21/05/2017 21:02 GMT+7

Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng phòng nhiều hơn chống

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Sáng 21-5, Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM (Hội Luật gia Việt Nam) và Chi hội Luật gia trung tâm tổ chức buổi tọa đàm góp ý cho dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Luật gia Trần Đình Thu kiến nghị cần có cơ quan chuyên trách hoạt động phòng chống tham nhũng - Ảnh: TÂM LỤA
Luật gia Trần Đình Thu kiến nghị cần có cơ quan chuyên trách hoạt động phòng chống tham nhũng - Ảnh: TÂM LỤA

So với Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, dự thảo luật (sửa đổi) bổ sung hàng loạt quy định mới như minh bạch trong kê khai tài sản của cá nhân, cơ quan, đơn vị; quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng; gia đình, người thân của cán bộ cơ quan nhà nước cũng có nhiệm vụ kê khai tài sản…

Minh bạch tài sản: Cần nhưng chưa đủ

Phát biểu tại hội thảo, luật gia Trần Đình Thu cho rằng Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 có tác dụng phòng nhiều hơn chống. Dự thảo luật lần này cũng chỉ cụ thể hóa tính chất đó, vì vậy việc chống tham nhũng chỉ mang tính tượng trưng.

Việc minh bạch tài sản của cán bộ, công chức được xem là một giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy dự thảo luật đã đưa vấn đề này vào một chương với 28 điều.

Tuy nhiên, theo luật gia Trần Đình Thu, việc quy định kê khai tài sản chỉ ngăn chặn được đối tượng tham nhũng mua sắm tài sản thuộc các loại phải khai báo chứ không có tác dụng chặn tham nhũng.

“Thực tế 10 năm qua, chúng ta không tìm được bất cứ vụ tham nhũng nào thông qua việc minh bạch tài sản”- ông Trần Đình Thu cho biết.

Để phòng ngừa tham nhũng, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định kê khai tài sản luôn của cả vợ, chồng và con chưa thành niên của cán bộ, công chức. Đối tượng phải kê khai được mở rộng ra cả quân đội, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và một số đơn vị ngoài công lập.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai, cơ quan nào có thể tiếp cận bản kê khai để giám sát sự biến động tài sản?

Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) chỉ cho phép người được biết thông tin kê khai tài sản bao gồm lãnh đạo cơ quan người kê khai, đơn vị phụ trách công tác cán bộ, Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp.

Theo Luật sư Trần Đình Dũng - trưởng ban tuyên truyền phổ biến pháp luật Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM, trong số những người có quyền biết về kê khai tài sản thì hội đồng bầu cử quốc gia và ủy ban bầu cử các cấp là tổ chức được lập ra vào thời điểm 5 năm một lần và giải tán khi việc bầu cử hoàn tất. Trong khi công tác phòng, chống tham nhũng cần phải thường xuyên.

Hai nơi còn lại được biết thông tin là lãnh đạo cơ quan và bộ phận tổ chức của cơ quan. Theo ông Dũng, thực tế tham nhũng luôn gắn liền với người có chức vụ và có tính “liên kết đồng phạm”, hiếm khi xảy ra đơn lẻ.

“Việc quy định quá hạn chế nơi được biết thông tin kê khai tài sản đã làm vô hiệu các cơ quan giám sát thuộc về Quốc Hôi, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc trong công cuộc phòng, chống chống tham nhũng từ góc độ giám sát tài sản.

Vì vậy cần mở rộng quyền được biết thông tin kê khai tài sản cho các cơ quan giám sát quyền lực; báo chí, Đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”- Luật sư Trần Đình Dũng - trưởng ban tuyên truyền phổ biến pháp luật Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM kiến nghị.

“Thực tế hiện nay Mặt trận tổ quốc (MTTQ) giám sát và phát hiện ra tham nhũng rất khó khăn (do đặc điểm của loại tội phạm này). Thời gian qua MTTQ có kiến nghị về tham nhũng nhưng các cơ quan không xử lý, không giải quyết theo đúng quy định. Vì vậy cần bổ sung chế tài để quy định này có giá trị thực tiễn.”- ông Nguyễn Đức Nhuần (phó chủ tịch Hội Luật gia Q.9)

Người đứng đầu khó chống tham nhũng?

Theo luật gia Trần Đình Thu, một lỗ hổng lớn của dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) này là không quy định cơ quan chuyên trách chống tham nhũng. Bởi tội phạm tham nhũng là loại tội phạm rất tinh vi, trong khi hiện nay các cơ quan trong lĩnh vực chống tham nhũng đều kiêm nhiệm.

Ông Thu đề xuất nên có cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trực thuộc Chính Phủ. Và có cán bộ chuyên trách chống tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật dành hẳn một chương quy định vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quy định này còn chung chung và mang tính khả thi không cao.

“Thực tế thời gian qua chưa có trường hợp nào người đứng đầu bị xử lý khi có tham nhũng xảy ra. Và nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp vì bệnh thành tích, những người đứng đầu thường bao che cho cấp dưới khi sai phạm bị phanh phui. Đó là chưa kể người đứng đầu cũng tham nhũng”- Luật gia Bùi Việt Cường (phó viện trưởng Viện khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế, Hội Luật gia Việt Nam) cho biết.

 

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên