22/11/2018 14:04 GMT+7

Đi đường: ai làm ai khổ?

LÊ HẢI ĐĂNG
LÊ HẢI ĐĂNG

TTO - Đường hẹp, xe đông, khói bụi, ùn tắc... là nỗi khổ hằng ngày của cư dân đô thị. Nhưng bức xúc hơn cả là thói quen đi đứng mất trật tự của không ít người.

Đi đường: ai làm ai khổ? - Ảnh 1.

Tránh nắng khi dừng chờ đèn đỏ trên xa lộ Hà Nội (nút giao thông Cát Lái), P.An Phú, Q.2, TP.HCM gây cản trở giao thông - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Đường ngang lối dọc khắp nơi. Thói quen đi ẩu, tạt ngang, chen lấn, giành đường... càng khiến chuyện đi thêm căng thẳng.

Đâu có đường là ta cứ đi!

Đường nhiều lối rẽ là một trong những đặc điểm của đô thị nước ta. Những con đường làng, đường hẻm khi đô thị hóa đã chuyển thành đường phố, đường đất thành đường nhựa, mở rộng hơn, chằng chịt, đan xen với những đường lớn. 

"Đường chúng ta đi" liên tục bị cắt ngang trước mắt, hẻm thông hẻm, hẻm nối ra đường, dễ băng, dễ rẽ. Vì vậy, người đi đường cũng quen cách đi sao tiện cho mình, đi như trong đường làng, dừng tấp bất chợt, tạt ngang, leo lề, chen lấn vô chừng. Hiện tượng dồn ứ xe ở những nút thắt làm bộ mặt giao thông thường xuyên hỗn tạp. 

Để phân luồng giao thông, người ta thiết kế thêm dải phân cách, nhưng không vì thế mà hạn chế thói quen đâm dọc, xiên ngang, tạt qua, vòng lại. Đường ngày càng đông xe, thói quen đi kiểu "tiện cho mình" cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế tốc độ di chuyển cũng như gia tăng khả năng va chạm, xung đột giữa các phương tiện. 

Luồn lách mọi nơi, tưởng rằng mình được đi nhanh về nhanh hơn một chút, nhưng nhiều người đi kiểu như vậy chính là nguyên nhân gây cản trở số đông người xe, dễ gây tai nạn, gây bực bội, nổi đóa với nhau trên đường.

Chuyện các phương tiện cùng chiều gây cản trở nhau, gây ách tắc giao thông cũng là chuyện hằng ngày. Khi xe buýt tấp vào lề, xe máy phải dạt qua một bên hoặc đi chậm lại. Lúc xe máy băng lên phía trước phải giảm tốc. Nhiều người đi xe đạp "hiên ngang" giữa đường cản trở người đi xe máy, người đi xe máy "hồn nhiên" chạy vào làn ôtô, bất cẩn chút sẽ va quẹt, xe sau húc xe trước.

Chạy xe kiểu "luật rừng"

Tình hình giao thông hiện nay tại nhiều nơi giờ nào cũng là giờ "cao điểm". Tình trạng ùn tắc giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, kể cả khu vực cần hạn chế phương tiện di chuyển như sân bay chẳng hạn... Đường phố chỉ có thể vắng vào ban đêm. Kết cấu giao thông hết sức mong manh, chỉ cần một sự cố nhỏ là vỡ trật tự. Lái xe băng ngang đi tắt kiểu hiện nay chính là cách chúng ta tự làm khổ nhau. 

Những người có ý thức tuân thủ luật giao thông bị chèn ép trên đường, người đi kiểu "luật rừng" thì không sao. Trong nhiều tình huống, người ứng xử đúng luật bị đối xử sai luật, người ứng xử bằng "luật rừng" ở thế thượng phong.

Mỗi năm có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể những người sống cùng thương tật. Như vậy, thực trạng giao thông đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu được sống an toàn của mọi người. Nhiều ca cứu thương di chuyển trên đường trong tình trạng ùn tắc giao thông đã khiến nạn nhân tử vong. 

Kẹt xe không chỉ làm hạn chế tốc độ di chuyển, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Nguyên nhân ngoài hệ thống đường sá còn do chính kiểu đi đứng hằng ngày của từng người.

Biển báo giao thông mọc lên khắp nơi. Đường càng nhiều điểm giao cắt thì càng nhiều biển báo với đủ kiểu nội dung, cơ quan chức năng coi như đã hoàn thành trách nhiệm. Song bảng chỉ dẫn giao thông đầy đường không đẩy lùi tình trạng ách tắc giao thông. 

Biển báo, nếu đặt đúng vị trí cần thiết, chính là những hướng dẫn quan trọng. Nhưng nhiều biển báo không đúng nơi. Nhiều người vẫn lái xe theo thói quen, không quan tâm đến biển báo. Và cũng không quan tâm đến những người đồng hành, đến trật tự giao thông. Nỗi khổ đi lại hằng ngày không phải do đường sá, mà chính do ý thức con người.

Một cánh tay giơ, tránh nhiều tai nạn

Chuyện băng qua đường cũng là "nỗi sợ" của người đi bộ ở đô thị. Cả nước có hàng chục triệu chiếc xe máy, tập trung ở đô thị. Thêm vào đó là những con đường ngày càng lắm hố sâu, gập ghềnh và bị thu hẹp qua năm tháng. Số vụ tai nạn liên quan đến việc băng qua đường chiếm khoảng 14% các vụ tai nạn giao thông.

Không dưới năm lần tôi đang cầm tay lái phải thầm "tạ ơn trời" khi kịp dừng bánh xe trước bước chân người sang đường, nhiều khi do xe đi trước che khuất tầm nhìn.

Trong những tình huống này, tôi đã không nhìn thấy cánh tay giơ cao từ sớm. Người đi bộ giơ tay, phát "tín hiệu xin đường" giúp lái xe kịp thời thả ga hoặc bóp thắng nhường đường, hạn chế tối đa tai nạn "xe sau húc xe trước" khi một xe đột ngột thắng gấp vì ai đó băng qua đường.

Lạ thay, khi tôi góp ý với người thân và bạn bè xung quanh, những người có thói quen qua đường một cách "vô tư", mọi người chỉ đáp "có sao đâu", "xe sẽ né mình"... Qua đường đúng vạch và giơ tay cao là cách đơn giản và hiệu quả nhất để bảo vệ mình cũng như bảo vệ người.

QUỲNH HƯƠNG

Tự phát và tự tiện

"Đường chúng ta đi" nhiều nơi ngay từ thuở ban đầu đã hình thành tự phát. Từ chỗ bất cập về quy hoạch tổng thể đến công tác quản lý, phân luồng, nhiều giải pháp đưa ra mang tính chất tình thế. Thói quen sinh hoạt cũng là một nguyên nhân tác động trực tiếp đến tình hình giao thông. Nhà cửa vừa là nơi sinh hoạt vừa là cơ sở kinh doanh, sản xuất, hai bên đường cửa hàng mọc lên như phố chợ. Nếu duy trì truyền thống ấy, mặt bằng giao thông không thể đáp ứng nhu cầu di chuyển. Cuộc sống và thói quen đi lại cứ men theo sự tự phát, tự tiện. Bởi vậy trật tự giao thông, điều chúng ta phấn đấu bao nhiêu năm, vẫn chưa trở thành hiện thực.

LÊ HẢI ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên