11/10/2023 10:46 GMT+7

Hà Nội lạc thú giữa 'bộn bề tâm trạng'

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nhớ một Hà Nội đầy lạc thú giữa "bộn bề tâm trạng" trong cuốn sách Hà Nội còn một chút này (NXB Hội Nhà Văn, Nhã Nam ấn hành).

Hai cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - Ảnh: ĐẬU DUNG

Hai cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - Ảnh: ĐẬU DUNG

Hóa ra, Hà Nội những năm gian khó (sau năm 1954 tới hết 1986) lại là quãng thời gian mà Nguyễn Ngọc Tiến cảm thấy "tung hoành" nhất khi viết.

Hà Nội - chốn vui chơi "không phải dạng vừa"

Lúc đó đất nước "bộn bề tâm trạng" khi phải chia làm hai miền. Cuộc cải tạo công thương nghiệp sau đó cũng để lại nhiều ưu tư. Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc (năm 1965, 1972), người dân Hà Nội hết rồng rắn sơ tán, về Hà Nội rồi lại đi sơ tán.

Đó là thời một cân gạo một gia đình cũng phải chia làm ba nơi. Quan niệm về mặt xã hội có nhiều đổi khác. Phụ nữ mà để tóc phi dê, ăn nói điệu đà cũng bị phê phán là lối sống tư sản. Thú chơi và hát cô đầu ở Việt Nam bị cho là "tàn dư" chế độ cũ, các ca nương bị cho là thứ người bỏ đi.

Một số loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống bị mai một, đứt gãy. Mãi tới năm 1986, đất nước đi lên đổi mới, các tiệm nhảy được khôi phục, các quán cà phê ca nhạc, các quán bar ra đời, người dân Hà Nội mới cảm thấy "thở phào".

Thế mà, trong cơn lốc của thời đại, văn chương Nguyễn Ngọc Tiến lại trình diện ra một Hà Nội lấp lánh khí chất hào hoa, thanh lịch.

Những năm 1957-1960, gần trụ sở UBND TP Hà Nội ngày nay, cứ thứ bảy không ít thanh niên Hà Nội lại rủ nhau ra kéo đàn accordion và nhảy đầm.

Tới năm 1972, Hà Nội bước sang một trạng thái hết sức đặc biệt. Các hoạt động văn nghệ gói gọn trong điện ảnh và sân khấu, những quán cà phê đếm trên đầu ngón tay, một số câu lạc bộ như Câu lạc bộ Lao động, Thanh niên không có thẻ thì không vào sinh hoạt được.

Nhưng cũng là thời tưởng chừng nghèo nàn đó, thanh niên Hà Nội rất yêu sách, mượn sách của nhau về đọc, mượn đĩa than của nhau về nghe. Hễ là thanh niên Hà Nội mà "không biết đánh đàn guitar là quá kém".

Nguyễn Ngọc Tiến kể lại thời hoàng kim của sân khấu, người Hà Nội đi xem kịch Lưu Quang Vũ, Xuân Trình đông nườm nượp.

Có không ít người nói nhãn "văn minh", "thanh lịch" được gắn vào Hà Nội từ khi Pháp vào. Nguyễn Ngọc Tiến để lại một phản đề khác - không mới nhưng không phải ai cũng nhìn ra - thông qua công việc khảo cứu của mình.

Với các nguồn sử liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, văn bản thơ Tụng Tây Hồ phú của nhà thơ Nguyễn Huy Lượng, Ca nữ phố Hòe Nhai của hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn (em rể thi hào Nguyễn Du)... được tác giả tổng kết trong bài Những điểm giải trí lừng danh để hiểu đất Thăng Long xưa là chốn vui chơi "cũng không phải dạng vừa đâu".

Nhớ một thuở nhiều ánh sáng

Đọc Muốn cưỡi Dream thì nuôi chó Nhật, Thú chơi xe Harley... để biết đời sống tinh thần của người dân Hà Nội vẫn phong phú và thong dong ngay trong cảnh ngặt nghèo.

Thiếu thốn đủ bề cũng không ngăn được chị em điệu đà, ăn diện, nhuộm quần và áo cho "tông soẹt tông", tóc buộc đuôi gà rất ra dáng. Có cô nhuộm màu đen nên gọi là mốt hắc-mô-ni.

Hoặc trong thời kỳ Pháp tạm chiếm (1947-1954), trẻ con nằng nặc bố mẹ cho đi xem phim thùng ở Bờ Hồ. 

Là thời "hòa bình rực phim màu" như trong thơ Trần Đăng Khoa, dân Hà Nội mê tít phim Ông già Khốt-ta-bít, Hãy tìm tôi nhé, Lionnya.

Học sinh chuyền nhau chép lời bài hát Thời gian ơi ngừng trôi của N. Bakaleynikov, lời của A. Davydov trong phim Sông Đông êm đềm.

Nhà văn đi qua làng Võng Thị nhớ cảnh "đông tiệc rượu, tiếng cầm đà não ruột buổi tà ôi" trong thơ của Nguyễn Huy Lượng; đi qua Hòe Nhai nhớ phường hát "phong lưu" trong thơ tiến sĩ Ninh Tốn.

Đi qua làng làng phố phố, nhớ Hà Nội cũ vẫn đang còn kẹt lại trong một cuốn phim âm bản ngày hôm nay. Đọc tản văn của "sử nhân của Hà Nội" Nguyễn Ngọc Tiến, độc giả gặp lại lớp ngôn ngữ gắn liền với số phận Hà Nội một thời: quần phăng, trò chơi Trí Uẩn, những từ dùng trong các môn thể thao như manh (bóng chạm tay), sú (quả cầu dưới lưới), ka đi tê (hòa nhau), đớp pa chuy (bắn trượt)...

Nguyễn Ngọc Tiến nhớ một thuở đầy ánh sáng trong ký ức, tự tình cùng quê hương đầy thân phận của ông trong sự rộng dài riêng - chung, được cộng hưởng và làm giàu hơn trong một không gian văn hóa Hà Nội chưa bao giờ hết trương nở với bao lớp người đến rồi đi, quấn quýt, thương nhớ nó.

Một Khâm Thiên sầm uất

Năm 1938, đốc lý Hà Nội Henri Virgitti đã nhận xét: Khâm Thiên là một xóm ăn chơi nhất, hiện đại nhất và đắt khách nhất...

Trên một đoạn phố không đầy 800m mà có tới 40 nhà hát với trên 200 con hát, thêm năm tiệm khiêu vũ với khoảng dăm chục gái nhảy và có hai nhà săm cho thuê buồng".

(Trích tản văn Những điểm giải trí lừng danh)

"Giải oan"

Nhà văn ghi ghép, tích cóp các dữ kiện đời sống lẫn tinh thần của người Hà Nội, để "giải oan", để sáng rõ thêm đặc sản của thành phố quê hương - nơi ông được sinh ra và lớn lên, gắn bó cả đời.

Bằng cách đó, chân dung Hà Nội hiện lên bảng lảng phong tình, diễm lệ, hào hoa và có chút kiêu kỳ khá đặc trưng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Hà Nội ‘không đáng sống’ nhưng ‘rất nhiều người đến sống’Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Hà Nội ‘không đáng sống’ nhưng ‘rất nhiều người đến sống’

Nếu phải xếp hạng các đô thị ở Việt Nam, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sẽ xếp Hà Nội vào thành phố không đáng sống. Tuy nhiên, rất nhiều người đến sống, đó là điều hấp dẫn của Hà Nội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên