09/04/2024 16:13 GMT+7

Giao tranh ở Myanmar leo thang tại biên giới giáp Thái Lan

Trong khi giao tranh leo thang tại khu vực biên giới hai bên, Thái Lan cho biết sẵn sàng sắp xếp chỗ ở cho khoảng 100.000 người phải sơ tán vì chiến sự.

Binh sĩ thuộc phe nổi dậy đứng gác tại một trạm kiểm soát ở bang Shan, phía bắc Myanmar vào tháng 11-2023 - Ảnh: AFP

Binh sĩ thuộc phe nổi dậy đứng gác tại một trạm kiểm soát ở bang Shan, phía bắc Myanmar vào tháng 11-2023 - Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara ngày 9-4 cho biết nước này sẵn sàng tiếp nhận 100.000 người sơ tán khỏi Myanmar, khi giao tranh đang diễn biến tại một thành phố trọng điểm sát biên giới hai bên.

Các lực lượng Myanmar giao tranh dữ dội tại thành phố sát biên giới Thái Lan - Nguồn: AFP

"Chúng tôi đã chuẩn bị một thời gian và có thể tạm thời sắp xếp cho khoảng 100.000 người trong khu vực an toàn bên phía Thái Lan", Hãng tin AFP dẫn lời ông Parnpree.

Thái Lan có chung biên giới trên bộ 2.400km với Myanmar. Hồi cuối tuần, truyền thông khu vực đưa tin có nhiều cuộc đụng độ dữ dội tại thành phố Myawaddy của Myanmar, sát biên giới Thái Lan.

Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, Myanmar hứng chịu cuộc xung đột giữa các lực lượng nổi dậy và chính quyền quân sự.

Theo AFP, giao tranh thường xuyên dọc biên giới Thái Lan - Myanmar khiến nhiều người phải tạm thời chạy trốn đến Thái Lan.

Ông Parnpree cho biết không có "sơ tán hàng loạt", nhưng nhiều người vẫn tràn qua biên giới.

Ngoại trưởng Thái Lan nhấn mạnh biên giới Thái Lan - Myanmar vẫn mở và dòng chảy thương mại giữa thành phố Mae Sot (Thái Lan) và thành phố Myawaddy vẫn bình thường.

"Không có giao tranh, thương mại vẫn tiếp tục, mặc dù đang giảm dần", ông Parnpree nói và cho biết thương mại giữa hai thành phố đã giảm 30% trong năm 2023.

Theo chính quyền quân sự Myanmar, Myawaddy vẫn là cửa khẩu đường bộ nhộn nhịp thứ 3 của Myanmar, với khoảng 1,1 tỉ USD hàng hóa đi qua trong 12 tháng qua.

Cùng ngày 9-4, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết tình hình xung đột tại Myanmar dẫn đến nguy cơ cao cho Thái Lan, và nước này sẽ hưởng lợi đáng kể nếu tình hình tại Myanmar ổn định.

"Chúng ta được hưởng lợi nhiều nhất, nếu Myanmar có thể đạt được hòa bình và phát triển, Thái Lan sẽ được hưởng lợi nhất", ông Srettha phát biểu tại một diễn đàn.

Thủ tướng Thái Lan nói thêm nước này sẽ giữ thái độ trung lập và không can thiệp vào nội bộ của nước khác.

Chính quyền Myanmar và lá bài bầu cửChính quyền Myanmar và lá bài bầu cử

Đối mặt với sức ép lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc chính biến năm 2021, quân đội Myanmar tiếp tục nêu cam kết sẽ tổ chức bầu cử để kêu gọi người dân đoàn kết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên