09/03/2024 14:11 GMT+7

Dòng tiền vào chứng khoán cao nhất 2 năm, mỗi phiên giao dịch 30.000 tỉ đồng

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch nhiều biến động với thanh khoản gia tăng đột biến. Bình quân mỗi phiên trong tuần qua ở mức 30.000 tỉ đồng.

Dòng tiền vào chứng khoán nhộn nhịp trong bối cảnh lãi suất huy động thấp kỷ lục - Ảnh: B.KHÁNH

Dòng tiền vào chứng khoán nhộn nhịp trong bối cảnh lãi suất huy động thấp kỷ lục - Ảnh: B.KHÁNH

Sau 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, VN-Index đóng cửa tuần giao dịch thứ 10 năm nay tại mốc 1.247,35 điểm, giảm 10,93 điểm (gần 0,9%) so với tuần trước.

Tiền ra - vào đâu?

Điểm nhấn thị trường tuần qua là thanh khoản gia tăng đột biến với giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt hơn 30.000 tỉ đồng mỗi phiên, tăng khoảng 16% so với tuần trước.

Dữ liệu Fiintrade cho thấy đây là tuần có giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 4-2022.

Giá trị giao dịch bình quân phiên tăng ở ngành bất động sản, chứng khoán, xây dựng, ngân hàng, hóa chất, thực phẩm, bán lẻ.

Trong khi thép, nuôi trồng nông và hải sản, dầu khí có thanh khoản gần như không đổi so với tuần trước. Còn về giá, cả ngân hàng, thép, bất động sản "rủ nhau" giảm điểm trong tuần này.

Đáng chú ý ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau giai đoạn tăng giá mạnh kéo dài đã chịu áp lực bán tương đối mạnh. Nhóm này cũng là tác nhân quan trọng kéo VN-Index giảm điểm trong tuần qua.

Kết phiên cuối tuần, nhiều mã ngân hàng ngập trong sắc đỏ như TPB (-6,3%), BVB (-6,09%), MSB (-5,71%), BID (-4,49%)…

Trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa hơn. Thị trường ghi nhận một số mã nhóm này tăng tốt tuần qua, như: VRC (25,89%), NBB (13,79%), NHA (5,52%), NLG (5,01%)...

Ngược lại, có nhiều cổ phiếu bất động sản chịu áp lực điều chỉnh như AGG (-5,39%), NVL (-4,62%), CEO (-3,98%), DIG (-3,63%)... Nhóm khu công nghiệp cũng có một số mã tăng tốt như BCM (8,96%), KBC (6,09%)...

Nhờ thông tin mới về KRX, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn thể hiện biên độ tăng giá vượt trội như AGR (16,02%), DSC (14,35%), PSI (7,95%), CTS (9,77%)... Dù vậy, vẫn có những mã dòng chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh như SSI (-1,47%), BSI (-1,03%)...

Khối ngoại rút ròng ngàn tỉ, họ bán những mã nào?

Điểm kém tích cực tuần qua là khối ngoại tuần này trở lại bán ròng trên cả 3 sàn, chủ yếu trên HoSE với giá trị khớp lệnh 1.051 tỉ đồng. Trong khi tuần trước, khối này mua ròng hơn 100 tỉ đồng.

Dữ liệu trên Fiintrade cho thấy mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm bán lẻ, bất động sản với các mã KBC, KDH, MWG, NLG, DGC, STB, VRE, MSN, DGW.

Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm dịch vụ tài chính. Cụ thể nhóm bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VCB, SAB, VPB, TPB…

Ngược xu hướng khối ngoại, nhà đầu tư mua ròng khớp lệnh cả tuần qua hơn 1.500 tỉ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này mua ròng 11/18 ngành, chủ yếu là ngành ngân hàng.

Các mã được nhà đầu tư cá nhân mua nhiều, bao gồm: VHM, TCB, HPG, VNM, VPB, NVL, VCB, VSC, VCI, TPB… Còn bán ròng chủ yếu nhóm này là cổ phiếu bán lẻ, hóa chất.

Ở hai nhóm còn lại, nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng khớp lệnh hơn 407 tỉ đồng và tự doanh bán ròng 51 tỉ đồng.

Sau phiên giảm tới hơn 20 điểm cuối tuần, một số công ty chứng khoán vẫn dự báo VN-Index có khả năng có thêm nhịp tăng hướng tới ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm.

Một số đơn vị thận trọng hơn vẫn nghi ngờ về khả năng VN-Index hình thành xu hướng uptrend (tăng giá) mạnh mẽ. Theo đó, có cả kịch bản dự báo VN-Index sau khi kết thúc đà hưng phấn sẽ điều chỉnh trở lại trong kênh 1.150 - 1.250 điểm bởi nền tảng tích lũy chưa đủ tin cậy.

Ngậm trái đắng với "thầy" chứng khoán onlineNgậm trái đắng với 'thầy' chứng khoán online

Với các chiêu thức không mới như cam kết lợi nhuận khủng, lên tới vài chục lần, thậm chí chia lãi theo ngày, mua cổ phiếu với giá rẻ hơn thị trường..., các "thầy" chứng khoán online tiếp tục đưa nhiều nạn nhân vào bẫy khi chứng khoán "nóng" trở lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên