13/08/2023 11:41 GMT+7

Hai sáng kiến du lịch dành riêng cho du khách kiều bào

Ngày 8-8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã ký thỏa thuận với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam để tổ chức hai sáng kiến du lịch dành riêng cho kiều bào: Năm du lịch kiều bào và Chương trình du lịch dành riêng cho kiều bào thế hệ 2, 3.

Ngành du lịch Việt Nam ưu tiên cải thiện chất lượng thu hút kiều bào về nước du lịch cảm nhận được sự gần gũi và ấm cúng - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngành du lịch Việt Nam ưu tiên cải thiện chất lượng thu hút kiều bào về nước du lịch cảm nhận được sự gần gũi và ấm cúng - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo số liệu từ ủy ban, từ năm 2009 đến nay mỗi năm có khoảng 700.000 đến 1 triệu lượt kiều bào về nước, tương đương với lượng du khách Nhật Bản - thị trường khách du lịch lớn thứ ba của Việt Nam.

Đã đến lúc xây dựng chương trình du lịch riêng dành cho kiều bào với những ưu đãi mà khách du lịch thông thường không có.

Đại sứ Ngô Hướng Nam

Tiềm năng lớn

Hiện nay, bên cạnh nhu cầu thăm thân nhân, kiều bào còn có nhu cầu về Việt Nam tìm hiểu văn hóa, lịch sử kết hợp nghỉ dưỡng, tìm hiểu cơ hội đầu tư và chữa bệnh. 

Đại sứ quán Việt Nam tại Czech cho biết kiều bào tại đây luôn hướng về quê hương và có nhu cầu về thăm thân nhân lớn. Họ sẵn sàng chi từ 2.000-3.000 USD trong mỗi lần về nước, đây có thể là nguồn thu hàng chục triệu USD mỗi năm cho đất nước bên cạnh kiều hối.

Trong những năm qua, Việt Nam liên tục đạt được nhiều thành tích ấn tượng khi được vinh danh là Điểm đến chơi golf hấp dẫn nhất thế giới, Điểm đến hàng đầu châu Á vì sự bền vững (2021), Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (2022)... Đây cũng là một trong những yếu tố thu hút nhiều kiều bào về nước.

Bên cạnh đó, nền y học nói chung và đông y Việt Nam nói riêng cũng nổi tiếng trong cộng đồng kiều bào. Nhiều người kết hợp khám, chữa bệnh, làm đẹp trong mỗi dịp trở về thăm quê hương.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại sứ Ngô Hướng Nam, phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết nhiều kiều bào dù chỉ đang tham gia các chương trình du lịch phổ thông nhưng vẫn bị tính phí như người nước ngoài.

"Chúng ta không đón kiều bào như khách đến thăm nhà mà cần đặt tâm thế đón người thân trở về thăm gia đình. Sự chân thành, ấm áp, niềm nở là mấu chốt để chương trình này đạt được thành công", đại sứ Ngô Hướng Nam nhấn mạnh.

Do đó, hai sáng kiến du lịch dành cho kiều bào sẽ góp phần giải quyết những tồn tại và bất cập hiện có. Chẳng hạn, trong Năm du lịch kiều bào (tổ chức ở một địa phương mỗi năm), bà con sẽ được giảm giá vé máy bay, nơi ở, dịch vụ ăn uống và ở các điểm tham quan.

Còn Chương trình du lịch dành riêng cho kiều bào thế hệ 2, 3 là mô hình xã hội hóa từ Trại hè Việt Nam (dành cho kiều bào thanh, thiếu niên ưu tú) đã thành công trong 20 năm qua, tập trung kết nối các kiều bào trẻ với cội nguồn, giúp họ hiểu hơn về nguồn gốc, danh tính của mình.

Nhiều góp ý xây dựng

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Mai Trà, 24 tuổi, kiều bào Mỹ đang sinh sống tại bang Nebraska, đánh giá ý tưởng rất hay, tạo cơ hội cho nhiều người quay lại và gần gũi với đất nước, đặc biệt có lợi với những người gốc Việt thường về theo tour du lịch.

Theo chị Trà, ưu đãi chỉ là một phần và Việt Nam cần tập trung cải thiện chất lượng du lịch, tránh việc những người lần đầu về Việt Nam có trải nghiệm không tốt ngay chính trên quê hương. 

Khi về nước, chị Trà không vui khi có cảm giác bị "chặt chém" ở một số địa điểm du lịch do cách nói tiếng Việt "lơ lớ" của mình. Còn chị Jamie Vu, 30 tuổi, kiều bào Mỹ, cho rằng thời hạn thị thực 30 ngày là không đủ để chị có trải nghiệm du lịch trọn vẹn ở Việt Nam.

Chị Trang Đào, 25 tuổi, kiều bào tại Hà Lan, ủng hộ ý tưởng về ưu đãi du lịch cho kiều bào nhưng cho rằng các bạn trẻ người gốc Việt vốn lớn lên trong môi trường văn hóa khác biệt sẽ cần những trải nghiệm hiện đại mà vẫn có cảm hứng truyền thống.

Chị Thu Thuy Pham-Hoang, 30 tuổi, kiều bào Đức, hoan nghênh chương trình dành cho kiều bào thế hệ 2, 3, mong khi các con của chị về nước du lịch sẽ có hướng dẫn viên chuyên nghiệp giới thiệu chính xác, cặn kẽ về văn hóa dân tộc.

Tại hội thảo "Thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển du lịch" hôm 8-8, ông Hoàng Đình Thắng - kiều bào Czech, chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu - cho biết một kiều bào chia sẻ chưa thực có trải nghiệm du lịch cao cấp thỏa mãn ở Việt Nam, bởi dù có phong cảnh thiên nhiên đẹp nhưng quy hoạch các khu nghỉ dưỡng, đường bao ven biển ở Việt Nam chưa phù hợp, bên cạnh khu resort thấp tầng lại có các khách sạn cao tầng.

Ông Thắng đánh giá việc thiếu các đường bay thẳng và ít chuyến bay giữa Việt Nam và các nước châu Âu là một rào cản lớn cần khắc phục nhanh chóng. Từ đầu cầu trực tuyến, bà Erin Phuong Steinhauer, một người Mỹ gốc Việt, nói rằng giá vé máy bay cao (từ 1.000-2.000 USD) là một vấn đề đáng cân nhắc cho mỗi chuyến hồi hương.

Cung cấp cẩm nang tiếng Việt

Bà Erin Phuong Steinhauer chia sẻ rằng nhiều kiều bào trẻ nói tiếng Việt kém nên dần có tâm lý bất an, không thực sự thoải mái khi trở về quê hương. Bà Erin Phuong Steinhauer đề xuất bên cạnh ưu đãi du lịch, kiều bào trẻ cần thêm hỗ trợ từ hướng dẫn viên nói tiếng Anh và cung cấp cẩm nang tiếng Việt khi du lịch cho họ.

Cùng quan điểm, chị Mai Trà đề xuất cần quảng cáo tốt hơn vì nhiều kiều bào không biết tiếng Việt dễ gặp phải các đơn vị tổ chức tour lừa đảo, hoặc họ chỉ có thể chọn tour cao cấp, ở resort nghỉ dưỡng nên nhiều trải nghiệm văn hóa đường phố, dân dã vô cùng hấp dẫn sẽ bị hạn chế.

Khơi dậy nguồn lực kiều bào hồi hươngKhơi dậy nguồn lực kiều bào hồi hương

TTO - Ngày 7-9, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ kiều bào hồi hương và thân nhân kiều bào với chủ đề "Trở về quê hương, đóng góp xây dựng TP.HCM - Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên