11/07/2020 09:10 GMT+7

Hãy cho con được sống!

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, may mắn là có bé được phát hiện sớm nên có cơ hội tiếp tục sống, nhưng cũng có bé phải ra đi mãi mãi...

Hãy cho con được sống! - Ảnh 1.

Bé sơ sinh bị bỏ rơi trong những ngày được chăm sóc tại bệnh viện - Ảnh: BVCC

Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi - những công dân vô tội, các em cũng có quyền được sống như mọi công dân khác.

Xót xa những phận đời

Mới đây, bé Nguyễn Văn An bị bỏ rơi, lúc người dân thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phát hiện ra thì người bé đã bị nhiều kiến bu và có dòi. Bé được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. 

Sau rất nhiều nỗ lực, chiều 29-6 bé đã chết sau 21 ngày được cấp cứu tại bệnh viện và sau 23 ngày chào đời. Ngày 30-6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Sơn Tây, Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thành (31 tuổi, trú tại Lộc Hà, Hà Tĩnh, mẹ cháu bé) để điều tra về hành vi vứt bỏ con mới đẻ.

Hai ngày sau đó, Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM cho biết một người dân phát hiện bé trai bị bỏ rơi ở một hố ga thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Bé không có đồ đạc cá nhân cũng như thông tin liên hệ nên người dân báo công an xã, cùng đưa bé vào bệnh viện. 

Thời điểm vào viện, bé trai nặng khoảng 2,5kg, sức khỏe yếu, rốn chưa cắt bị hoại tử bốc mùi hôi và có dấu hiệu nhiễm trùng. May mắn sau khi được điều trị, sức khỏe của bé trai dần ổn định.

Gần đây nhất, tối 6-7, người dân trong hẻm 38 đường Đô Đốc Long (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM) nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc đã kiểm tra, phát hiện một bé trai còn nguyên dây rốn được bọc trong lớp vải nằm trên ghế đá.

 Rất may bé trai sơ sinh bị bỏ rơi được lực lượng chức năng phường đưa đến Bệnh viện quận Tân Phú chăm sóc kịp thời.

Hãy cho con cơ hội

Thực tế lâu nay có hàng trăm em nhỏ bị cha mẹ ruột bỏ rơi. Phần lớn là vì hoàn cảnh như khó khăn, không đủ khả năng nuôi dưỡng hoặc điều kiện gia đình không cho phép... Có nhiều cách giải quyết khác nếu không muốn nuôi dạy trẻ để trẻ không gặp nguy hiểm khi bị bỏ rơi.

Ông Phạm Đình Nghinh - phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho biết trẻ sơ sinh hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ, do đó các em là nhóm cần phải được bảo vệ đặc biệt. Việc bỏ rơi trẻ sơ sinh, cho dù đó là cha, mẹ hoặc người chăm sóc thì đây đều là hành vi không những sai trái về mặt đạo đức mà còn vi phạm pháp luật...

Trên thực tế, có những trẻ em bị bỏ rơi khi được phát hiện các em đã không còn cơ hội được sống để thấy tương lai ngày mai. Có em may mắn được cứu sống kịp thời, nhưng lại bị tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe, để lại di chứng, sự khủng hoảng về mặt tâm lý đến suốt cuộc đời.

Bà Trần Thị Ngọc Nữ - chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho biết tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hiện nay vẫn còn nhiều, không chỉ trẻ sơ sinh mà cả những trẻ có độ tuổi từ 3-5 tuổi vẫn bị bỏ rơi. 

Nguyên nhân chính là do người làm cha, mẹ chưa có đầy đủ nhận thức về việc nuôi dạy con cái. Bản thân trẻ sinh ra đã trở thành một công dân, có quyền được sống, được bảo vệ như mọi công dân khác.

Theo bà Nữ, muốn ngăn triệt để được hành vi vứt bỏ con, xã hội cần phải chú ý hơn đến đối tượng phụ nữ mang thai. Cần vận động, tuyên truyền kiến thức pháp luật giúp họ hiểu được vai trò của con cái, vứt bỏ những hủ tục như phân biệt giới tính. 

Phải làm sao cho họ hiểu việc vứt bỏ con như vậy là tội ác, phải chịu trách nhiệm ra sao, đồng thời phải có khung hình phạt nhất định, răn đe giáo dục, tuyên truyền về ý thức nuôi dạy con cái...

Những trường hợp không đủ khả năng nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ có thể liên hệ với các cơ quan đơn vị như các hội để được hỗ trợ công ăn việc làm ổn định, hoặc gửi trẻ vào trung tâm bảo trợ, các địa điểm nhận nuôi trẻ uy tín do các hiệp hội giới thiệu để nuôi dưỡng và có thể quay lại nhận con khi cuộc sống ổn định. 

"Muốn vậy công tác tuyên truyền tại các hội luôn phải được đẩy mạnh, kéo dài và xuyên suốt. Ngoài việc quan tâm đến chị em phụ nữ, việc tập huấn cho các cán bộ bảo vệ quyền lợi cho trẻ em và phụ nữ là rất quan trọng" - bà Nữ nói.

Bất cứ lúc nào người dân có thể báo ngay

Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết khi có trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi sẽ được đưa vô các trung tâm bảo trợ xã hội. Tại đây các em sẽ được giáo dục và phát triển bình thường, toàn bộ số tiền nuôi các em sẽ được Nhà nước chu cấp.

Theo ông Tấn, khi người dân phát hiện trẻ bị bỏ rơi, việc đầu tiên cần giúp là đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu sống bé, sau đó sẽ báo lên chính quyền địa phương quận, huyện.

Các cơ quan, đơn vị sẽ chuyển các em đến các trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi dạy các em. Nếu có người muốn nhận con, người nhận sẽ được làm thủ tục hành chính để nhận nuôi bé.

Trường hợp đặc biệt, người dân có thể liên hệ UBND các phường, phòng lao động - thương binh và xã hội các quận, huyện, phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em - bình đẳng giới Sở Lao động - thương binh và xã hội.

Trong trường hợp không biết xử lý và liên hệ với ai, người dân có thể gọi điện nhờ tư vấn và hỗ trợ thông qua các số điện thoại: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em: 111 (24/24), Trung tâm Công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên TP 190054559, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM 18009069.

Bé trai bị bỏ rơi trên ghế đá ở quận Tân Phú đang được bệnh viện chăm sóc Bé trai bị bỏ rơi trên ghế đá ở quận Tân Phú đang được bệnh viện chăm sóc

TTO - Theo lãnh đạo UBND phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM), hiện sức khoẻ của bé đã ổn định, sau thời gian theo dõi thêm tại bệnh viện UBND phường sẽ làm các thủ tục chuyển bé đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (quận Thủ Đức).

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên