06/12/2018 09:03 GMT+7

Giải phóng mặt bằng: cần hành lang pháp lý riêng

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - Trong bối cảnh người dân khổ sở vì chuyện kẹt xe, ngập nước thì hàng ngàn tỉ đồng ngân sách cho lĩnh vực giao thông TP.HCM chưa thể giải ngân, hàng chục công trình giao thông, công trình chống ngập chậm tiến độ. Vì sao?

Giải phóng mặt bằng: cần hành lang pháp lý riêng - Ảnh 1.

Nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2, TP.HCM thi công chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Riêng ở lĩnh vực giao thông còn khoảng 1.900 tỉ đồng chưa giải ngân, trong đó có tới 58 dự án với số tiền 940 tỉ đồng do chậm giải phóng mặt bằng. Khâu chống ngập nước được bố trí 1.129 tỉ đồng nhưng chỉ giải ngân được 53%.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các sở ngành, cơ quan và đơn vị khác cũng khá chậm. Phần nhiều có liên quan đến khâu giải tỏa đền bù.

Công tác "bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" thường dẫn đến khiếu nại kéo dài do liên quan đến lợi ích, cuộc sống người dân. Tiến độ càng chậm hơn nếu chính quyền địa phương chưa làm tốt vai trò quản lý, vận động, giải thích cho người dân hiểu để ủng hộ chủ trương chung.

Ngoài giải tỏa, đền bù nhà đất của dân, nhiều dự án phải di dời các công trình kỹ thuật (cấp điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp thoát nước, cây xanh...).

Công trình nào cũng thủ tục, trình tự theo quy định, có thể kéo dài vài năm mới xong. Sau đó mới triển khai việc khảo sát xây dựng, thiết kế, dự toán xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, chọn thầu, ký kết hợp đồng, giám sát xây dựng và triển khai thi công.

Chậm trễ mặt bằng hoặc vướng thủ tục dẫn tới chậm trễ tiến độ giải ngân, làm đội vốn đầu tư công. Giải phóng mặt bằng càng sớm càng lợi, ổn định cuộc sống người dân. Muốn vậy, chính sách bồi thường phải phù hợp với giá chuyển nhượng trên thị trường.

Cần quan tâm chính sách an sinh xã hội, dạy nghề cho người bị thu hồi đất. Chính quyền địa phương minh bạch các chính sách, tích cực trong giải phóng mặt bằng.

Cần hành lang pháp lý ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng. Nên chăng với các dự án có "bồi thường, hỗ trợ, tái định cư", sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, các quận huyện tách riêng nội dung "bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" thành dự án độc lập với nguồn vốn riêng để triển khai trước, không chờ đến khi duyệt xong dự án đầu tư xây dựng.

Như vậy, dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ.

Chỉ triển khai thi công khi đã giải tỏa mặt bằng trên 80%, không nhận mặt bằng "da beo". Như vậy sẽ đỡ lãng phí hơn khởi công rồi để công trường dở dang, gây bức xúc cho người dân, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông.

TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên