26/11/2021 13:44 GMT+7

Giải pháp gì để hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bom mìn sau chiến tranh?

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Tăng cường thu thập thông tin nạn nhân bom mìn hằng năm; đẩy mạnh khai báo tình trạng khuyết tật; sớm có đề án phát triển cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng… là các giải pháp được đưa ra.

Giải pháp gì để hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bom mìn sau chiến tranh? - Ảnh 1.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tăng cường công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn năm 2021 - Ảnh: HÀ QUÂN

Đó là các giải pháp được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tăng cường công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn năm 2021 tổ chức sáng nay 26-11 ở Hà Nội.

Nhiều giải pháp cụ thể

Dẫn lại báo cáo giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan cho hay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam còn khoảng 800.000 tấn, nằm rải rác trên tổng diện tích khoảng 6,1 triệu ha (gần 19% tổng diện tích cả nước). 

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ làm hơn 4 vạn người chết, 6 vạn người bị thương, đa số là lao động chính trong gia đình.

Riêng trong năm 2020, ngân sách nhà nước đã bố trí xấp xỉ 17,7 nghìn tỉ đồng để trợ cấp hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội, và gần 400 tỉ đồng hỗ trợ giáo dục với người khuyết tật.

Theo Thứ trưởng Hoan, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ LĐ-TB&XH tập trung mục tiêu chính như hỗ trợ sản xuất kinh doanh, học nghề, tìm việc làm cho người khuyết tật nói chung và nạn nhân bom mìn nói riêng. Chẳng hạn, các địa phương trọng điểm về ô nhiễm bom mìn sẽ tiến hành hỗ trợ mô hình sinh kế gồm hỗ trợ cây trồng, con giống, phương tiện… cho người khuyết tật.

Ông Trần Cảnh Tùng, trưởng phòng công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho hay đến nay đã có 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật; trên 1,6 triệu trẻ em khuyết tật đang được đi học trong các trường mầm non, trường phổ thông trên cả nước…

Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế đang tập trung nghiên cứu sửa đổi Luật bảo hiểm y tế, trong đó tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, bộ đang thí điểm phần mềm đăng ký giấy xác nhận người khuyết tật, nạn nhân bom mìn tại một số địa phương với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Bộ cũng đang nghiên cứu đề án về phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Thực tế, chỉ có gần 6.500 người khuyết tật được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng.

Kinh nghiệm quốc tế ra sao?

Theo ông Patrick Haverman - phó trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), việc phát triển và hoàn thiện phần mềm điện tử thu thập số liệu nạn nhân bom mìn rất quan trọng, song song với cập nhật tiêu chuẩn quốc tế. 

Ông Patrick Haverman lý giải hệ thống phần mềm điều tra quốc gia đầu tiên cho người khuyết tật mà cơ quan này đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ rõ thông tin nhằm hoạch định chương trình hành động bom mìn quốc gia thông qua số liệu người gặp nạn, số gia đình bị ảnh hưởng do bom mìn…

Giải pháp gì để hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bom mìn sau chiến tranh? - Ảnh 2.

Ông Patrick Haverman chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo

Tại hội thảo, ông Bountao Chanthavongsa, trưởng văn phòng Cơ quan Quản lý quốc gia về hành động bom mìn - Bộ Lao động và phúc lợi xã hội Lào, cho hay hơn 270 triệu bom chùm đã được thả ở Lào trong chiến tranh nhưng vẫn còn 30% chưa phát nổ. Ước lượng 80 triệu vật liệu nổ chưa được kích hoạt vẫn nằm trong lòng đất. Đặc biệt, 18 tỉnh bị ô nhiễm nặng nề bởi bom mìn với phạm vi 87.000km2.  

Theo kinh nghiệm của Lào, quốc gia này thường có kế hoạch hỗ trợ nạn nhân sống sót sau tai nạn bom mìn; sửa đổi, bổ sung chiến lược quốc gia; hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp; có quỹ y tế hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn; cung cấp sinh hoạt phí cho nạn nhân bom mìn.  

Trong khi đó, ông Vũ Quốc Bình, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, đề xuất chiếu phim hoạt hình để mọi người nhận thức tốt hơn về nguy cơ của vật liệu nổ. Thực tế, dự án phát truyện tranh với nội dung phòng chống tác hại bom mìn rất hiệu quả khi chính các em nhỏ đã nhắc nhở xã hội trước hiểm họa bom mìn. 

Bộ LĐ-TB&XH cũng đang hoàn thiện ứng dụng NKT với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để người khuyết tật, nạn nhân bom mìn có thể đăng ký giấy chứng nhận khuyết tật, cập nhật thông tin… mà không cần Internet.

Ký bản ghi nhớ hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh Ký bản ghi nhớ hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

TTO - Ngày 7-10, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) và Tổ chức Mines Advisory Group Việt Nam (MAG Việt Nam) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng và nâng cao năng lực trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên