29/07/2013 11:15 GMT+7

Dời mộ liệt sĩ mất hàng trăm hồ sơ, tìm lại tên anh

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Tháng 8-1979, sư đoàn 338 rút khỏi H.Lộc Bình (Lạng Sơn) nên bàn giao nghĩa trang dã chiến trên địa bàn huyện cho chính quyền huyện Lộc Bình.

KDpDl7Xn.jpgPhóng to
Những hàng mộ liệt sĩ chưa có tên ở nghĩa trang Lộc Bình - Ảnh: Hoàng Điệp

Năm 1984, ngành lao động - thương binh và xã hội H.Lộc Bình chủ trì việc di dời mộ liệt sĩ về nghĩa trang của huyện nhưng làm mất hồ sơ, khiến hàng trăm mộ liệt sĩ tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 tại Lạng Sơn bị mất thông tin và trở thành không có tên.

Hành trình gian nan

Lặn lội từ Q.Gò Vấp, TP.HCM ra Lạng Sơn để tìm mộ con trai là liệt sĩ Nguyễn Chí Thành đã hi sinh năm 1979, ông Nguyễn Văn Thuộc và bà Khổng Thị Phấn không chỉ đi một lần mà nhiều lần, kiên trì đi hết từ cơ quan này đến đơn vị khác. Đến khi sức yếu, không đi lại được nữa thì ông bà để hai người con thay nhau đi tìm anh. Với giấy báo tử trong tay kèm sơ đồ mộ chí, vị trí mộ được chôn cất tại nghĩa trang dã chiến tại xã Tĩnh Bắc (H.Lộc Bình) nhưng tìm không thấy. Cậy nhờ các cơ quan chức năng, họ chỉ vào đơn vị cũ, đến đơn vị cũ thì đơn vị đưa ra biên bản bàn giao nghĩa trang cho địa phương. Cuối cùng, buổi làm việc giữa các cơ quan với nhau đưa ra kết luận: “Do thiên tai và lũ lụt năm 1986, toàn bộ giấy tờ và hồ sơ liên quan đến liệt sĩ đã bị mất nên không thể tìm lại được mộ”.

Kiến nghị hỗ trợ xét nghiệm ADN

Ông Lương Văn Hùng, trưởng phòng chính sách người có công, Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Hiện số liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tại rất nhiều địa phương bị mất thông tin các mộ liệt sĩ chứ không riêng gì huyện Lộc Bình, nhưng chỉ huyện Lộc Bình đánh mất hồ sơ liên quan đến việc di dời và thông tin các liệt sĩ này. Đến nay, chúng tôi chưa có công văn đề xuất lên Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề nghị hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin các liệt sĩ. Về chương trình xét nghiệm ADN thì vẫn chưa được triển khai tại địa bàn nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ kiến nghị đối với tỉnh Lạng Sơn”.

“Đây là thông tin khiến tôi và gia đình đau xót nhất, bởi anh tôi đã chiến đấu và hi sinh cho Tổ quốc nhưng chỉ vì sự tắc trách của những cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội mà không biết phần mộ của anh tôi lẫn vào đâu” - chị Nguyễn Thị Thủy, em gái liệt sĩ Nguyễn Chí Thành, nói.

Gia đình đông anh chị em, anh Thành chưa đủ 19 tuổi đã nhập ngũ, hi sinh năm 1979 khi vừa 20 tuổi. “Khi nhận được giấy báo tử và sơ đồ mộ chí của anh tại bản Nà Lầu, xã Tĩnh Bắc, chúng tôi đã lên viếng anh được một lần. Rồi cuộc sống khó khăn quá, cha mẹ tôi phải bươn chải nuôi con nên chưa đưa anh về được. Đến khi gia đình có thể đưa anh về thì không biết mộ anh đã lạc ở nơi nào”.

Lặn lội qua nhiều cơ quan đơn vị, ban ngành, thậm chí tìm gặp lại những đồng đội từng sát cánh bên anh Thành trước giờ anh ngã xuống nhưng hi vọng tìm được mộ của anh rất mong manh. “Chắc chắn mộ của đồng chí Thành đã được quy tập về nghĩa trang của huyện, nhưng sau này vì lý do nào đó mà bị thất lạc thông tin nên rất nhiều mộ liệt sĩ ở đây đã trở thành vô danh” - ông Nguyễn Văn Quang (cựu chiến binh trung đoàn 461), đồng đội của liệt sĩ Thành, nói.

Gia đình chị Thủy không phải là cá biệt bởi theo thượng tá Dương Sỹ Hoằng - chủ nhiệm chính trị đoàn kinh tế quốc phòng 338 (sư đoàn 338, Quân khu 1), số liệu về các liệt sĩ nằm trong các nghĩa trang dã chiến thuộc các xã Hữu Khánh, Tĩnh Bắc, Tú Đoạn đã được bàn giao cho chính quyền địa phương với tổng số mộ ở đây lên tới gần 190 mộ trong tổng số 262 liệt sĩ của sư đoàn đã hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. “Trước đây sư đoàn 338 đóng quân tại Lộc Bình, nhưng khi đơn vị chuyển địa bàn sang huyện Đình Lập thì bàn giao lại toàn bộ mộ liệt sĩ, sơ đồ nghĩa trang dã chiến cho UBND huyện Lộc Bình để địa phương trông nom. Mãi đến năm 2001 chúng tôi mới quay trở lại địa bàn này để đóng quân nên toàn bộ thông tin về mộ chí của các liệt sĩ đều do huyện nắm” - thượng tá Hoằng nói.

2jFVM9CN.jpgPhóng to
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quang và nỗi đau đáu khi nói về đồng đội - Ảnh: Hoàng Điệp

83 liệt sĩ chưa có tên

Ông Nông Văn Sơn, 45 tuổi, quản trang tại nghĩa trang Lộc Bình, kể: “Tôi làm quản trang ở đây từ năm 1991 đến nay, chứng kiến không biết bao nhiêu người đến đây tìm mộ liệt sĩ rồi tần ngần bên những nấm mộ chưa biết tên này. Có người khóc, nhờ vả, có người trở lại một hai lần, có những người chỉ đến một lần rồi thôi”. Gần đây nhất, ông Sơn gặp hai phụ nữ một già, một trẻ, đi tìm mộ chồng và cha hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. “Tôi không nhớ tên tuổi nhưng hình như họ rất khó khăn, bởi sau khi vào đây tìm mộ người thân mà không được, họ đã trở về đơn vị là sư đoàn 338 để nhờ hỗ trợ thông tin. Ngày hôm sau họ quay trở lại thắp nhang cho tất cả các mộ chưa biết tên bởi theo họ, chồng và cha mình là một trong số những ngôi mộ ấy”.

Mất hồ sơ do thiên tai

Đó là khẳng định của ông Nông Minh Cường, trưởng Phòng lao động - thương binh và xã hội H.Lộc Bình, khi ông và đại diện đoàn kinh tế 338 tổ chức tìm kiếm tài liệu liên quan đến việc bàn giao hồ sơ số mộ liệt sĩ trên. “Tài liệu từ năm 1994 trở về trước đã bị mất do nghi có trận lũ lịch sử năm 1986. Khi nhận nhiệm vụ tại đơn vị, tôi không nhận bàn giao bất kể hồ sơ, tài liệu nào liên quan đến liệt sĩ của đoàn 388. Thời gian qua, nhiều thân nhân liệt sĩ tìm đến đơn vị để xin thông tin tìm mộ nhưng chúng tôi cũng không hỗ trợ được gì và chỉ báo cáo lên cấp trên để tìm hướng giải quyết”.

Lật giở hồ sơ vị trí các ngôi mộ thuộc nghĩa trang Lộc Bình, ông Sơn đếm và cho biết hiện nay có đến 83 mộ không có tên và khoảng 70 mộ chưa rõ thông tin (thiếu tên tuổi, năm sinh, quê quán, ngày mất) đang được trông nom tại nghĩa trang Lộc Bình: “Nghĩa trang được xây dựng năm 1984 để quy tập mộ các liệt sĩ được an táng trên địa bàn huyện sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Tôi là người sinh sau đẻ muộn nên khi tiếp nhận việc trông nom nghĩa trang thì cũng chỉ coi sóc để các anh được mồ yên mả đẹp. Tôi cũng lưu giữ sơ đồ và thông tin liên quan đến các liệt sĩ ở đây để có ai hỏi thì mình có thông tin trả lời chứ cũng không giúp được nhiều”.

Ông Nông Văn Cạo (xóm Nà Dầy, thôn Dò Mục, thị trấn Lộc Bình, một trong những người được Phòng lao động - thương binh và xã hội H.Lộc Bình thuê đi bốc mộ liệt sĩ năm 1984) nhớ lại: “Hồi ấy mấy cha con tôi cùng tham gia. Tôi chỉ nhớ thời gian cất bốc được kéo dài từ cuối mùa hè sang đầu mùa thu mới xong”. Theo trí nhớ của ông Cạo, trong mỗi bộ hài cốt của liệt sĩ đều có một lọ thủy tinh nhỏ đựng các thông tin cá nhân, đơn vị, ngày sinh, ngày nhập ngũ... Các thông tin này đều được giữ gìn cẩn thận nên tất cả các liệt sĩ khi được cải táng đều có đầy đủ thông tin, không thiếu thông tin nào. Ông Cạo cũng cho rằng khi bốc mộ thuê, cha con ông không lấp lại một ngôi mộ nào, mộ nào đào lên thì cũng được lau rửa sạch sẽ, hoàn đủ thông tin vào từng bộ cốt.

Còn theo ông Chu Giang - trưởng Phòng lao động - thương binh và xã hội H.Lộc Bình (từ năm 1984 đến 1987), cơ quan ông là nơi trực tiếp lập kế hoạch di dời mộ liệt sĩ từ các xã, bản về nghĩa trang huyện: “Có 330 ngôi mộ được quy tập, trong đó có 27 mộ liệt sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp, còn lại là liệt sĩ tham gia trong cuộc chiến tranh biên giới. Địa bàn mà chúng tôi quy tập lúc đó là Bản Phải, Tĩnh Bắc, Tú Đoạn, Hữu Khánh... Tôi khẳng định là hồ sơ lúc bấy giờ đầy đủ nhưng sau đó tôi bàn giao phần này cho đồng chí Tàng Văn Độ, phó Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện. Việc thất lạc hồ sơ sau này thế nào tôi không rõ, và đồng chí Độ đã qua đời năm 2001”.

“Trả lại tên cho đồng đội tôi”

“Có nhiều thân nhân của họ đến đây khóc, đề nghị đơn vị hỗ trợ tìm kiếm mộ người thân nhưng chúng tôi không thể làm gì được hơn, bởi sau khi đơn vị chuyển địa điểm đóng quân đã bàn giao lại toàn bộ số mộ liệt sĩ của đơn vị hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc được an táng tại huyện Lộc Bình cho địa phương. Sau này, họ cất bốc, di chuyển mộ về nghĩa trang chung của huyện để quản lý thì thông tin của những liệt sĩ này bị mất khiến thân nhân không thể nào tìm lại được mộ” - thượng tá Dương Sỹ Hoằng chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Quang, cựu chiến binh sư đoàn 338, hiện rất đau đáu trong việc tìm kiếm lại danh tính cho các liệt sĩ. Ông cũng là người chạy ngược chạy xuôi xin danh sách liệt sĩ của đơn vị cũ, mày mò lần tìm địa chỉ của những người thân để xác minh xem những ai đã được đưa về, những ai vẫn “chưa có tên”. Ông nói: “Thời gian đã lâu nên các gia đình di chuyển nơi ở khá nhiều. Bởi vậy, đến nay chúng tôi mới tìm được chừng hơn 20 gia đình chưa tìm thấy mộ liệt sĩ. Việc mất mát, thất lạc hồ sơ là chuyện đã qua, còn giờ chúng tôi muốn tìm lại danh tính cho các liệt sĩ thông qua việc xét nghiệm ADN. Nhưng việc xét nghiệm này cần một số tiền rất lớn. Bởi vậy cần sự chung tay góp sức của không chỉ chúng tôi mà cả các cơ quan nữa. Trả lại danh tính cho đồng đội tôi là việc mà chúng tôi và những người sống cần phải làm”.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên