"Việc lát đá vỉa hè vừa qua, tại sao ban quản lý dự án các quận huyện lại làm không tốt? Quá trình duyệt dự toán thế nào? Có việc "con ông cháu cha" cung cấp vật liệu để hưởng lợi không? Tôi biết là có việc đó" - trước lãnh đạo và cán bộ chủ chốt ngành xây dựng của thành phố mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã bức xúc chỉ rõ.
Không chấp nhận hành vi tiêu cực này, ông đã yêu cầu phải làm rõ, xử lý nghiêm và công khai.
Lát lại nền vỉa hè chỉ là một dự án nhỏ, một lát cắt trong hàng trăm, hàng nghìn dự án đầu tư công trên toàn TP. Vậy nhưng đây không phải là lần đầu người đứng đầu chính quyền TP phải than phiền về nó.
Trước đó khi phát hiện các quận, huyện ồ ạt đào xới những nền gạch còn tốt để thay bằng đá xanh được mua bởi tiền ngân sách, ông đã chỉ đạo phải dừng ngay.
Tại kỳ họp HĐND cuối năm 2017, ông cũng đã phải chua chát thừa nhận trước hội đồng TP việc lát đá "đã để lại dư luận xấu trong cử tri". Sau đó, đích thân ông đã ký văn bản giao thanh tra vào thanh tra, kiểm tra làm rõ những sai phạm và báo cáo kết quả trong tháng 12-2017.
Tuy nhiên đã bước sang năm 2018, việc xử lý vi phạm vẫn đang nằm ở đâu đó trên bàn giấy.
Câu chuyện của vị chủ tịch TP không chỉ giới hạn trong một công trình, dự án.
Còn nhớ đầu năm 2017, ông Chung từng "gây bão" khi quả quyết: "Hơn 180 quán bia trên vỉa hè thì có hơn 150 quán có công an đứng đằng sau". Hay mới đây khi làm việc với ngành thuế TP, ông Chung khẳng định có tình trạng lợi dụng để trục lợi, làm thất thoát nguồn thu của TP. Bởi Hà Nội hiện có 600.000 ôtô, 5,5 triệu xe máy đang lưu thông, nhưng mỗi năm chỉ thu chưa được 100 tỉ đồng phí giữ xe.
Dư luận đánh giá cao những phát ngôn thẳng - thật của vị chủ tịch UBND TP khi đã dám nói ra những điều mà từ lâu "ai cũng biết nhưng không phải ai cũng dám nói".
Đó là tình trạng cài cắm "tay trong", tận dụng "người nhà", trà trộn "sân sau"… của các quan chức lớn, nhỏ vào trong các dự án công để trục lợi. Chuyện này diễn ra ở nhiều lĩnh vực ở Hà Nội và không chỉ có mỗi địa phương này.
Tuy nhiên nếu chỉ "chỉ mặt, đặt tên" là chưa đủ, nếu dừng lại ở khái niệm "tiêu cực", "lợi dụng" vẫn chưa đủ. Phải xem đó là một hành vi tham nhũng tinh vi, hành vi bòn rút trắng trợn tiền ngân sách và cần phải được điều tra, xử lý nghiêm khắc.
Hà Nội là thủ đô của cả nước, nơi pháp luật phải được thượng tôn, nơi chính quyền hành động phải mang tính biểu trưng cao hơn hết. Chính vì vậy với vai trò đầu tàu của mình, phanh phui và xử lý nghiêm khắc các vụ việc ở Hà Nội sẽ là tấm gương để các địa phương khác nhìn vào, noi theo.
Căn cơ hơn, để hạn chế tối đa vấn nạn "con ông cháu cha", điều quan trọng hàng đầu vẫn là tính tự giác, sự trong sạch của mỗi cán bộ.
Thứ đến là các giải pháp giám sát và phòng ngừa hiệu quả như siết chặt quản lý các khâu từ lập dự án, đấu thầu, đến thi công, chất lượng công trình… Còn để dự án khi đã hoàn thành, quyết toán, khi mọi chuyện vỡ lở ra mới xử lý thì công trình đã hư hỏng, xuống cấp, ngân sách thất thoát và người dân lại phải lãnh đủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận