Sáng 9-4, đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TP.HCM) ra quân kiểm tra, vây bắt chó thả rông trên địa bàn.
Nuôi chó ở đâu là quyền của người nuôi?!
Ngay khi ra quân, đội bắt chó thả rông phát hiện một hộ dân nuôi chó ngay chân cầu thang thoát hiểm lô A1 của chung cư Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức). Người dân ở chung cư cho biết từ lâu họ không dám đi qua cầu thang này mà phải "né" sang lối khác.
Khi lực lượng đến nhắc nhở, chủ nuôi chó cho rằng đây là khuôn viên chung cư, nuôi ở đâu là quyền của người dân.
Anh Mai Hoàng Tiến (quản lý đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh) cho biết đã nhắc nhở chủ nuôi chó tại đây nhiều lần nhưng người nuôi không khắc phục, mỗi tuần đều nhận được thông tin phản ánh của người dân chung cư.
“Tuần sau nếu tình trạng này chưa được khắc phục, chúng tôi sẽ cưỡng chế, mang chó về trại tập trung chó thả rông”, anh Tiến nhắc nhở chủ nuôi.
Dân mừng vì có đội bắt chó thả rông
Đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh ra quân mỗi tuần 2 lần, đây cũng là một trong những phường đầu tiên tại TP.HCM có đội bắt chó thả rông.
Theo anh Mai Hoàng Tiến, đến nay đội đã hơn 60 lần ra quân bắt chó thả rông, mỗi lần bắt được 10 - 15 con, đã bắt tổng cộng hơn 200 con chó. Nhờ vậy, số chó thả rông tại phường đã giảm đáng kể, hơn 70%.
Từ khi phường thành lập đội bắt chó thả rông, người dân nơi đây rất ủng hộ.
Anh Nguyễn Hữu Đạt (32 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh) cho rằng đây là việc làm vô cùng cấp thiết. Từ khi đội bắt chó được thành lập, anh đã không còn “sợ chó rượt” mỗi lần ra đường.
“Đây là việc làm cần nhân rộng ra các phường, quận khác, nhằm hạn chế tình trạng chó phóng uế hôi thối cũng như bảo vệ cho người đi đường, đảm bảo mỹ quan đô thị, nhất là trong tình hình bệnh dại bùng phát như hiện nay”, anh Đạt nói.
Tuy vậy, vẫn còn một số người dân (chủ yếu người nuôi chó thả rông) phản đối hoặc khi thấy đội bắt chó thả rông liền ôm “cún cưng” tháo chạy. Khi “cún cưng” bị bắt lập tức phản ứng, dọa nạt, thậm chí chửi mắng lực lượng bắt chó.
Nhiều chủ nuôi cho rằng nên đóng phạt và trả chó lại tại chỗ, không nên bắt về phường, chủ nuôi phải lên ký biên bản cam kết, nộp phạt... mới được nhận chó lại. Như vậy là làm khó người dân. Trong khi đội bắt chó thả rông cho rằng việc làm trên là đúng quy trình.
Theo anh Tiến, trong số hơn 200 chó thả rông bị bắt, số chủ nuôi lên ký biên bản cam kết và đóng phạt, chuộc chó về chiếm hơn 70%.
Theo quy định, mức phạt đối với lỗi chó thả rông 400.000 đồng và 1.500.000 đồng đối với lỗi không đeo rọ mõm chó.
Sau 48 giờ, nếu không có người đến nhận, chó thả rông sẽ được bàn giao cho trường trung cấp nông nghiệp, đơn vị thú y để nghiên cứu khoa học, xử lý theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận