Xe
17/07/2023 12:47 GMT+7

'Đừng sợ cháy xe điện khi chỉ đọc tin tức trên mạng'

"Nhiều người hoang mang khi đọc tin tức về các vụ cháy xe điện. Nhưng vấn đề không nằm ở xe sử dụng động cơ gì, mà là con người", một độc giả chia sẻ.

Sử dụng thiết bị điện như thế nào thì cũng đối xử với xe điện như vậy - Ảnh minh họa: Hội xe điện du lịch

Sử dụng thiết bị điện như thế nào thì cũng đối xử với xe điện như vậy - Ảnh minh họa: Hội xe điện du lịch

Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Quang Huy, sống ở Hải Dương, về xe điện:

"Kinh tế học hài hước" (tên gốc là Freakonomics) của Steven Levitt và Stephen J. Dubner là một trong những cuốn sách yêu thích của tôi. Trong cuốn đó đề cập đến một hiện tượng gọi là "sợ cá mập cắn".

Về cơ bản, trong sách nói rằng nhiều năm trước, báo chí đưa tin rùm beng về những vụ bị cá mập tấn công. Điều đó dẫn đến tâm lý sợ bị cá mập cắn khi đi tắm biển ở nhiều người.

Nhưng theo tác giả cuốn sách, số vụ xảy ra trong thực tế thậm chí còn ít hơn số vụ tai nạn giao thông, và xác suất để bị cá mập cắn gần như bằng không.

Nhưng hiệu ứng sợ hãi đã lớn hơn bất kỳ con số thống kê nào, đến mức có những người cảm tưởng chỉ cần đặt chân xuống biển, xác suất họ không gặp cá mập chỉ là 50-50!

Đọc về hiệu ứng này, tôi chợt nhớ đến các vụ cháy xe điện mà tôi đã đọc thấy ở cả báo chí trong nước và nước ngoài. Dạo qua các hội nhóm, các diễn đàn, các trang mạng xã hội, có thể bắt gặp những bài đăng hoài nghi, hỏi "vì sao xe điện lại bốc cháy", "có cách nào tránh không", "xe điện phải chăng rất nguy hiểm"...

Bản thân tôi cũng tò mò đi tìm hiểu, thống kê ở Thụy Điển cho thấy khả năng một chiếc xe xăng dầu cháy cao hơn xe điện tới 20 lần (dựa trên số vụ được ghi nhận). Con số này còn cao hơn nữa theo thống kê của Cơ quan An toàn giao thông Mỹ.

Một chiếc Tesla cháy ở Mỹ năm 2017 - Ảnh: NBC News

Một chiếc Tesla cháy ở Mỹ năm 2017 - Ảnh: NBC News

4 lý do khiến các vụ cháy xe điện gây hoang mang 

Thứ nhất, đúng là số các vụ cháy xe điện năm sau cao hơn năm trước. Nhưng điều này không nằm ở chất lượng xe hay năng lượng sử dụng. Khi số lượng xe điện càng nhiều, giả sử xác suất rủi ro không thay đổi, số xe gặp rủi ro sẽ cao hơn.

Thứ hai, như đã nói ở trên, hiệu ứng "sợ cá mập cắn". Xe điện là một sản phẩm đang gây chú ý. Vì thế, mọi tin tức về xe điện sẽ tạo cảm giác mạnh mẽ hơn. Một vài vụ cháy xe điện cũng có thể gây cảm giác như thể có hàng trăm vụ cháy vậy.

Thứ ba, xe điện là một sản phẩm mới. Thứ mới sẽ kích thích trải nghiệm nhưng cũng gây lo ngại về những "hậu quả" chưa được kiểm chứng, phát hiện.

Xe xăng dầu đã tồn tại đủ lâu để mọi người biết được ưu nhược điểm và cách khắc phục.

Xe điện còn quá nhiều vấn đề. Tầm hoạt động, chất lượng trạm sạc, khả năng chập cháy, sửa chữa, khả năng thích nghi với nhiệt độ thất thường… tất cả vẫn còn là "màn sương mờ" với số đông người dùng.

Do đó, so với một thứ không có "cảm giác kiểm soát được", bất cứ vấn đề nào dù nhỏ cũng đủ để kích thích nỗi sợ lớn.

Thứ tư, xe điện không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trôi nổi trên thị trường. Khác với xe xăng dầu dường như đã đi vào nề nếp quản lý, xe điện có rất nhiều "phiên bản".

Trong đó, đáng quan ngại là rất nhiều xe không hề được đăng ký, đăng kiểm, không ghi tên đơn vị, nhiều người điều khiển không có bằng lái. Xe điện chở khách du lịch hay xe đạp điện dễ rơi vào nhóm này hơn cả.

Nhưng người đọc tin sẽ không phân biệt xe nào. Họ thường chỉ dán nhãn chung "xe điện" và từ đó tâm lý e ngại cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, mà điều đầu tiên cần xem kỹ là các vấn đề liên quan đến an toàn. Nếu có vấn đề thì tìm ngay đến cửa hàng, thợ chuyên nghiệp để xử lý. Không mua những chiếc xe không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độc giả Nguyễn Quang Huy

‘Mua xe đạp điện thà đi xe máy còn hơn’‘Mua xe đạp điện thà đi xe máy còn hơn’

“Tôi không đánh giá cao xe đạp điện khi đặt lên bàn cân với xe máy”, một độc giả chia sẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên