30/12/2015 08:17 GMT+7

Giải pháp hạn chế tranh chấp tại các chung cư

K.YÊN ghi
K.YÊN ghi

TTO - Thực trạng "Tranh chấp tại các chung cư: Giằng co chưa có hồi kết" (Tuổi Trẻ ngày 29-12) được nhiều cư dân, ban quản trị chung cư quan tâm, bàn luận nhằm tìm giải pháp hạn chế tranh châp.

Tuổi Trẻ tiếp tục giới thiệu một số ý kiến dưới đây:

Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):

Đại hội nhà chung cư phải dân chủ

Trước mắt phải làm văn bản thay thế quyết định 08 năm 2008 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư vì quy định này không còn phù hợp với những diễn biến thực tế hiện tại cũng như về pháp lý.

Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư phải có những quy định chặt chẽ để hội nghị nhà chung cư thật sự dân chủ, thể hiện ý chí của số đông cư dân.

Tại hội nghị nhà chung cư cũng cần có sự hiện diện của UBND cấp phường, đại diện của cơ quan quản lý nhà cấp quận, tổ dân phố, ban điều hành khu phố để bảo đảm đại hội nhà chung cư diễn ra đúng quy định, nghiêm túc và chọn được người đáng tin cậy vào ban quản trị.

Ngoài ra, ban quản trị phải được quyền thuê người để thực hiện các chuyên môn như kế toán và cần có quy định về tài khoản của phí quản lý, tài khoản của phí bảo trì.

Quy chế quản lý nhà chung cư phải dự liệu được những tình huống thực tế phát sinh trong nhà chung cư của tất cả các quan hệ giữa cư dân với ban quản trị, chủ đầu tư và đơn vị quản lý, giữa ban quản trị với đơn vị quản lý, ban quản trị với chủ đầu tư, đơn vị quản lý với chủ đầu tư, giữa tất cả các bên trong nhà chung cư với chính quyền sở tại...

Ngoài ra, quy chế quản lý chung cư cần phải quy định chặt chẽ về việc quản lý, sử dụng không gian, diện tích thuộc sở hữu chung sao cho hợp lý, chặt chẽ, tiết kiệm và tạo được nguồn thu để phục vụ lại việc chung cho toàn chung cư.

Ông Nguyễn Đình Chung (phó ban quản trị chung cư 584 Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú, TP.HCM):

Phân biệt sở hữu chung - riêng rõ ràng

Từ thực tế tranh chấp ở chung cư 584, chúng tôi rất cần những quy định cụ thể về việc sử dụng các phần diện tích sở hữu chung, riêng đến từng mét vuông trong toàn bộ khuôn viên chung cư, cách quản lý, sử dụng, khai thác các diện tích này như thế nào.

Như vậy, khi đi mua căn hộ, người dân chỉ phải quan tâm đến những chuyện cốt lõi của vấn đề như giá cả, vị trí, diện tích... và đương nhiên được hưởng những tiện ích và diện tích được sở hữu chung kèm theo. Quy định hiện hành để ngỏ quá nhiều điều kiện về sở hữu chung - riêng để chủ đầu tư và người mua nhà thỏa thuận.

Nhưng thực tế, hợp đồng mua bán nhà do chủ đầu tư định sẵn, người mua khó thương lượng thay đổi và ít ai có đủ kiến thức, khả năng để tính toán đến từng tiện ích, từng phần diện tích trong nhà chung cư. Kết quả là cư dân thiệt thòi và phát sinh tranh chấp khi những điều kiện cần thiết trong chung cư không được đáp ứng.

Ngoài ra, phải làm sao chế tài chủ đầu tư một cách hiệu quả để ban quản trị chung cư nhận được trên thực tế kinh phí bảo trì chung cư. Quy định hiện hành có nói UBND cấp tỉnh sẽ quyết định cưỡng chế chủ đầu tư giao phần tiền này nhưng cưỡng chế như thế nào, ai được quyền phong tỏa tài khoản ngân hàng, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản của chủ đầu tư...?

Người dân có phải tìm tài sản của chủ đầu tư để báo cơ quan chức năng như người yêu cầu thi hành án hay không...?

Làm đúng Luật nhà ở sẽ giảm tranh chấp

Khác với trước đây, Luật nhà ở 2014 có phần giải thích về nhà chung cư và trong một chương riêng về việc quản lý, sử dụng nhà chung cư có đưa ra thêm nhiều quy định chi tiết. Theo đó, các nội dung thường gây ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và các cư dân đều đã được tính đến để có sự điều chỉnh.

Đơn cử, luật này có quy định về phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung; chỗ để xe và việc xác định diện tích sử dụng căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư; giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu...

Ngoài ra, luật này cũng quy định rõ thẩm quyền giải quyết những tranh chấp phát sinh trong trường hợp các bên không thể hòa giải được. Cụ thể, tranh chấp về hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư do tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật.

Còn các tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư do UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở đó giải quyết; trường hợp không đồng ý với quyết định của UBND cấp tỉnh thì có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Như vậy, theo tôi, để hạn chế tranh chấp thì khi mua bán các bên phải thỏa thuận đầy đủ những nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư và thực hiện đúng hợp đồng. Trường hợp có vi phạm và tranh chấp thì có thể làm đúng theo quy định nêu trên của Luật nhà ở để khởi kiện ra tòa giải quyết...

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)

K.YÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chung cư tranh chấp
    Tu\u1ed5i Tr\u1ebb ng\u00e0y 29-12) \u0111\u01b0\u1ee3c nhi\u1ec1u c\u01b0 d\u00e2n, ban qu\u1ea3n tr\u1ecb chung c\u01b0 quan t\u00e2m, b\u00e0n lu\u1eadn nh\u1eb1m t\u00ecm gi\u1ea3i ph\u00e1p h\u1ea1n ch\u1ebf tranh ch\u00e2p." />