11/09/2017 12:23 GMT+7

TP.HCM "tổng cải tổ" lấy lại hình ảnh xe buýt

QUANG KHẢI - SƠN BÌNH  thực hiện
QUANG KHẢI - SƠN BÌNH thực hiện

TTO - Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết đang thực hiện kế hoạch “tổng cải tổ” xe buýt để lấy lại hình ảnh xe buýt thân thiện, tiện lợi, an toàn...

TP.HCM tổng cải tổ lấy lại hình ảnh xe buýt - Ảnh 1.

Ông Đặng Hưng Long, người khuyết tật, được mời góp ý thiết kế tại lối lên của xe buýt sau bài báo trên Tuổi Trẻ ngày 23-8 "Tôi xấu hổ với xe buýt" - Ảnh: LÊ PHAN

Ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng - cho biết đây là nhiệm vụ mà TP giao cho trung tâm. Vận tải hành khách công cộng cũng được đặt chỉ tiêu hết sức cụ thể là đến năm 2020 phải đáp ứng 15-20% nhu cầu đi lại của người dân (hiện nay đáp ứng 10%), riêng xe buýt, taxi phải đáp ứng từ 15-17% nhu cầu.

TP.HCM tổng cải tổ lấy lại hình ảnh xe buýt - Ảnh 2.

Ông Trần Chí Trung - Ảnh: S.Bình

Chúng tôi cam kết xử lý các trường hợp vi phạm quy định, quy chế, hành vi không chuẩn mực của tài xế, tiếp viên xe buýt... nhưng mong hành khách đừng vì một số sự vụ mà trút hết tội lỗi cho cả đội ngũ xe buýt

Ông Trần Chí Trung

Chấn chỉnh thái độ phục vụ

* Thời gian gần đây người đi xe buýt vẫn còn than phiền, góp ý nhiều về xe buýt, như bài viết người khuyết tật ngồi xe lăn không dám đi xe buýt đăng trên báo Tuổi Trẻ mới đây là một ví dụ?

- Hằng ngày, chúng tôi chuyên chở khoảng 600.000 lượt hành khách trên 141 tuyến với khoảng 17.000 chuyến xe buýt. Với hạ tầng giao thông, đường sá như hiện nay, dù cố gắng nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi một vài vấn đề sơ suất. Chúng tôi luôn lắng nghe, cầu thị các góp ý để dần hoàn thiện mình hơn. Thực ra trong khoảng 700 ý kiến gửi về trung tâm mỗi ngày thông qua hộp thư, tổng đài 1022... chỉ có 4-5 góp ý thôi, phần lớn các ý kiến còn lại là thắc mắc về luồng, tuyến, giá vé...

Để phục vụ người khuyết tật, hiện nay hệ thống xe buýt đã trang bị các phương tiện hỗ trợ như thông báo bằng âm thanh mỗi khi tới trạm, thông tin bằng chữ, hình ảnh... để người khiếm thị, khiếm thính có thể tiếp cận thuận lợi hơn. Riêng những người khuyết tật đi bằng xe lăn, đúng là thiết kế của nhiều loại xe buýt hiện nay gầm cao nên người đi xe lăn khó tiếp cận. 

Trong tháng 9, chúng tôi nhập về sáu xe buýt gầm thấp, trên xe có thiết kế cho người đi xe lăn, đồng thời sẽ công bố thông tin tuyến nào có loại xe này, tất nhiên sẽ ưu tiên những tuyến có trụ sở của các trung tâm, cơ sở người khuyết tật, các trường...

* Thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt, đặc biệt đối với các đối tượng được miễn phí đi xe buýt như người cao tuổi, thương bệnh binh... cũng là điều bị than phiền nhiều?

- Xe buýt công cộng là mô hình chung nhưng thật sự bên trong có nhiều loại hình cấu thành. Ngoài hàng chục doanh nghiệp, còn có 10 hợp tác xã (mỗi xã viên trong hợp tác xã giống như một chủ xe) tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt, nên chất lượng xe và cung cách phục vụ vẫn còn có độ chênh nhất định.

Chúng tôi xem đây là vấn đề quan trọng mang tính sống còn trong hoạt động xe buýt. Để nâng cao công tác phục vụ, trong năm 2016 chúng tôi đã thực hiện đào tạo trên 120 tài xế, tiếp viên xe buýt và hiện đang trình kế hoạch đào tạo tiếp tục khoảng 4.000 tài xế, tiếp viên về kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, an ninh trật tự trên xe. Bên cạnh đó, chúng tôi đã gắn 4.000 camera trên các xe buýt - là hệ thống giám sát, cơ sở xử lý các phản ảnh.

Tăng tuyến, tăng kết nối

* Trong kế hoạch "tổng cải tổ" xe buýt, nhiệm vụ nào là ưu tiên thực hiện, tiến độ ra sao?

- Để thực hiện chỉ tiêu mà TP giao, việc điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến xe buýt là ưu tiên số 1, bởi việc đi xe buýt thuận lợi, an toàn là yêu cầu quan trọng để thu hút thêm hành khách. Hiện trung tâm đang triển khai đề án quy hoạch chi tiết mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.

Nguyên tắc quy hoạch này là tránh sự trùng lắp, mở rộng mạng lưới từ 141 tuyến lên 220 tuyến, tăng tính kết nối các khu vực ngoại thành và liên tỉnh. Quy hoạch này cũng tính toán lại cả bến bãi, nhà chờ xe buýt cho phù hợp hơn, người dân dễ tiếp cận hơn, trong đó có tính tới yếu tố người khuyết tật tiếp cận. Hiện số lượng bến bãi, nhà chờ quá ít, mới đáp ứng 37% so với tiêu chuẩn.

Đề án này cũng sẽ tính toán phát triển loại hình xe buýt nhỏ 17 chỗ cho các tuyến đường nhỏ - đường gom để đưa khách ra những tuyến đường lớn - đường trục. Dự kiến trong năm 2018 sẽ thực hiện xong đề án này, song song đó, trung tâm từng bước nâng cao chất lượng phương tiện. Theo kế hoạch, hết năm 2017 sẽ tiếp tục thay mới 700 xe, trong đó có hàng trăm xe chạy khí thiên nhiên CNG.

Thay đổi chính sách trợ giá

* Chính sách trợ giá sắp tới có gì thay đổi sau khi TP đồng ý cho phép quảng cáo trên xe buýt ?

- Tôi cho rằng việc TP cho phép quảng cáo trên xe buýt tạo được một nguồn thu đáng kể nhưng hoạt động trợ giá thì vẫn phải được tiếp tục, đây là hai khâu khác nhau. Tiền thu từ quảng cáo vẫn nộp về ngân sách nhà nước để phục vụ cho công tác phát triển tái đầu tư, quản lý điều hành xe buýt.

Dự kiến, trong năm 2018 sẽ có bộ đơn giá định mức cho công tác trợ giá cho xe buýt mới kết hợp với việc triển khai vé điện tử giúp việc trợ giá hợp lý hơn - sẽ trợ giá trực tiếp cho người đi xe buýt chứ không phải trực tiếp cho các đơn vị vận tải, do đó tránh được một số phát sinh gian lận, kê khống... Điều đặc biệt, chính sách trợ giá cũng thực hiện giảm giá khi hành khách đi xe buýt trong giờ cao điểm. Ngoài ra, khi sử dụng vé điện tử, hành khách đi sẽ được tính chi phí hợp lý theo quãng đường mình đi hơn là đi theo chặng như trước nay.

* Đối tượng đông đảo đi xe buýt là học sinh, sinh viên sẽ có chính sách trợ giá khác biệt hơn hay không?

- Hiện mức trợ giá học sinh, sinh viên là 2.830 đồng/lượt (ngày tối đa hai lượt), riêng học sinh ở huyện Cần Giờ mức trợ giá là 3.537 đồng/lượt (ngày tối đa bốn lượt). Trung tâm đang xây dựng đề án riêng về chính sách trợ giá cho đối tượng này hợp lý hơn. Trước mắt trung tâm phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai sử dụng tích hợp 400 thẻ học đường (dùng đóng tiền trường, học phí... của học sinh) như một loại hình vé xe buýt điện tử. Việc này có thể triển khai trong tháng 10-2017.

Diễn đàn Phát triển giao thông công cộng & kiểm soát xe cá nhân do báo Tuổi Trẻ phát động với sự phối hợp của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM và đơn vị đồng hành Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh corp), đã thu hút nhiều góp ý về những giải pháp để xe buýt tăng sức thu hút với hành khách.

Diễn đàn mong nhận thêm các ý kiến bàn giải pháp phát triển các loại hình giao thông công cộng khác cũng như việc kiểm soát xe cá nhân thế nào cho hiệu quả. Ý kiến gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email nguyentran@tuoitre.com.vn.

QUANG KHẢI - SƠN BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên