14/12/2018 19:33 GMT+7

Giáo sư Mỹ: Bắt giám đốc Huawei là đòn kinh tế liều lĩnh

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Giáo sư Jeffrey D. Sachs thuộc Đại học Columbia (Mỹ) cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump đang đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh bằng cách gây hấn với Trung Quốc.

Giáo sư Mỹ: Bắt giám đốc Huawei là đòn kinh tế liều lĩnh - Ảnh 1.

Mạnh Vãn Chu có lẽ là cái tên xuất hiện trên mặt báo nhiều nhất những ngày qua - Ảnh: REUTERS

Tuổi Trẻ Online lược dịch lại bài viết của giáo sư Jeffrey D. Sachs trên báo Financial Review:

Vụ bắt giữ giám đốc tài chính toàn cầu Huawei Mạnh Vãn Chu là bước đi nguy hiểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong cuộc xung đột leo thang với Trung Quốc.

Như Mark Twain từng nói, lịch sử hay lặp lại. Kỷ nguyên chúng ta đang sống ngày càng giống giai đoạn trước năm 1914 (Thế chiến thứ nhất - pv).

Tương tự các cường quốc châu Âu khi đó, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của một chính quyền mong muốn khuất phục Trung Quốc, đang đẩy thế giới đến bờ vực thảm họa.

Bối cảnh vụ bắt giữ CFO Huawei rất hệ trọng. Mỹ yêu cầu Canada bắt người ở sân bay Vancouver trong lúc bà Mạnh Vãn Chu đang quá cảnh chờ đáp máy bay đi Mexico, rồi dẫn độ sang Mỹ.

Một động thái như vậy chẳng khác nào tuyên chiến với cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc. Nó khiến các doanh nhân Mỹ gặp rủi ro "mắc nạn" tương tự ở các quốc gia khác khi đi công tác.

Mỹ ít khi bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp, dù là Mỹ hay nước ngoài, vì các tội danh chống lại công ty họ. Những người này chủ yếu bị bắt khi phạm tội cá nhân, ví dụ tham ô, hối lộ, bạo lực…

Tất nhiên, bắt lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm là điều nên làm, nhưng bắt đầu điều này với một doanh nhân Trung Quốc đình đám thay vì hàng tá CEO và CFO dính chàm của Mỹ, là đòn khiêu khích trắng trợn đối với chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Trung Quốc.

Bà Mạnh bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Nhưng thực tế có hàng tá công ty từng vi phạm như Bank of America, Bank of Tokyo-Mitsubishi, Barclays, BNP Paribas, Crédit Agricole, Deutsche Bank, HSBC… toàn những cái tên lớn nhưng chưa có lãnh đạo nào của họ bị bắt.

Một cách rõ ràng, Mỹ xuống tay với giám đốc Huawei là một phần trong nỗ lực cản phá kinh tế Trung Quốc của chính quyền ông Trump, các biện pháp khác gồm đánh thuế, đóng cửa thị trường phương Tây đối với thiết bị công nghệ Trung Quốc, cấm Trung Quốc mua doanh nghiệp Mỹ, Âu…

Không nói quá khi khẳng định đây là đòn chiến tranh kinh tế, một đòn liều lĩnh. Huawei là một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc, nên không lạ khi nó trở thành đích nhắm của Mỹ.

Động cơ của Washington một phần là bảo hộ thương mại, một phần là địa chính trị.

Mỹ đang lần lượt rút khỏi các thỏa thuận, hiệp ước bị cho là "bất lợi", như Ngoại trưởng Mike Pompeo thừa nhận, nhưng thậm chí trước khi kịp rút một cách đàng hoàng thì Nhà Trắng đã có động thái đơn phương vất chúng sang một bên.

Mỹ tự cho mình quyền hành xử như vậy (cấm các nước khác làm ăn với một bên thứ ba, như Iran, Cuba…), nhưng chắc chắn Mỹ sẽ không chấp nhận nếu Trung Quốc hay nước nào đó yêu cầu công ty Mỹ làm ăn hay không làm ăn với ai.

Xét ở khía cạnh này, vụ bắt giữ chưa từng có tiền lệ giám đốc Huawei Mạnh Vãn Chu càng mang tính khiêu khích hơn.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên