từ sự can thiệp của con người vào môi trường tự nhiên Hawaii. Những người từ nơi khác đến đây sinh sống đã phá rừng, tạo ra các vùng đất trồng trọt mới làm thay đổi thảm thực vật địa phương.

Không ít nhà quan sát dự báo trận cháy rừng gây nhiều thiệt hại nhân mạng này sẽ làm thức tỉnh người Mỹ. Vấn đề chống biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ trở thành một trong những chủ đề nóng của kỳ tranh cử tổng thống năm 2024.

-Lửa cháy rừng rực ở Lahaina, tối 9-8 Ảnh: REUTERS

-Lửa cháy rừng rực ở Lahaina, tối 9-8 Ảnh: REUTERS

Mỹ tuyên bố tình trạng thảm họa ở Hawaii

Ngày 10-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tình trạng thảm họa ở Hawaii. Trong thông cáo báo chí, Nhà Trắng cho biết ông Biden chỉ thị chính quyền liên bang hỗ trợ bổ sung cho công tác phục hồi của bang và địa phương tại những khu vực bị ảnh hưởng.

Theo đó, những người bị ảnh hưởng tại hạt Maui sẽ nhận được trợ cấp của chính quyền bang để dựng nhà ở tạm và sửa nhà. Chính quyền bang cũng hỗ trợ các cá nhân và chủ doanh nghiệp những khoản vay ưu đãi để bù đắp tổn thất tài sản không có bảo hiểm và một số chương trình khác giúp phục hồi sau thiên tai.

Hàng ngàn du khách vạ vật ở sân bay mong thoát cháy rừng HawaiiHàng ngàn du khách vạ vật ở sân bay mong thoát cháy rừng Hawaii

Cháy rừng lan rộng trên đảo Maui (Hawaii, Mỹ) khiến hàng ngàn du khách mắc kẹt tại các sân bay, khu trú ẩn trong lúc đợi chuyến bay về nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên