Đó là một trong những nội dung định hướng trong quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM xây dựng và trình UBND TP.HCM xin chủ trương.
Nuôi chó, mèo phải đăng ký, kê khai định kỳ 2 lần trong năm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục đích của quy định này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách về hoạt động chăn nuôi, quản lý chó, mèo đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân.
Cùng với đó xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả, đảm bảo quyền gia súc cho chó, mèo. Tăng cường ý thức của cộng đồng về trách nhiệm nuôi dưỡng chó, mèo và đối xử nhân đạo đối với hai vật nuôi này.
Quy định này khi ban hành sẽ điều chỉnh hoạt động nuôi chó, mèo làm cảnh, kinh doanh, dịch vụ lưu trú, cứu hộ động vật và các mục đích khác trên địa bàn TP.HCM.
Quy định tạm thời quản lý chó, mèo ở TP.HCM có gì mới, làm sao chấp hành cho đúng?
Theo dự thảo nội dung chính được trình, chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã. Khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip (chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý) trên chó, mèo nhằm quản lý thông tin ở mức độ cá thể (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...).
Người dân nuôi chó, mèo phải kê khai định kỳ 2 lần/năm; kê khai đột xuất trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Mặt khác chủ vật nuôi phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.
Tiêm phòng bắt buộc, ra nơi công cộng phải rọ mõm, có người dắt
Chủ nuôi phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc đối với bệnh dại của chó, mèo theo quy định để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con người, chó và các vật khác. Chủ vật nuôi chấp hành các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đáng chú ý, chủ vật nuôi không được thả rông chó nơi công cộng, không để chó tấn công người, chó và các vật nuôi khác. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi bảo đảm an toàn cho người xung quanh. Chó phải được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt.
Chấp hành các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất nhập khẩu theo quy định và đảm bảo các quy định về tổ chức hội thi, triển lãm, đua chó.
Ngoài ra chủ vật nuôi phải đăng ký và cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định hiện hành.
Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn dẹp chất thải do chó thải ra nơi công cộng. Có biện pháp giữ gìn vệ sinh, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Tất cả các chất thải phân đều được xử lý hợp vệ sinh.
Chuồng phải giữ sạch sẽ để tạo sự thoải mái cho chó và để kiểm soát dịch bệnh. Phân phải được loại bỏ thường xuyên để giảm mùi hôi.
Chuồng nuôi chó dữ phải đảm bảo không để mọi người tiếp cận chó dữ, có bảng cảnh báo chó dữ. Chuồng nuôi cũng cần chỗ ngủ phù hợp với điều kiện thời tiết, diện tích sàn tối thiểu 10m²/con, chiều cao chiều rộng tối thiểu 1,8m.
Tường sàn mái và cổng chuồng phải tuân theo các quy định chi tiết.
Số lượng nuôi chó, mèo quy định như thế nào?
Theo dự thảo quy định, số lượng vật nuôi quy định số lượng nuôi nhỏ là từ dưới 10 con chó hoặc dưới 20 con mèo; số lượng nuôi vừa là nuôi từ 10 con đến dưới 50 con chó hoặc nuôi từ 20 con mèo đến dưới 100 con mèo.
Riêng số lượng lớn từ 50 con chó trở lên hoặc từ 100 con mèo. Trong trường hợp hộ dân vừa nuôi chó và mèo thì tính một con chó tương đương hai con mèo.
Thăm dò ý kiến
Nhằm quản lý tốt hơn việc nuôi thú cưng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM xây dựng và trình UBND TP xin chủ trương: nuôi chó, mèo phải đăng ký, khuyến khích gắn chip. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận