19/04/2024 11:35 GMT+7

Giải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 6: Giã từ vũ khí

"Bọn mày ra sân xếp hàng một đi. Mày biết làm việc gì? Hàn à? Vậy ôm đồ xuống tổ hàn ngay đi?". Nhiều năm nhắc nhớ lại người bạn cũ không còn nữa, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Lê Minh Đức ngày còn khỏe vẫn phì cười.

Ông Tạ Đình Đề (người đội nón) và đồng đội kháng chiến cùng bạn bè làm ngành đường sắt - Ảnh tư liệu của LƯU TUẤN GIAO

Ông Tạ Đình Đề (người đội nón) và đồng đội kháng chiến cùng bạn bè làm ngành đường sắt - Ảnh tư liệu của LƯU TUẤN GIAO

Ông nói tính Tạ Đình Đề là vậy, vẫn giữ nguyên khí chất người lính biệt động hào hùng, kiêu bạc nhưng nghĩa hiệp, thương người. Ai mới gặp dễ bị sốc, khi hiểu rồi lại quý mến như anh em.

Về lại hỏa xa

Năm 1954, miền Bắc ngổn ngang sau chiến cuộc. Nhiều thứ phải làm lại từ đầu. Trong đó, ngành đường sắt được ưu tiên đầu tư khôi phục vì trọng trách huyết mạch phát triển xã hội, kinh tế và nhất là chi viện cho miền Nam.

Nhiều cán bộ, nhân viên kinh nghiệm làm việc cho ngành đường sắt được gọi làm việc trở lại. Tạ Đình Đề cũng giã từ vũ khí, trở lại với công việc quen thuộc một thời ông đã làm trên cung đường hỏa xa máu lửa Hà Nội - Vân Nam thập niên 1930.

Tuy nhiên, ngoài lý do chuyên môn, cấp trên điều động Tạ Đình Đề trở lại ngành đường sắt còn vì uy tín của ông. Bối cảnh lúc này vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Gián điệp, kẻ xấu, bọn lưu manh vẫn còn nhập nhèm. Đường sắt lại luôn là trọng điểm dễ bị phá hoại, gây bất ổn nhất. Tạ Đình Đề trở về, lấy chính tiếng tăm một thời ngang dọc của mình bảo vệ, khôi phục huyết mạch này.

Tháng 10-1954, Tạ Đình Đề làm chủ nhiệm Tổng kho biên giới Lạng Sơn hay còn gọi là "cảng Cạn". Nhiệm vụ ông là tiếp nhận, bảo vệ và vận chuyển an toàn hàng hóa từ cửa ngõ Trung Quốc về Việt Nam.

Công việc này rất phù hợp với Tạ Đình Đề vì đã có thời gian tung hoành ở biên giới Việt - Trung từ trước năm 1945. Không chỉ thuộc địa bàn như lòng bàn tay, ông còn có mối quan hệ với nhiều thành phần ở biên viễn.

Nhiệm vụ "bảo tiêu" của Tạ Đình Đề khá thuận lợi, hầu như không bị sơ sẩy, mất mát gì. Một thời gian sau, ông được rút về làm Trưởng đoạn đầu máy xe lửa Hà Nội (sau gọi là giám đốc Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hà Nội).

Chính thời kỳ này, ông Lê Minh Đức tập kết ra Bắc, vào làm dưới quyền Tạ Đình Đề. Ông Đức, sinh năm 1922, kém Tạ Đình Đề năm tuổi, nên vẫn bị xưng hô mày tao. Thói quen này về sau vẫn được Tạ Đình Đề dùng mãi dù ông Đức đã được phong anh hùng lao động, lên phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt, là "sếp lớn" của Tạ Đình Đề.

Nhớ buổi đầu gặp nhau, ông Đức vẫn phì cười: "Đề để ria mép, đi lại nhanh nhẹn, ngang tàng như tay đại ca. Ông nói năng thẳng tuột, chẳng nhòm trước ngó sau gì, gặp chuyện khó chịu là oang oang chửi ngay tại chỗ".

Đã nghe trước tiếng tăm người chỉ huy biệt động kiêu bạc này, ông Đức vẫn sốc trong lần đầu mới gặp. Tạ Đình Đề gọi mọi người xếp hàng một ngoài sân, hỏi ai biết làm gì, rồi phân công ngay về tổ, chẳng cần dò xét, thẩm tra lý lịch gì như thời ấy người ta rất quan trọng.

Sốc, nhưng chỉ vài hôm, ông Đức đã hiểu bụng dạ con người này. Chẳng biết từ ai, Tạ Đình Đề nghe phàn nàn "cơm ăn không đủ no". Ông xồng xộc ngay xuống bếp, quát mấy tổ nấu inh ỏi, rồi sang các tổ khác tìm người thay.

Gặp Đức, ông hỏi ngay: "Mày đi kháng chiến ở miền trong có biết nấu cơm không?". Ông Đức gật đầu. Thế là xuống tổ bếp ngay lập tức. Tạ Đình Đề còn dặn dò ông nhớ phân phát suất ăn cho kỹ, bảo đảm mọi người phải đủ hai chén đầy, đủ cá, rau (là suất ăn khá tốt thời ấy).

Có anh phụ bếp định ti toe dành phần sếp Đề nhiều hơn. Ông phát hiện, mắng ngay: "Đã bảo hai chén là hai chén, chẳng phân biệt, ưu tiên thằng đếch nào hết". Nhưng lát sau, ông nói nhỏ Đức ưu tiên cho anh em thợ trẻ, đang sức ăn, có gì sẻ bớt phần cơm của ông cho họ cũng được.

Gắn bó với Tạ Đình Đề, ông Đức hiểu ông rất thật lòng. Không khoái uống, nhưng lần liên hoan nào Tạ Đình Đề cũng kiếm cách cho anh em nhấm nháp. Thậm chí, ông còn dùng cả uy tín của mình đi mua bia thiếu (rất khan hiếm ở miền Bắc lúc bấy giờ) để anh em vui vẻ.

Chấn chỉnh tổ bếp được một tuần, Tạ Đình Đề lại rút Đức về tổ hàn. Ông tếu táo mà thật bụng: "Để mày lo củi lửa ở đây thì tội cho mày lắm". Không nói ra cửa miệng, nhưng Tạ Đình Đề có mắt nhìn người rất tinh. Trước khi tập kết ra Bắc, Lê Minh Đức đã ở quân giới, chế tạo vũ khí trong miền Nam.

Đường sắt miền Bắc sau năm 1954 có nhiều đóng góp của ông Tạ Đình Đề - Ảnh tư liệu

Đường sắt miền Bắc sau năm 1954 có nhiều đóng góp của ông Tạ Đình Đề - Ảnh tư liệu

Không ký những bản án cải cách ruộng đất

Gắn bó như anh em với nhau được vài tháng, Tạ Đình Đề tạm chia tay Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hà Nội. Ông được cử đi thực hiện cải cách ruộng đất ở Hải Dương. Chuyện này, ông rất ít nhắc lại nhưng bạn bè biết chuyện hiểu ông đã gặp rất nhiều phiền muộn. Tính cách Tạ Đình Đề rất ngang tàng, đôi khi nóng nảy nhưng sống rất nhân nghĩa.

Người bạn Hoàng Giáp kể lại Tạ Đình Đề thực hiện cải cách ruộng đất rất cẩn trọng, xem xét lý tình, căn nguyên mọi vấn đề. Và đội cải cách do ông chỉ đạo phá "kỷ lục" không tuyên án một người nào.

Tuy nhiên, chính điều này lại đụng chạm đến một số người khác. Có lần chứng kiến cảnh một đội trưởng vừa đánh cờ vừa đặt bút ký bản án một người. Tạ Đình Đề nổi giận, túm áo đội trưởng này, quát lớn đó là sinh mạng một con người, liên quan đến cả một gia đình, một dòng họ...

Nhắc nhớ kỷ niệm đặc biệt, ông Lê Minh Đức kể anh em ngành đường sắt bất ngờ vì Tạ Đình Đề đi thực hiện cải cách về quá sớm và có vẻ trầm tư buồn. Mọi người hỏi, ông chỉ lắc đầu, nói ngắn gọn: "Tao làm chuyện ấy không được". Về sau, họ biết ông đã có cách làm ngược lại với người khác nên được cho về sớm.

Có lần ngồi với người bạn Hoàng Giáp, Tạ Đình Đề chỉ thở dài. Nhiều năm tâm sự lại chuyện khó kể này của cha mình, anh Tạ Mạnh Tiến vẫn xúc động: "Hôm đám tang cha tôi, có mấy cụ già ở nơi ông từng làm cải cách ruộng đất đến xin thắp hương viếng. Họ khóc nói rằng nhờ ông Đề mà làng tôi chẳng ai bị oan".

Cuối đời, bà Thọ, vợ ông Đề, ngồi nhớ lại người chồng đã sớm khuất bóng trước mình. Có lần, bà tâm sự với anh Tiến: "Tính tình thương người của bố con đi làm cải cách ruộng đất gặp nạn lớn lắm, suýt bị xử đấy".

Khi Tạ Đình Đề đi làm cải cách ruộng đất, các con ông người chưa sinh ra đời, người còn quá nhỏ để hiểu nỗi lòng cha. Nhưng có kỷ niệm đặc biệt mà họ nhớ mãi là trong phiên tòa xử ông hồi năm 1976 (được trắng án), có những ông cụ ở tận Thanh Hà, Hải Dương đã chống gậy lên dự phiên tòa. Họ xúc động kể rằng chính nhờ Tạ Đình Đề mà làng ông không bị oan sai hồi cải cách ruộng đất...

Về lại Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hà Nội, chiếc ghế của Tạ Đình Đề đã có người thay. Ông được Tổng cục Đường sắt bố trí công việc phó ban, rồi lên trưởng ban thể dục thể thao của ngành.

Công việc tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với chàng lãng tử biệt động hai tay hai súng một thời ngang dọc, nhưng ông đã để lại rất nhiều dấu ấn. Ông cưu mang bao kẻ lầm lạc, lỡ bước. Ông nâng đỡ nhiều người tài hoa chưa gặp thời. Để rồi cuối đời chính ông phải chịu nhiều khổ nạn, oan sai vì chuyện này.

Thời còn chiến tranh, đồng đội biệt động với Tạ Đình Đề xuất thân người là công nhân, nông dân, người từng làm lơ xe, tay anh chị, thổ phỉ sơn cước. Hầu hết họ đều kiên cường, nhưng về sau cũng có vài người quay lưng chiêu hồi.

Những tay súng như Chi Lăng, Chi Nam, Vương Ngọc Kim Sơn, Tống Xuân Quảng, Hãn Trắng... trốn về vùng bị tạm chiếm, di cư vào Nam hoặc công khai theo Pháp. Một số anh em đã bị chính những người phản bội này chỉ điểm. Trong đó có cả đại đội trưởng Nguyễn Phương bị Pháp bắt.

Tạ Đình Đề giấu nỗi buồn, tếu táo với chiến hữu: "Bàn tay ai chẳng ngón ngắn, ngón dài". Nhưng trong lòng ông rất buồn và gặp nhiều khó khăn về chuyện này. Sau năm 1975, Hoàng Giáp và Tạ Đình Đề có thời gian cùng vào Nam, tình cờ gặp người chiêu hồi Tống Xuân Quảng. Ông ta vẫn dè dặt, nể sợ Tạ Đình Đề dù người chỉ huy cũ đã giã từ vũ khí và tính tình nghĩa hiệp chẳng hề muốn xới lại chuyện cũ khi non sông đã liền một dải.

---------------------------

Vụ mất tích những thiết bị điều chế chất nổ của Bộ Quốc phòng và cách phá án kỳ lạ của Tạ Đình Đề. Làm ông "bầu" thể thao đường sắt, nhưng Tạ Đình Đề vẫn tung hoành ngang dọc.

Kỳ tới: Vụ án kỳ lạ

Giải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 5: Chuyện tình chưa kể của Tạ Đình ĐềGiải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 5: Chuyện tình chưa kể của Tạ Đình Đề

Giải mã huyền thoại Tạ Đình Đề nhiều năm sau ngày ông mất, tôi lại nghe được những chuyện kể về ông không phải trong khói lửa chiến tranh mà chính là những phút giây tạm ngưng tiếng súng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên