04/01/2018 10:50 GMT+7

Chấp nhận va chạm, tìm lợi ích chung

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Câu chuyện một công chức Hà Nội phải trả đến 345.000 đồng cho 8 tiếng gửi ôtô để đi làm đã trở thành chủ đề tranh cãi gay cấn của nhiều bạn đọc trên Tuổi Trẻ.

Chấp nhận va chạm, tìm lợi ích chung - Ảnh 1.

Đây là khung giá giữ xe mới vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, được thực hiện từ ngày 1-1-2018.

Có ý kiến cho rằng mức giá này là quá cao, nhiều người ki cóp mua được xe hơi sẽ phải "trùm mền" hoặc bán xe vì không kham nổi giá giữ xe ngất ngưởng. Nhưng số khác đông hơn cho rằng mức giá này là cần thiết nhằm hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. 

Cuộc tranh cãi còn kéo dài, tuy nhiên nhiều người sử dụng ôtô phải sớm chọn phương tiện đi lại khác ít tốn kém hơn. Nhiều người cùng điều chỉnh, không cần phải hạn chế, lượng ôtô vào trung tâm Hà Nội sẽ dần giảm bớt.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng - chuyên gia quản lý vận tải, công tác tại Trường ĐH GTVT cơ sở 2 (TP.HCM) - cho rằng quy định của UBND TP Hà Nội đang có sự va chạm dữ dội với cá nhân có ôtô. Nhưng sự va chạm đó lại đúng hướng với xu thế quản lý giao thông của thế giới. Đó là, đương đầu chứ không bịt tai, điều chỉnh chứ không chạy theo nhu cầu. 

Bởi lẽ "miếng bánh" tài nguyên giao thông chỉ có hạn nên buộc phải có những biện pháp điều chỉnh để mang lại lợi ích chung cao nhất, cho dù biện pháp đó đụng chạm đến số đông. 

"Vấn đề là chính quyền phải dám đương đầu, chấp nhận va chạm để kiên quyết triển khai một khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án"

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng

Nhìn rộng ra cả nước, có thể thấy việc ban hành mức giá giữ xe mới của UBND TP Hà Nội là một bước ngoặt trong quản lý giao thông. 

Lâu nay, từ Hà Nội, TP.HCM đến nhiều đô thị khác, các phương án lập lại trật tự, giảm ùn tắc giao thông như làm lệch ca, lệch giờ, thu phí ôtô vào nội ô, công chức đi làm bằng phương tiện công cộng, tăng mức xử phạt... đã được nói đến rất nhiều, rất lâu rồi nhưng việc thực hiện thực sự vẫn chưa quyết liệt, chưa triệt để. 

Có biện pháp đã được nói đến cả chục năm, nhưng việc thực hiện vẫn bế tắc vì vướng vào những tranh cãi không ngã ngũ. Các cơ quan quản lý nhiều khi rơi vào thực hiện các giải pháp chống ùn tắc theo kiểu "đẽo cày giữa đường", trong đó có nguyên nhân ngại va chạm số đông.

Sẽ còn rất sớm để đánh giá hiệu quả toàn diện của việc nâng giá giữ xe tại Hà Nội. Nhưng việc mạnh dạn đưa ra quy định, chấp nhận sự va chạm để tìm lợi ích chung cho số đông là hướng đi cần cổ vũ trong việc lập lại trật tự, giảm ùn tắc giao thông.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên