Khách nước ngoài tham quan một hội chợ ẩm thực tại VN - Ảnh: T.TÂN
Mừng lắm, bởi phát triển du lịch, đón nhiều khách nước ngoài, có nghĩa người dân thêm cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới, con người cởi mở, hội nhập tốt hơn.
Nguy cơ giảm chất lượng
Tuy nhiên trong cái mừng cũng có cái lo. Sự phát triển nóng dẫn đến một số địa phương đang đánh mất tính bền vững của thị trường, khách từ các thị trường truyền thống nói tiếng Anh, Pháp, Đức... không quen kiểu làm ăn chụp giật, những khu du lịch ồn ào nên không còn quay lại. Trong khi đây lại là nhóm khách thường xuyên đi nghỉ dưỡng, tỉ lệ quay lại cao. Nhóm khách từ các thị trường mới của châu Á đến nhiều nhưng không thật bền vững.
Việc phát triển nóng còn để lại hệ lụy hiện nay là đảo lộn quan hệ giữa người sản xuất và người cung ứng. Nhóm khách hàng châu Á thường thích trả tiền mặt cho các dịch vụ, không cần hóa đơn... Cung cách giao dịch này đang ảnh hưởng chất lượng sản phẩm du lịch một cách trầm trọng, nảy sinh các kiểu làm ăn chụp giật, chiếu lệ, rõ nhất là chất lượng các hướng dẫn viên đi xuống.
Thời gian qua đã hình thành những hướng dẫn viên "sitting guide", mà trong giới gọi là "hướng dẫn viên ngồi vìa". Họ kiêm thêm chức năng buôn bán, đổi tiền, trở thành "bình phong" cho các tour du lịch chui, du lịch 0 đồng. Năng lực của họ thui chột theo thời gian vì không được làm đúng vai trò của mình.
Làm sao để phát triển du lịch bền vững trong quá trình tăng trưởng nóng hiện nay là câu chuyện không dễ dàng. Bản thân ngành du lịch Thái Lan, nơi đón hơn 25 triệu khách mỗi năm, cũng đối mặt tình trạng này: lượng khách Âu đến sụt giảm.
Các địa phương cần tỉnh táo, nhận thức kịp thời để cân bằng giữa nguồn khách các thị trường, cùng ngồi lại bàn cách đưa ra những sản phẩm du lịch phù hợp từng đối tượng khách.
Chẳng hạn nếu khách Âu ra biển để tắm nắng, nghỉ dưỡng thì khách Á lại thích đi biển ăn hải sản, mua sắm. Ngay cả trong mua sắm cũng có khác biệt.
Trong khi khách Âu thích mua hàng thủ công mỹ nghệ, lụa, vải, may quần áo thì khách Á lại thích mua thực phẩm như trà, cà phê, hạt điều... Chúng ta phải tôn trọng khách và có những sản phẩm phù hợp để không mất khách.
Phát triển du lịch bền vững phải tạo được liên kết vùng, muốn vậy các địa phương phải giữ được sự khác biệt của mình trong chuỗi liên kết. Vai trò của chính quyền địa phương ở đây rất quan trọng, phải tạo sản phẩm riêng, đa dạng để tăng doanh thu.
TP.HCM có nhiều lợi thế mà nhiều địa phương khác không có như sông rạch chằng chịt ngay trong lòng thành phố, rừng nguyên sinh Cần Giờ, địa đạo Củ Chi... hay những kiến trúc có tuổi thọ trên 300 năm. Đây là những thứ phải bảo tồn để tạo sự khác biệt và níu giữ khách ở lại.
Mỗi thị trường có đặc điểm riêng, chính quyền cần hiểu để duy trì sự cân bằng giữ được cái mới và không bỏ quên cái cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận