22/08/2022 11:41 GMT+7

Hai mẹ con nơi góc nhỏ nghĩa trang

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Chiều chập choạng, nơi góc nghĩa trang quạnh quẽ có một người mẹ lặng lẽ bế con bệnh tật lên chiếc xe lăn đẩy đi hóng mát trước nhà. Cậu con trai 12 tuổi xoay tới xoay lui, ư a, tỏ vẻ thích thú khi mấy ngày mưa chẳng được ra ngoài.

Hai mẹ con nơi góc nhỏ nghĩa trang - Ảnh 1.

Người mẹ nghèo ngày ngày chăm bẵm con bệnh tật - Ảnh: DIỆU QUÍ

"Con thích không?", bà Vũ Thị Thanh Nga (phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM) hỏi con mà như tự sự với chính lòng mình bởi con bà - em Nguyễn Hoàng Gia Anh - từ lúc lọt lòng mẹ đến nay chưa từng nói được một từ nào.

Tiếng u ơ ở góc nghĩa trang

Gia Anh không may mắc bệnh Down từ khi chào đời! Hồi mang bầu và siêu âm mấy lần, bà Thanh Nga không hề phát hiện con mình bất thường, nhưng bé đã được sinh ra trong hình hài trẻ khuyết tật nặng, cả đời không thể tự chủ bản thân kể cả những thứ cơ bản như nói chuyện, ăn uống, vệ sinh cá nhân. Ôm con vào lòng, bà Nga rơi nước mắt rồi chấp nhận số phận. Dù con thế nào, mẹ vẫn yêu thương, không bao giờ lìa con!

Cả bên nội và ngoại của bé không ai mắc căn bệnh này, năm bà Nga sinh con cũng đã 40 tuổi rồi. Chẳng oán trách số phận, bà nghĩ: "Ông trời cho trái nào chịu trái đấy. Con mình sinh ra là máu mủ của mình, nên dù con có thế nào tôi cũng thương, cố gắng nuôi chứ bỏ sao đành".

Sau khi cha mẹ qua đời, anh chị em bà Nga mỗi người một nơi. Nhà cha mẹ không còn nên hồi mới sinh con bà ra ngoài thuê phòng trọ và đi làm hồ để kiếm tiền. Hoàn cảnh khó khăn nên cha của Gia Anh phải đi làm xa ở Bình Thuận, vài tháng mới về thăm con một lần. Chỗ trọ nóng bức, ẩm thấp khiến bé thường xuyên bệnh nặng thêm.

Cách đây 8 năm, được người ta chỉ, bà ôm con đến nghĩa trang Bắc Hợp xin được nương náu nhà tình thương. Nói là nhà nhưng thực chất giống như một phòng trọ bởi diện tích chỉ khoảng 10m², song sạch sẽ. Bếp và toilet mới xây được đặt bên ngoài. Căn phòng nằm ở cuối góc nghĩa trang, kế bên còn là phòng của một cụ bà.

Ở góc nhỏ nghĩa trang này, mẹ con bà Nga chỉ tốn tiền điện nước hằng tháng. Để nuôi con, ba năm nay do không đủ sức khỏe làm hồ, bà chuyển sang chở thuê nước đá, nước ngọt cho đại lý và bán lẻ một ít tại nhà.

Hằng ngày, bà Nga đi làm từ lúc 4h sáng đến 12h trưa mới về. Do đi từ sáng sớm nên bà nhờ ông Hoàng Mạnh Đức, người quét dọn nghĩa trang, trông coi con giúp. Khi nào Gia Anh dậy, ông Đức sẽ gọi điện để bà về cho con ăn sáng rồi lại đi tiếp. Có khi ông gọi một ngày 2 - 3 cuộc, đó là lúc Gia Anh tiểu tiện ra nhà hoặc la hét đòi gì đó. May mắn, chủ làm hiểu hoàn cảnh nên cho bà linh động thời gian về với con.

Ông Đức gắn bó với việc trông coi nghĩa trang đã 10 năm nên rất rõ hoàn cảnh mẹ con bà Nga. Sáng nào ông cũng đến quét mộ, vừa làm vừa ngó Gia Anh. Cậu bé ngủ bên trong, cửa nhà mở nhưng có lớp rào sắt chắn lại.

"Cứ 15 - 20 phút tôi ngó vào nhà một lần, xem cháu thức chưa hay có đi vệ sinh ra nhà không, vì hoàn cảnh nên cô Nga phải để cháu một mình để đi làm. Tôi thương Gia Anh như cháu nội mình", ông Đức trải lòng.

Hai mẹ con nơi góc nhỏ nghĩa trang - Ảnh 2.

Gia Anh được mẹ đẩy xe lăn đi dạo ven nghĩa trang - Ảnh: DIỆU QUÍ

Con thế nào vẫn là con của mẹ!

Bà Nga tâm sự mình cũng không đành lòng để con ở nhà một mình nửa ngày trời. "Cháu không khóc la đòi mẹ, ở nhà tự chơi nhưng mình cũng sốt ruột, nhớ con lắm", bà nói. Thương con, nhiều khi đi làm về thấy Gia Anh không tự chủ được vệ sinh, bôi trét đầy nhà, bà lặng lẽ nước mắt chảy dài.

Mắc hội chứng Down nặng, nên dù 12 tuổi nhưng thần trí của em chỉ như đứa trẻ 1 tuổi, sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Đến giờ ăn, bà Nga đút từng muỗng, khát thì bú bình chứ em không thể cầm ly. Muốn đi vệ sinh, em sẽ có biểu hiện để mẹ biết.

5 năm trước, Gia Anh còn thường xuyên đập đầu mình vào tường, xuống gạch đến sưng trán mỗi lần khó chịu. Những lúc đó, bà Nga lấy thân mình đưa vào cho con đập để con đỡ đau. May mắn là ông trời cũng thương hay sao, sau ba năm, triệu chứng ấy giảm dần và đến nay thì dứt hẳn.

Ở tuổi này, khi những đứa trẻ khác đã vào cấp II thì khung trời của cậu bé kém may mắn này chỉ quẩn quanh trong căn phòng nhỏ ở cuối nghĩa trang. Bà từng đến các trường dạy trẻ khuyết tật để xin cho con đi học. Nhưng trước cái lắc đầu của bà khi được hỏi bé biết tự xúc ăn, cầm ly uống nước, tự tiểu tiện không, nhà trường đành bảo thôi bà về đi. Bà lại lặng lẽ nước mắt chảy dài vì tủi thương con...

Gia Anh đi đứng được nhưng rất xiêu vẹo, cậu loạng choạng vài bước phải ngồi xuống nghỉ mệt. "Nhiều khi nhìn con người ta chạy nhảy, nói cười, con mình suốt ngày a ư rồi nhè nhè mà thương con lắm", bà Nga nghẹn ngào.

Người mẹ 52 tuổi không nhớ đã bao nhiêu đêm rơi nước mắt nhìn con say giấc. Chẳng biết tỏ bày cùng ai, bà tâm sự với con cho thỏa nỗi lòng song cũng như tự nói chuyện với chính mình bởi đứa con ngây dại ấy đâu thể hiểu lòng mẹ. Rồi mấy lần kiệt sức, bà chạy ra nơi yên nghỉ của cha mẹ ở nghĩa trang trước nhà, thắp nén nhang rồi trút hết nỗi lòng trước bia mộ song thân.

Lễ, Tết với mẹ con bà Nga cũng chẳng khác ngày thường. Lâu lâu hội khuyết tật của xóm đạo có việc, bà Nga lấy chiếc xe máy cũ được người ta cho chở con đến. Chiếc xe có thiết kế yên đằng trước, giúp bà đỡ con lên ngồi và dễ quan sát. Xong việc, bà chở con dạo một vòng nhỏ để con xả stress.

Nhà cũng có chiếc xe lăn được tặng, thi thoảng chiều mát, Gia Anh được mẹ dìu lên xe rồi đẩy đi quanh nghĩa trang, ra đến con hẻm phía trước. Mỗi lần như vậy, bé con của mẹ Nga vui lắm.

Những tấm lòng yêu thương

Nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó, huống hồ mắc bệnh nặng như Gia Anh. Cực khổ trăm bề, nhưng điều làm bà Nga an ủi là con biết ôm, biết hôn mẹ, nhưng lâu lâu con cũng... đánh mẹ khi không hài lòng điều gì. Những lúc như thế bà càng đứt ruột thương con hơn.

"Bé không khóc đòi mẹ, như khi tôi đi làm, tôi nói con ở nhà ngoan, mẹ đi làm mua sữa cho con uống, mua cháo cho con ăn thì cháu nó cười. Còn tôi đi công việc thì nói con ngoan, mẹ đi công chuyện một tí mẹ mua sinh tố cho con ăn thì nó nắm chân mình lại, ý không muốn cho đi, mình biết rồi nên ở nhà với con, gác công chuyện lại không đi nữa", bà Nga chia sẻ.

Mỗi tháng, ngoài tiền lương của bà, hai mẹ con còn được nhận sự hỗ trợ của nghĩa trang và địa phương, thi thoảng có các nhà hảo tâm đến tặng quà và tiền. Ông Nguyễn Đức Long, quản trang tại nghĩa trang Bắc Hợp, cho biết những người ở đây rất thương hoàn cảnh mẹ con bà Nga. "Hằng tháng chúng tôi hỗ trợ 10kg gạo, một chai nước mắm và 200.000 đồng. Mới đây cũng xây toilet bên ngoài cho rộng rãi, làm lại mái che dài ra để mưa gió không tạt vào", ông Long nói. Ngoài ra, Gia Anh còn nhận được 960.000 đồng/tháng tiền hỗ trợ trẻ khuyết tật của địa phương.

Những sẻ chia giúp người mẹ ấm lòng trong bóng đêm số phận...

Mẹ sợ chết trước con

Hôm tôi đến, Gia Anh thấy người lạ liền nấp sau lưng mẹ. Bà tâm sự nỗi lo sợ khi mình lớn tuổi, sức khỏe yếu thì con mình biết sống làm sao. "Cố gắng lo cho nó được ngày nào hay ngày đó", bà nói. Tình mẫu tử khiến bà gắng gượng đứng lên. "Ông trời không triệt đường sống của ai bao giờ. Gia Anh không may mắn nhưng bù lại mẹ con tôi được nhiều người xung quanh yêu thương, giúp đỡ, đó đã là phước phần. Còn nhiều hoàn cảnh tội nghiệp hơn mình nữa", bà Nga trải lòng.

Ước mơ một tiếng con gọi "Mẹ ơi!"

Người mẹ đầy nghị lực này tâm sự chỉ mong con luôn mạnh khỏe, có thể nghe hiểu được lời mẹ nói. Và ước mong lớn nhất của bà là được nghe con thốt ra tiếng "Mẹ ơi!" dù biết điều đó rất khó...

Hai mẹ con trên chóp núi Hai mẹ con trên chóp núi

TT - Đó là hai mẹ con đã cưu mang hàng chục đứa trẻ bất hạnh và sống trên đỉnh núi Cấm ở An Hảo, Tịnh Biên (An Giang). Họ sống lặng lẽ, không muốn ai biết đến mình. Từ nơi hoang vắng đó, nhiều đứa trẻ mồ côi đã lớn lên.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên