25/05/2021 06:52 GMT+7

Dịch giã kéo dài, thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt có tạo công bằng?

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Theo lịch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9-7. Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang tất bật ôn thi, còn các tỉnh thành cũng đang chuẩn bị cho công tác tổ chức thi.

Dịch giã kéo dài, thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt có tạo công bằng?  - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM ôn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tuy nhiên, điều mà học sinh, phụ huynh và giáo viên quan tâm là các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT sẽ như thế nào trong điều kiện dịch COVID-19 trở nên phức tạp hơn?

Một đợt hay nhiều đợt?

Tại Hà Nội, nhiều học sinh mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được tổ chức đúng lịch, không lùi thời gian như năm trước, vì sẽ kéo dài áp lực, mệt mỏi. Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương đông thí sinh nhất với trên 4.200 phòng thi. Trong khi đó, thành phố này cũng đối diện với nguy cơ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến kỳ thi.

Nguyễn Thùy Linh - học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) - chia sẻ: "Tôi và các bạn đều mong muốn kỳ thi diễn ra đúng lịch công bố. Vì nếu nhiều lần lùi sẽ khiến học sinh mệt mỏi. Hơn nữa tình hình năm nay không chắc chắn được khi nào dịch được kiểm soát nên sẽ bị động". 

Thùy Linh và một số học sinh khác vẫn giữ mục tiêu tìm học bổng du học, kể cả tình hình hiện nay có thể phải tạm thời học trực tuyến. Vì thế, Linh cho rằng thi tốt nghiệp THPT sớm sẽ chủ động được kế hoạch học tập.

Còn Nguyễn Minh Huy - học sinh lớp 12 ở TP Thủ Đức, TP.HCM - bày tỏ: "Biết là bất khả kháng nhưng tôi không mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra theo nhiều đợt. Vì nếu chỉ thi để xét tốt nghiệp thì không sao, nhưng nhiều học sinh - trong đó có tôi - đều muốn dùng kết quả kỳ thi này để dự tuyển vào ĐH. 

Việc thi nhiều đợt mà đề thi đợt 2 dễ hơn đợt 1 là sự bất công đối với những thí sinh đã thi đợt 1. Thế nên, tôi mong muốn học sinh lớp 12 trên cả nước thi một đợt với đề thi như nhau".

Tương tự, ông Trương Minh Đức - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM - cho rằng việc Bộ GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt mới nghe có vẻ rất phù hợp trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. 

"Tuy nhiên, nếu xét lại thì thấy không ổn khi nhiều thí sinh dùng kết quả kỳ thi để ứng tuyển vào ĐH, CĐ. Bởi chắc chắn mức độ khó, dễ của đề thi ở các đợt sẽ có độ chênh nhất định. Như vậy là không công bằng, khi thí sinh này làm đề dễ hơn được điểm cao và cùng ứng tuyển vào một trường ĐH với thí sinh kia làm đề khó hơn, điểm thấp hơn. 

Đó là chưa kể bối cảnh năm nay rất khác so với năm trước. Nếu như năm trước chỉ có một số ít thí sinh thuộc diện F và phải thi đợt 2 thì năm nay số thí sinh diện này rất đông, rất khó đảm bảo sự công bằng giữa thí sinh thi đợt 1 và đợt 2, 3" - ông Trương Minh Đức nói.

Nên để địa phương tổ chức thi và xét tốt nghiệp

Đây là năm thứ hai dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát vào thời điểm sắp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một số hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội cho rằng phương án tốt nhất tổ chức kỳ thi trong tình huống hiện nay là để các địa phương tự tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp THPT cho học sinh ở địa bàn của mình.

"Nên giao cho các tỉnh, thành chủ động tùy theo tình hình thực tế kết hợp xét với tổ chức thi tốt nghiệp THPT trực tiếp hoặc trực tuyến. Như vậy, kỳ thi của các địa phương chỉ nhằm mục đích xét để công nhận hoàn thành chương trình và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Còn việc tuyển sinh nên để các trường ĐH-CĐ chủ động. 

Đó là tự tổ chức kiểu đánh giá năng lực, kết hợp với xét tuyển theo các tiêu chí khác nhau, hoặc các trường có thể thuê những đơn vị đã làm tốt việc tổ chức thi như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng kết quả dùng chung. Giữ các mục tiêu của kỳ thi như hiện tại trong bối cảnh mỗi địa phương có một khó khăn khác nhau thì sẽ rất khó khi chọn một phương án chung tổ chức kỳ thi" - ông Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), bày tỏ quan điểm.

TS Đặng Đức Hoàng - cố vấn chuyên môn Trường liên cấp Đào Duy Anh, quận 6, TP.HCM - cho rằng những năm gần đây kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn đạt tỉ lệ gần 100% thí sinh thi đậu thì việc giao về cho các địa phương bố trí lịch thi, ra đề thi... tốt nghiệp THPT là điều nên làm. 

"Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi địa phương sẽ chủ động về ngày thi sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các trường trên địa bàn. Nếu Bộ GD-ĐT cảm thấy chưa yên tâm thì năm nay bộ có thể ra đề và gửi cho các địa phương" - ông Hoàng đề xuất.

Dịch giã kéo dài, thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt có tạo công bằng?  - Ảnh 2.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG

Thí sinh cách ly thi riêng rất phức tạp

Tuy vậy, từ góc độ những người tổ chức, nhiều cán bộ, giáo viên băn khoăn vì phương án nào cũng có bất cập, dẫn tới rối bời.

"Thi nhiều đợt, trong đó những thí sinh trong diện đang phải cách ly tập trung sẽ thi đợt sau cũng là giải pháp Bộ GD-ĐT đã làm. Nhưng cá nhân tôi thấy thi nhiều đợt sẽ không đảm bảo công bằng nếu như kỳ thi vẫn sử dụng kết quả cho mục đích xét tuyển ĐH-CĐ" - ông Hà Xuân Nhâm cho biết. 

Cũng theo ông Nhâm, phương án thi một đợt nhưng tách thí sinh trong diện phải cách ly thi riêng cũng rất phức tạp vì sẽ phải có phương án đảm bảo di chuyển, tổ chức điểm thi với các biện pháp phòng dịch chặt chẽ. Lực lượng tham gia kỳ thi từ khâu in sao, bảo quản đề thi, bài thi đến các khâu coi thi, chấm thi của đối tượng thí sinh này đều phải tuân thủ biện pháp phòng chống dịch nên sẽ khó khăn.

Một số giáo viên khác ở Hà Nội lại cho rằng nên lùi thời gian diễn ra kỳ thi và chỉ thi một đợt để đảm bảo công bằng khách quan nếu vẫn sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH. Giải pháp thi một đợt nhưng tách riêng đối tượng là F1, F2, F3, theo một số cán bộ quản lý, giáo viên, chỉ có thể thực hiện được khi có ít học sinh trong diện này.

Ông Vũ Văn Trà - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng - cho biết năm trước khi Bộ GD-ĐT quyết định có hai đợt thi, những thí sinh của Hải Phòng thi đợt 2 ít quá nên Hải Phòng đã gửi thí sinh sang tỉnh khác để dự thi. Năm nay, những địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có thể thi trong một đợt. 

Khi đó, thí sinh không phải diện cách ly tập trung (F2, F3) có thể dự thi cùng đợt với học sinh bình thường nhưng thi ở phòng cách ly, thực hiện các quy định về phòng dịch với cả thí sinh và cán bộ tổ chức thi. Nhưng với những địa phương có nhiều học sinh, cán bộ, giáo viên trong diện F0, F1, F2, F3 thì sẽ khó có thể thi cùng một đợt và sẽ phải tổ chức đợt thi riêng.

"Hiện tại rất khó nói nên theo cách nào. Vì mỗi địa phương có diễn biến cụ thể khác nhau và khó lường được tình hình dịch bệnh. Nên hiện tại địa phương chỉ có thể chuẩn bị nhiều phương án và quyết định tùy vào thực tế để chọn phương án khả thi hơn vào trước thời điểm ấn định kỳ thi" - ông Vũ Văn Trà chia sẻ.

Tại Bắc Ninh và Bắc Giang, hai điểm nóng nhất cả nước về dịch COVID-19, lãnh đạo hai sở GD-ĐT đều mong muốn Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức thi nhiều đợt và học sinh của các tỉnh này sẽ thi đợt 2. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Ninh, số thí sinh dự thi của Bắc Ninh năm nay tăng trên 2.000 so với năm trước, dự kiến 27 điểm thi. 

Lực lượng phải bố trí tham gia tổ chức thi cũng tăng lên trong khi học sinh, cán bộ, giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch (phải cách ly, ở trong vùng phong tỏa) nhiều...

"Theo tôi, việc thi và xét tốt nghiệp THPT nên giao về cho địa phương. Việc này các sở GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm và các sở đủ khả năng để làm việc này" - Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM.

Vẫn ôn tập trực tuyến

Ông Ngô Xuân Tiến - giáo viên Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) - cho biết: "Trường vẫn chỉ đạo giáo viên ôn tập cho học sinh bằng hình thức trực tuyến. Cố gắng để các em có sự chuẩn bị tốt nhất nếu như kỳ thi diễn ra bình thường. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy dịch khó mà kiểm soát được hoàn toàn trong khoảng 2 - 3 tháng tới. Vì thế, nơi nào an toàn nên để thí sinh thi trước, nơi nào chưa an toàn thi sau sẽ hợp lý hơn".

Thi mùa dịch, cần nhẹ nhàng hơn

2 thi 25-5 4(read-only)

Học sinh Trường THPT Bình Phú (Q.6, TP.HCM) ôn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

ThS Nguyễn Văn Phúc - hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM - nêu quan điểm: “Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh thời gian thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Trong đó, Bộ GD-ĐT giới hạn chương trình để học sinh lớp 12 hoàn thành kỳ thi, giúp kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng hơn.

Còn việc xét tuyển vào ĐH sẽ là thi đánh giá năng lực mà ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM đã và đang làm. Nếu học sinh có năng lực thực sự thì thi theo hình thức nào các em cũng có thể đáp ứng được”.

Giáo viên Trương Minh Đức phân tích: “Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quy mô quốc gia trong tình hình dịch bệnh như hiện tại là hết sức mạo hiểm. Vì mỗi phòng thi có 24 thí sinh cộng với giám thị nữa sẽ ảnh hưởng đến an toàn phòng chống dịch COVID-19. Đó là chưa kể lượng phụ huynh tập trung trước cổng trường chờ con em thường rất đông.

Còn nếu giảm xuống mỗi phòng thi chỉ có 18 thí sinh thì chi phí, nhân lực... sẽ phát sinh không nhỏ. Tinh thần của thí sinh ít nhiều cũng bị ảnh hưởng và tác động không tích cực đến chất lượng bài thi”.

V.HÀ - H.HƯƠNG

Kiến nghị thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt Kiến nghị thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt

TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trong tuần tới Bộ GD-ĐT sẽ họp với các tỉnh, thành phố để bàn kỹ phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan ra nhiều địa phương.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên