TP.HCM công bố khung các mức thu thỏa thuận đầu năm họcTP.HCM: không thu tiền cơ sở vật chất và tiền vệ sinh
Phóng to |
Một phụ huynh ở Trường THCS Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM) ngạc nhiên khi nhận được tờ thông báo với nội dung: tôi là phụ huynh học sinh tên..., ở lớp..., tự nguyện đóng khoản tiền ủng hộ là .../tháng (tối thiểu 35.000 đồng/tháng) trong buổi họp phụ huynh đầu năm. Khoản tiền này phụ huynh sẽ đóng hằng tháng tại trường. Chị cho biết có người đăng ký đóng 35.000 đồng/tháng, nhưng phần đông đóng 50.000 đồng và 100.000 đồng/tháng mặc dù chính chị không rõ số tiền này dùng vào việc gì, tại sao “tự nguyện” nhưng lại in mẫu sẵn và phát cho tất cả phụ huynh. Chị thắc mắc: “Đầu năm tôi đã đóng gần 1 triệu đồng các khoản tiền. Chưa kể lớp con tôi đang dự kiến mua sắm thêm hai máy lạnh, một tivi tổng trị giá hơn 40 triệu đồng. Rồi lại thêm khoản tiền tự nguyện kiểu bắt buộc này nữa, quá nhiều khoản tự nguyện nhưng không đóng không được”.
Chưa lấy ý kiến đã thu
Về thắc mắc của phụ huynh, ông Đặng Hương, hiệu trưởng Trường THCS Bàn Cờ, lý giải: “Đây là khoản tiền do ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức thu, đóng theo từng tháng nhằm góp vào quỹ khuyến học, hỗ trợ học sinh nghèo, phụ huynh có quyền đóng hoặc không đóng. Trường không thu khoản tiền này ở những học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.
Tại Q.Tân Bình, một phụ huynh có con học lớp 11 cũng ngạc nhiên khi được trường thông báo thu khoản tiền gọi là “tiền duy trì hoạt động” 200.000 đồng/học sinh. Nhà trường giải thích đây là khoản tiền không bắt buộc do ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất nhằm hỗ trợ các hoạt động giáo dục trong nhà trường như khen thưởng, nước uống, phí nhắn tin trao đổi giữa nhà trường và gia đình...
Một phụ huynh có con học lớp 2 tại Q.Bình Tân cho chúng tôi xem tờ giấy thông báo đóng tiền trường đầu năm với 13 khoản, tổng cộng hơn 1,5 triệu đồng/học sinh. Ngoài tiền giấy thi, sổ liên lạc, bao bìa, phù hiệu, hình chụp, nước uống, bảo hiểm, tiền ôn tập thứ bảy, tiền học tin học, còn có các khoản tiền “thu theo đồng thuận của cha mẹ học sinh” đó là hội phí (200.000 đồng/ học kỳ), vệ sinh phí (25.000 đồng/học kỳ) và hội khuyến học (50.000 đồng/học kỳ). Chị thắc mắc: “Nói là đồng thuận nhưng đầu năm chưa lấy ý kiến phụ huynh thì đã thu rồi, phát giấy về nhà như thế này phụ huynh không đóng cũng không được”. Trong khi đó, đại diện ban giám hiệu nhà trường cho biết những khoản thu “đồng thuận” này được ban đại diện cha mẹ học sinh họp và đưa ra từ... cuối năm học trước. Như vậy những khoản thu này đều được thu trước khi có đại hội ban đại diện cha mẹ học sinh nhiệm kỳ mới.
Chưa thu?
Một phụ huynh Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Gò Vấp bức xúc gọi điện cho Tuổi Trẻ: “Ngoài các khoản tiền như mọi năm, nhà trường còn thông báo sẽ thu khoản “Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục” 300.000 đồng/học sinh. Tôi không thể hiểu được khoản tiền này sẽ dùng vào việc gì”. Trong khi đó ông Huỳnh Trọng Phúc, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực, cho rằng: “Khoản tiền đó là do phụ huynh học sinh vận động để thực hiện bốn công trình của phụ huynh: khen thưởng cho học sinh khá, giỏi; hỗ trợ việc tu bổ cơ sở vật chất của nhà trường; hỗ trợ khen thưởng giáo viên giỏi; hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự trước cổng trường. Vì là công trình của phụ huynh nên việc có đóng góp hay không là quyền của phụ huynh chứ không có sự bắt buộc nào ở đây. Hiện nhà trường cũng chưa tiến hành thu khoản này, nếu phụ huynh đồng thuận thì đến tháng 10-2013 chúng tôi mới thu” - ông Phúc nói.
Tương tự, tại Trường tiểu học An Lạc 3 (Q.Bình Tân), có phụ huynh phản ứng việc nhà trường thu quỹ hội phụ huynh 50.000 đồng/tháng, tiền khuyến học 30.000 đồng/năm. Nhà trường cho biết đây đều là những khoản thu hỗ trợ học sinh do ban đại diện cha mẹ học sinh dự kiến và đưa ra lấy ý kiến đồng thuận nhưng hiện nay chưa thu. Phía nhà trường có vai trò theo dõi, điều chỉnh những khoản thu thỏa thuận này, nếu quá cao thì giảm lại. Việc đóng hay không và đóng bao nhiêu là tùy tâm phụ huynh chứ không hề bắt buộc.
Những ngày đi thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu hết các khoản thu do nhà trường tự đặt ra (không nằm trong quy định) đều có dự kiến để mua sắm, tu bổ cơ sở vật chất, chăm lo cho học sinh nghèo, học sinh giỏi... Người viết bài này cũng rất hiểu và thông cảm với ban giám hiệu các trường, phải thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục trong hoàn cảnh khó khăn, ngân sách nhà nước eo hẹp như hiện nay. Tuy nhiên, cách xã hội hóa “đổ đồng”, tận thu của cả những phụ huynh khó khăn chắc chắn sẽ gây bức xúc cho xã hội. Khi có phản ảnh của phụ huynh, nhà trường đều đổ lỗi “do ban đại diện cha mẹ học sinh vận động, hoàn toàn tự nguyện chứ không bắt buộc”. Không bắt buộc nhưng khi nhà trường gửi giấy báo đóng tiền cho phụ huynh lại ghi cả khoản “vận động” vào thì có phụ huynh nào dám không đóng!
Theo ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thực hiện chủ trương của UBND TP, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Không chỉ vận động phụ huynh đóng góp vật chất mà cả về trí tuệ, sức lực cho giáo dục.
Riêng việc vận động đóng góp tiền bạc, sở đã có văn bản yêu cầu các trường phải tổ chức đại hội cha mẹ học sinh. Trong đại hội đó, phụ huynh sẽ thảo luận về những công trình hỗ trợ việc dạy và học của trường. Cuối cùng phải có nghị quyết của đại hội cha mẹ học sinh rồi mới được kêu gọi phụ huynh đóng góp. Phần đóng góp này chính là khoản thu tài trợ mà văn bản của liên sở GD-ĐT và Tài chính đã hướng dẫn. Thu tài trợ phụ thuộc vào sự tự nguyện và điều kiện kinh tế của phụ huynh, các trường không được đặt ra khoản cố định “bổ đầu” mỗi phụ huynh.
Riêng khoản quỹ hội cha mẹ học sinh là do các phụ huynh tự thu, tự quản lý và có cách sử dụng phù hợp, ban giám hiệu các trường không được thu khoản tiền này.
Ông Nam khẳng định: “Liên sở Tài chính và GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn về thu - chi đầu năm học 2013-2014. Trong đó, ngoài khoản học phí còn có khoản thu hộ - chi hộ; khoản thu theo thỏa thuận và thu tài trợ như tôi đã nói ở trên. Trường nào đặt ra thêm các khoản khác là sai quy định”.
Chỉ trong 20 ngày từ 1 đến 20-9- 2013, đường dây nóng của Tuổi Trẻ đã nhận được 111 thông tin, phản ảnh từ bạn đọc về các vấn đề giáo dục, trong đó 29 phản ảnh liên quan đến tiền trường, quỹ phụ huynh, học phí, 5 phản ảnh về việc dạy thêm, học thêm, 2 phản ảnh về đạo đức giáo viên, 1 phản ảnh về lương, thưởng của giáo viên và nhiều thông tin khác xung quanh các vấn đề học đường cùng các góp ý cho ngành giáo dục. Mời bạn đọc tiếp tục cung cấp thông tin liên quan đến giáo dục và viết bài cộng tác cho các chuyên mục của trang giáo dục như “Giáo dục dưới mắt mọi người”, “Sổ tay”, “Giáo dục các nước”... Đối với những thắc mắc của phụ huynh học sinh về vấn đề thu tiền đầu năm, báo Tuổi Trẻ sẽ chuyển cho thanh tra Sở GD-ĐT xác minh và xử lý. Sau đó thanh tra sở sẽ trả lời cho phụ huynh thông qua báo Tuổi Trẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận