Các khu du lịch này thiếu cơ chế quản lý, vi phạm quy định về xây dựng, hành lang an toàn thủy điện...
Lều chõng, quán ăn chen xuống lòng hồ
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, tại hai xã Mã Đà và Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) là nơi du lịch sinh thái rầm rộ nhất với hàng chục khu cắm trại, trang trại du lịch, lưu trú nhà dân.
Dọc tuyến đường ĐT 767 nối dài lên ĐT 761 (xã Mã Đà) chưa tới 10km nhưng có gần 20 khu du lịch sinh thái, cắm trại cạnh bờ hồ đang được du khách tìm đến.
Còn từ ngã ba Lâm Sản rẽ về ra bờ đập Hiếu Liêm (xã Hiếu Liêm), các khu cắm trại được thiết kế nhà tiền chế, lều trại trên đất rừng tiếp giáp lòng hồ Trị An.
Không chỉ ở huyện Vĩnh Cửu, một số người còn tìm đến khu vực gần lòng hồ Trị An ở các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú để đầu tư khu du lịch sinh thái, bãi cắm trại.
Cụ thể, tại điểm du lịch tự phát An Bình Camping (xã Hiếu Liêm), khu cắm trại Camping Gió Trị An (ấp 1, xã Mã Đà), khách tha hồ thuê lều trại, dịch vụ ăn uống để bày biện vui chơi ở khu lòng hồ rộng cả ngàn mét vuông.
Tại điểm cắm trại Napy Garden (ấp 1, xã Mã Đà), công trình nhà hàng, bãi đậu xe... cũng được xây dựng tự phát để làm nơi pha chế, ăn uống, dựng lều trại.
Làm nhà tạm trên lòng hồ Trị An là sai
Ông Nguyễn Quang Phương, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết: "Trên địa bàn hiện nay có hơn 50 điểm du lịch tự phát ven hồ Trị An. Huyện đã có chỉ đạo tất cả các vụ vi phạm xảy ra trên địa bàn các địa phương thì bí thư, chủ tịch các địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Huyện đã cho rà soát, yêu cầu tiếp tục tháo dỡ và cưỡng chế các điểm du lịch tự phát. Chỉ khi nào tỉnh duyệt đề án phát triển du lịch được phê duyệt, xác định được vị trí cụ thể làm du lịch mới thực hiện".
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cũng giải thích: "Theo hợp đồng ký kết với khu bảo tồn, người dân chỉ được trồng rừng, trồng cây nông nghiệp dài ngày, không được làm nhà tạm, không tác động gì đến đất rừng. Bởi vậy, việc làm nhà tạm phát triển du lịch là sai quy định".
Theo ông Hảo, trong hệ thống quy hoạch du lịch của cả nước, hồ Trị An là điểm du lịch cấp quốc gia nên có chủ trương vẫn sẽ làm du lịch trên hồ.
Từ năm 2016, UBND tỉnh Đồng Nai giao khu bảo tồn xây dựng đề án du lịch chung cho cả khu bảo tồn gồm cả rừng và hồ, tuy nhiên do vướng mắc các quy định pháp luật nên vẫn chưa xong.
"Sắp tới, đề án phát triển du lịch được thông qua, khu bảo tồn sẽ mời gọi các nhà đầu tư đến xây dựng dự án du lịch tại hồ Trị An một cách bài bản và tuân theo Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai và Luật Môi trường.
Còn cách làm du lịch tự phát hiện nay là xâm hại đến lòng hồ nên khu sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tháo dỡ các điểm du lịch tự phát hoặc ngưng hợp đồng trồng rừng với các hộ vi phạm" - ông Hảo nói.
Mong phát triển sinh thái hồ Trị An
Anh Kim Thanh Long, chủ cơ sở du lịch Làng tre Camping hồ Trị An (xã Mà Đà), cho biết về việc phát triển du lịch tự phát chính quyền địa phương đã họp dân, vận động tháo dỡ các công trình vi phạm về xây dựng ở khu vực bán ngập lòng hồ này.
"Nhiều khách có nhu cầu đến đây nghỉ dưỡng, mong chính quyền có cơ chế, chính sách để cùng phát triển du lịch sinh thái ở khu vực này", anh Long nói.
Cần có quy định để bảo vệ lòng hồ và nguồn nước
Nói thêm về việc phát triển ồ ạt điểm du lịch tự phát, ông Thái Bình Dương, phó chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, cho biết người dân địa phương thấy có khách, họ đầu tư lều trại để khách nghỉ ngơi.
Nhưng những khu đất làm du lịch sinh thái ở lòng hồ hiện chưa thông qua quy hoạch sử dụng đất, vướng giấy phép xây dựng do nằm trong hành lang bảo vệ đập, không cho làm nhà tiền chế...
Còn ông Trần Đăng Ninh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai, cho hay các công trình xây dựng phục vụ khách du lịch tự phát khi chưa được chính quyền cấp phép nên vi phạm các quy định về xây dựng trong phạm vi hành lang lòng hồ Trị An.
"Tuy nhiên, thực tế nhu cầu cắm trại, dã ngoại tại khu vực hồ Trị An là có thật. Do vậy, hiệp hội kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm có quy định và cơ chế tạo điều kiện cho người dân tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Sau đó, vận động các hộ dân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ du lịch thành lập các tổ dịch vụ du lịch cộng đồng và ràng buộc các quy định cụ thể về cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường... để bảo vệ lòng hồ Trị An và nguồn nước ở đây", ông Ninh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận