01/05/2024 12:42 GMT+7

Gắn chip để định danh chó, mèo ra sao?

LÊ NAM
và 1 tác giả khác

Nhiều bạn đọc quan tâm việc TP.HCM đề xuất gắn chip cho chó, mèo. Thực tế các nước trên thế giới gắn chip cho chó, mèo ra sao?

Bác sĩ thú y cấy chip cho chó con và mèo con ở tỉnh Saitama, Nhật Bản vào năm 2021 - Ảnh: THE ASAHI SHIMBUN

Bác sĩ thú y cấy chip cho chó con và mèo con ở tỉnh Saitama, Nhật Bản vào năm 2021 - Ảnh: THE ASAHI SHIMBUN

Nhiều nơi bắt buộc gắn chip cho chó, mèo để giảm số lượng thú cưng đi lạc, tăng trách nhiệm của chủ nuôi. Có nơi lại xảy ra chuyện "bất công" trong gắn chip cho chó, mèo.

Singapore: Mèo chưa được "bình đẳng" như chó

Cách đây mấy tháng, Đăng - bạn tôi - có nhận nuôi một con mèo từ Cat Welfare Society (Hiệp hội Phúc lợi mèo) và đặt tên nó là Passenger (tạm gọi là Hành khách). Cái tên Passenger khiến nó nổi tiếng cả khu hàng xóm nhà Đăng, vì mỗi lần nó trốn đi chơi, bố con Đăng phải lặn lội đi tìm và réo tên nó lên.

Passenger vốn dĩ là một chú mèo hoang, người chủ trước Đăng đã nhặt nó ngay dưới gầm cầu vượt ở đường cao tốc. Passenger đã được gắn chip và đánh nhau suốt với các con mèo hàng xóm. Vì thế họ phải gửi nó tới Cat Welfare Society tìm người nuôi giúp, và thế là Passenger đến nhà Đăng.

Luật ở Singapore bắt buộc gắn chip cho chó nuôi trong nhà (kiểu nuôi thú cưng), nhưng với mèo hiện chưa có quy định bắt buộc chuyện này. Passenger là trường hợp được khuyến khích. Riêng chó, mèo được mang từ nước ngoài vào thì bắt buộc gắn chip theo dõi.

Mới đây Cơ quan Dịch vụ thú y và động vật (AVS) tiến hành khảo sát những người nuôi mèo. 80% ý kiến đồng ý phải gắn chip, cấp giấy phép đăng ký cho mèo và coi nó là một thú cưng ngang hàng như… chó.

Sở dĩ có chuyện này vì từ năm 1989, con mèo chưa từng được cho phép nuôi trong các căn hộ chung cư do chính phủ xây, gọi tắt là HDB. Việc cho con mèo vào sống chung với chủ trong các căn hộ HDB từng được mang bàn trong kỳ họp Quốc hội Singapore năm 2011, nhưng quyết định này chỉ mới được thay đổi vào tháng 12-2023.

Lý do mèo không được đối xử bình đẳng như… chó là vì hay rụng lông, dễ đi lạc vào nhà người khác và đến mùa sinh sản tiếng mèo gào thét trong đêm… gây khiếp sợ nhiều người.

Hồi mới vào sống trong căn hộ HDB ở Bukit Purmei, tôi thấy lạ là các cửa sắt phía sau nhà tôi và nhiều nhà khác đều rào kín phần bên dưới. Hỏi ra mới biết là họ sợ mèo chui vào nhà và chẳng may bị ai đó méc ban quản lý thì chỉ biết đi đóng phạt.

Theo quy định, hành vi cho mèo vào trong nhà HDB có thể bị phạt ít nhất 2.000 SGD (hơn 36 triệu đồng). Thậm chí nếu bị méc "dung dưỡng" cho con mèo ở hành lang nhà chung cư thì cũng phải đóng phạt 2.000 SGD.

Tháng 2-2018, cô Siti Hasmirah Hamidon đã bị tòa án Singapore tuyên phạt 6.500 SGD (khoảng 120 triệu đồng) vì tội đã bán hai con mèo cho bạn và "lỡ" nuôi 12 con khác trong căn hộ của bạn cô ở HDB Buangkok Crescent mà không xin phép.

AVS lý giải việc gắn chip và đăng ký nuôi thú cưng để đảm bảo rằng thú cưng có thể được truy tìm và trả lại cho người nuôi nếu nó bị lạc. Nói thêm là từ năm 1953, Singapore đã tuyên bố là quốc gia không có bệnh dại từ chó, mèo nên việc gắn chip không phải để tầm soát bệnh dại hay khả năng lây lan, phát sinh bệnh...

Chủ sở hữu và người chăm sóc các vật nuôi khác như mèo, chim lớn, thỏ được khuyến khích gắn chip và đăng ký giấy phép với AVS. Người nuôi có thể đăng ký online thông tin chi tiết về giống động vật, tên chủ vật nuôi và số liên lạc với AVS.

Gắn chip ở đâu trên chó, mèo?

Hiệp hội Thú y Úc ủng hộ việc đăng ký bắt buộc và định danh vĩnh viễn cho chó, mèo, theo quan điểm hiệp hội đưa ra trong một báo cáo về luật động vật soạn thảo năm 2019.

Cả chó và mèo nên được gắn chip định danh để cung cấp mọi thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia, và chủ nuôi luôn cập nhật thông tin về thú cưng của họ trên hệ thống.

Những con chip này giúp chủ nuôi tìm được thú cưng đi lạc và quản lý tốt hơn tình hình sức khỏe của chúng.

Từ tháng 5-2019, một thành phố thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) bắt đầu đẩy mạnh việc gắn chip hoặc thẻ thông minh cho thú cưng, đặc biệt chó, để giảm số lượng vật nuôi đi lạc và tăng trách nhiệm của chủ nuôi, theo Tân Hoa xã.

Chó nuôi trong "khu vực quản lý nghiêm ngặt", chủ yếu là khu đô thị và đường phố, phải được gắn chip và thẻ thông minh chứa thông tin nhận dạng của chúng.

Tại Ấn Độ, chính quyền lên kế hoạch loại bỏ bệnh dại trước năm 2030, dù gặp nhiều thách thức trong quản lý vật nuôi cũng như chó hoang, theo nhật báo Deccan Herald.

BBMP, cơ quan hành chính đô thị quản lý tài sản dân sự và cơ sở hạ tầng của khu vực đô thị Greater Bangalore, muốn hoàn thành mục tiêu sớm vào năm 2025, vì vậy đã mở rộng quy mô các chương trình liên quan như kiểm soát sinh sản ở động vật, tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại và gần đây là gắn chip cho thú nuôi.

"Gắn chip cho thú cưng giúp cung cấp tất cả thông tin nhận dạng và tình trạng tiêm chủng của chúng", một đại diện của cơ quan BBMP cho biết.

Chương trình kiểm soát sinh sản ở thú cưng áp dụng tại Ấn Độ được xem như một giải pháp giúp giảm số lượng động vật và phòng chống bệnh dại, theo BBMP.

Kể từ tháng 6-2022, Nhật Bản ban hành lệnh yêu cầu người bán thú nuôi phải gắn chip điện tử cho tất cả chó và mèo, để ngăn chặn chủ nuôi bỏ rơi thú cưng và giúp nhận dạng người nuôi khi có thiên tai xảy ra, theo nhật báo The Asahi Shimbun.

Chip hình trụ dài 10mm với đường kính 2mm được cấy ở dưới da cổ của chó và mèo.

Băn khoăn về việc gắn chip sẽ hạn chế chó, mèo thả rông, tài khoản COC bình luận: "Gắn chip chỉ để xác định chủ vật nuôi sau khi chó, mèo thả rông bị bắt đưa về trung tâm thôi.

Ý thức của chủ vật nuôi là quan trọng và phải đánh mạnh bằng luật pháp mới thay đổi được".

Gắn chip sẽ hạn chế chó, mèo thả rông?Gắn chip sẽ hạn chế chó, mèo thả rông?

Việc đề xuất gắn chip thí điểm cho chó, mèo tại TP.HCM được nhiều người ủng hộ. Nhưng chi phí, cách gắn chip ra sao để không ảnh hưởng đến sức khỏe thú cưng... đang được các chủ nuôi quan tâm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên