26/08/2012 01:14 GMT+7

Đường đến trường của những học trò mồ côi

ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG
ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG

TT - Ba câu chuyện xúc động trong hàng trăm hoàn cảnh vượt khó để học giỏi của các tân sinh viên Quảng Nam.

Chúng tôi đã tìm đến nhà những tân sinh viên mồ côi hiếu học để hiểu hơn về con đường đến trường của các em.

xW9CYW88.jpgPhóng to
Bếp của mẹ con Nguyên chỉ là ba cục gạch xếp lại để nấu nướng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Học để không bị khinh thường

Tìm đến nhà Trần Đoàn Thảo Nguyên (đậu hai trường ĐH Sư phạm và ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) ở một ngõ nhỏ của thôn Quan Châu (xã Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng) đúng lúc em vừa đi làm đồng về. Dưới cái nắng gay gắt, Nguyên vẫn cười rạng rỡ: “Nhà không có ruộng nên em mượn được đất ở ven bờ kênh Voi tỉa đậu. Ngó vậy chớ mai mốt đậu lớn cũng thu hoạch được mấy ký lận”. Ngồi trong ngôi nhà được cất lên từ tình thương của xóm làng để mẹ con Nguyên có chỗ tá túc, bà Trần Thị Thích (bà ngoại Nguyên) tâm sự: “Mấy mẹ con phải đi vay tiền của hội phụ nữ để xây nhà. Tiền không đủ, làng xóm mỗi người cho cây tre, miếng tôn... để dựng”. Căn nhà xập xệ chỉ có mỗi chiếc xe đạp, cái tủ cũ mèm là đáng giá nhất. Bà Thích phân trần: “Nó không có cha, mẹ thì làm phụ hồ, thợ đụng dỡ nhà giùm cho người ta. Thấy thương họ cho giường, tủ cũ về đó chứ tiền mô mua”.

Chỗ học của Nguyên chỉ là một chiếc bàn cọc cạch, phía trên treo đầy nồi niêu. Toàn bộ sách vở mà Nguyên đang học đều được đi xin từ các anh chị trong làng. Bà Thích nói thêm: “Ngay như quần áo nó đang mặc cũng được làng xóm cho”.

Biết con đậu ĐH, bà Liên (mẹ Nguyên) phải chạy khắp nơi làm thuê, làm mướn chỉ mong gom góp được ít tiền để mua cho Nguyên bộ quần áo mới trong ngày tựu trường. Với Nguyên, lời khuyên của mẹ: “Con ráng học đàng hoàng để có chỗ đứng với đời, để không bị ai xem thường” luôn theo Nguyên và là động lực giúp cô bé học giỏi suốt những năm cấp III.

Cô học trò nhỏ vượt qua nỗi đau

Một gia đình hạnh phúc với cha mẹ, ba cô con gái bỗng chốc tan vỡ khi người cha bị bệnh nan y qua đời và người mẹ mắc bệnh ung thư máu đang phải nằm viện. Viễn cảnh phía trước của tân sinh viên Ngô Thị Quỳnh Như (thôn Triêm Nam 2, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) đang rất mịt mờ.

Tấm biển hiệu nem chả Định Duyên nổi tiếng ở thôn Triêm Nam 2 giờ đây đã bị cây cối phủ kín. Chủ của thương hiệu nem chính là cha mẹ Như. Mới vài tháng trước thôi ngôi nhà này còn sum vầy cha con, vợ chồng bên mâm cơm. Giờ đây căn nhà lạnh tanh chỉ có Như và bé út Như Ngọc (6 tuổi). Người chị cả hiện đang học ở Đà Nẵng phải đi làm thêm để lấy tiền trả học phí và nuôi hai em.

Ngày ông Định (cha Như) đổ bệnh và qua đời là lúc Như đang dốc sức cho kỳ thi tốt nghiệp cấp III. Đám tang cha chưa lâu thì mẹ Như cũng nhập Bệnh viện Trung ương Huế vì căn bệnh ung thư máu tai ác. Hai nỗi đau quá lớn đổ xuống cùng một lúc trên những mái đầu xanh.

Tuần trước, Như được bà ngoại đón xe đò ra Huế để thăm mẹ. Nhìn thân hình xanh xao, mái tóc lơ thơ sau những lần xạ trị của mẹ, cô bé khụyu xuống. “Mẹ đau đớn vậy nhưng vẫn ôm em vào lòng dặn dò: Con phải ráng lo cho em, thương em những lúc mẹ vắng nhà. Mai mốt mẹ khỏe lại về với các con” - Như nghẹn giọng nói không nên lời. Bà Thọ (cô ruột Như) chia sẻ thêm: “Những ngày Như đi thi đại học cả nhà giấu chuyện mẹ nó bị bệnh nặng. Khi Như thi xong về vui vẻ nói làm được bài thì mọi người không nỡ giấu giếm thêm nữa”.

Hôm đón nhận tin đậu vào Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, Như lẳng lặng thắp nén hương cho ba và khấn: “Con sẽ gắng vừa đi học vừa đi làm. Như vậy con sẽ tự lo được học phí, rồi nuôi em Ngọc nữa. Ba yên tâm...”.

Học để xây nhà cho mẹ

Cái sự nghèo khó của cô bé mồ côi cha Nguyễn Hoài An Bình, thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam, làm người chứng kiến không thể cầm lòng được. Nghèo đến nỗi giếng nước cũng không có, cả hai mẹ con tá túc trong túp lều tôn chỉ chừng 5m2, bán tạp hóa.

Những ngày qua cái tin An Bình đậu liền hai trường đại học là ĐH Sư phạm và ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng khiến nhiều người dân vùng núi Trung Hạ khấp khởi vui mừng.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (mẹ Bình) bị gù lưng, lại đau ốm luôn nên những việc nặng nhọc trong nhà đều do Bình gánh vác hết, từ nấu cơm, quét nhà, giặt giũ, bán hàng. Tiền lời từ tiệm tạp hóa 15.000-20.000 đồng/ngày cộng với khoản trợ cấp cho người tàn tật mỗi tháng 180.000 đồng cũng giúp hai mẹ con sống qua ngày.

Chỉ vào bờ cửa tiệm tạp hóa nhỏ nhắn, Bình vui vẻ nói: “Chỗ học của em đó”. Không có giếng nước nên mỗi ngày Bình lại gồng mình gánh nước từ giếng cách nhà gần 1km về để hai mẹ con dùng. “Nó tội nghiệp lắm! Con thiếu bố, tôi thì lại bệnh tật nên suốt ngày nó chỉ biết làm phụ mẹ và học” - bà Nguyệt nói. Những khó khăn ấy lại chính là động lực để Bình vươn lên trong học tập. Ngoài giấy khen nhiều năm liền là học sinh giỏi, Bình còn đoạt hàng loạt giải nhất nhì kỳ thi học sinh giỏi môn văn của huyện Nông Sơn. Những ngày qua thấy con vui mừng, bà Nguyệt phải cố giấu những giọt nước mắt. Bởi người mẹ tật nguyền hiểu rằng tấm lưng gù hay đau ốm của bà sẽ khó gồng gánh nuôi con gái suốt bốn năm giảng đường. Những lúc như vậy Bình chỉ biết an ủi mẹ: “Con sẽ học trường sư phạm để được miễn học phí. Sau này làm có tiền sẽ xây cho mẹ một căn nhà nhỏ để hai mẹ con có chỗ ăn ngủ đàng hoàng”.

___________

* Mời bạn đọc xem danh sách nhà tài trợ của CLB “Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng” tại TP.HCM trên trang A, quảng cáo 24 giờ ngày 26-8.

ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên